Hồ sơ mật: Chiến dịch cứu hộ bằng trực thăng đầu tiên – Phần 2

15/12/2022 10:45

Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt Không quân Mỹ (AFSOC) là lực lượng thực hiện chiến dịch cứu hộ bằng trực thăng đầu tiên trên thế giới với mẫu máy bay YR-4B.

Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt Không quân Mỹ (AFSOC) bắt đầu được hình thành từ những hoạt động sơ khai trong Chiến tranh thế giới thứ 2 trong những khu rừng ở Myanmar. Tại đây, Nhóm biệt kích Không quân số 1 đã tiến hành các hoạt động tác chiến đặc biệt chống lại quân Nhật ở ngay trong vùng Nhật kiểm soát. Lực lượng này hoạt động độc lập với hệ thống chỉ huy quân sự và các đơn vị còn lại của Mỹ và tự chủ trong việc đưa ra những quyết định và ý tưởng tác chiến. Đây chính là lực lượng thực hiện chiến dịch cứu hộ bằng trực thăng đầu tiên trên thế giới với mẫu máy bay YR-4B.

Công tác chuẩn bị

Để chuẩn bị lên đường, Harman mang theo vài chiếc can thép đựng nhiên liệu, để ở ghế lái bên. Chặng đầu tiên Harman bay đến Taro, đòi hỏi phải đưa trực thăng lên độ cao tới 5.000 fút (hơn 1,5km), kịch trần bay của chiếc YR-4B, sau đó sẽ điều hướng đến Dimapur. Sau khi hạ cánh an toàn tại Dimapur, Harman lấy mấy can xăng dự phòng đổ đầy bình, chuẩn bị cho chặng bay thứ 2 đến căn cứ không quân ở Jorhat”.

Đại diện công ty Sikorsky và các thợ máy của Nhóm biệt kích Không quân số 1 làm việc với chiếc trực thăng YR-4B đầu tiên ở Lalaghat, Ấn Độ vào tháng 3-1944. Ảnh: Lục quân Mỹ

Harman phải mất khoảng 24 giờ để đến Taro trước khi tiếp tục hành trình đến Aberdeen. Khi ở Taro, kỹ thuật mặt đất lắp thêm cho chiếc YR-4B một thùng xăng tháo ra từ một chiếc L-5 Sentinel. Tuy nhiên, mỗi khi bình chính cạn thì Harman vẫn phải hạ cánh để chuyển nhiên liệu từ bình phụ sang. Chặng bay cuối phải được hiện xuyên đêm. Phi công lái máy bay liên lạc L-5 Sentinel ở Aberdeen đã xác định được chính xác vị trí của Hladovcak và Nhóm biệt kích Không quân số 1 đã quyết định sử dụng trực thăng YR-4B để giải cứu.

Căn cứ Aberdeen đơn giản chỉ là một đường băng tạm thời nằm sâu trong khu vực do quân Nhật kiểm soát. Tại đây các máy bay liên lạc L-1 Vigilant và L-5 Sentinel được vận hành bởi các phi công như Ed Hladovcak để sơ tán lực lượng và người bị thương về căn cứ, từ đó dùng máy bay lớn hơn đưa đến Ấn Độ.

Sáng 25-4-1944, Harman hạ cánh tại căn cứ Aberdeen và được thông báo rằng 4 người gặp nạn đang cầm cự trong rừng và chưa bị quân Nhật phát hiện. Máy bay L-5 Sentinel đang thả đồ tiếp tế và gửi tin nhắn cho Hladovcak, hướng vào vị trí chiếc dù trắng viên phi công bỏ lại trên cánh đồng. Tuy nhiên, chiếc chiếc dù trắng có thể sẽ khiến lính Nhật phát hiện ra 4 người họ. Tin nhắn gửi Hladovcak cũng sắp xếp địa điểm tập kết để có thể sơ tán họ ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đó là một bãi cát nhỏ ở con sông gần đó mà lính biệt kích Anh đã chiếm được một phần, đủ chỗ cho một chiếc L-1 Vigilant hoặc L-5 Sentinel hạ cánh.Ở căn cứ Aberdeen, người ta biết rõ rằng không ai trong số 4 người gặp nạn có thể tự mình đi đến được bờ sông. Nhưng họ tin rằng Harman có thể giải quyết vấn đề này.

Tiến hành kế hoạch cứu hộ

Harman đã rất lo lắng về động cơ piston Warner 200 mã lực thường không đáng tin cậy của chiếc YR-4B và không chắc liệu có thể đến nơi những người lính gặp nạn đang đợi hay không. Từ đây, chiếc YR-4B sẽ đưa họ đến bãi cát ở bờ sông để lên máy bay liên lạc L-5 Sentinel, tiếp tục chuyển về nơi an toàn. Điều đáng nói là mỗi lần bay, chiếc YR-4B chỉ có thể chở được 1 người nên Harman sẽ phải thực hiện 4 vòng bay với 8 lượt cất, hạ cánh. Trong khi đó thì máy bay trực thăng là một khí tài mới được đưa vào sử dụng, không thích hợp với tiết trời nóng nực và dễ bị tổn thương trước hỏa lực của lính Nhật. Trên thực tế, chiếc YR-4B có thể bị bắn hạ bởi bất kỳ loại súng nào.

Carter Harman lái chiếc Sikorsky YR-4B số hiệu 43-28247 ở Lalaghat, Ấn Độ vào tháng 3-1944. Đây cũng chính là chiếc trực thăng Harman đã dùng để thực hiện chiến dịch cứu hộ đầu tiên từ ngày 21 đến 25-4-1944. Ảnh: Không quân Mỹ

Thực hiện chiến dịch, cuối ngày 25-4, Harman bay từ Aberdeen đến bãi cát ven sông. Từ đó, một chiếc L-5 Sentinel dẫn chiếc YR-4B của Harman đến bãi đất nơi Hladovcak và 3 người lính Anh đang kiệt sức ẩn náu. Harman không thấy bất kỳ dấu hiệu nào của lính Nhật, nhưng biết rằng họ ở rất gần quanh đó và có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Viên phi công vẫn hết sức lo ngại, không hiểu chiếc trực thăng có thể hoạt động tốt để thực hiện chiến dịch cứu hộ này hay không. Sau này, Harman thú nhận đây là một nhiệm vụ khó khăn hơn bất cứ nhiệm vụ nào từng được giao trước đây.

Khi Harman tới và hạ cánh xuống bãi đất trống, Hladovcak đưa người lính Anh bị thương nặng nhất lên chiếc YR-4B. Chiếc trực thăng rung lắc dữ dội khi cất cánh bay trở lại khu vực bãi cát ven sông, nhưng cuối cùng thì Harman cũng đưa được người đầu tiên tới điểm tập kết. Ở đây, một chiếc máy bay liên lạc tiếp tục đưa người lính này đến nơi an toàn.

Harman thực hiện lượt bay giải cứu thứ hai trong tình trạng cảnh giác cao độ, cố gắng tránh sự phát hiện của quân Nhật. Khi cả hai ra đến bãi cát ven sông thì cũng là lúc trục trặc bắt đầu xảy ra. Động cơ của chiếc trực thăng bắt đầu phát ra âm thanh lạch cạch và hơi nước bốc lên nghi ngút. Cuối cùng thì nó dừng hẳn do quá nóng, không thể khởi động lại được nữa. Harman phải lưu lại qua đêm trên bãi cát ven sông và chỉ còn cách cầu mong cho vận may tiếp tục vào ngày hôm sau và trong đêm quân Nhật sẽ không phát hiện ra Hladovcak và người lính Anh còn lại.

Đó là một đêm dài và cô đơn với Harman nhưng có lẽ là còn dài và đầy lo âu hơn với Hladovcak và người lính Anh còn lại. Trời sáng! Dù trần mây thấp, nhưng không có quá khó với một phi công trực thăng như Harman. Chỉ cần động cơ khởi động được là đủ. Cuối cùng, động cơ cũng đã hoạt động trở lại và Harman đã đón được người lính Anh thứ ba và đưa anh ta đến nơi an toàn. Giờ thì chỉ còn Hladovcak ở lại một mình trong khu rừng nguy hiểm.

Thiếu úy Carter Harman (người đứng bên trái) và tổ kỹ thuật mặt đất chụp ảnh trước một chiếc YR-4B. Ảnh: Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ

Khi Harman quay lại và chuẩn bị tiếp cận Hladovcak thì một đám lính lao ra khỏi bụi cây, cách 2 người chỉ khoảng 300 mét, một số giơ súng trường lên phía máy bay. Một ý nghĩ thoáng lướt qua đầu Harman: “Thế là hết!”. Hladovcak cũng hét lớn khi thấy “quân Nhật” đang tới gần. Nhưng Harman đã kịp tới chỗ Hladovcak trước, vừa đủ cho viên phi công gặp nạn leo lên chiếc trực thăng là bốc lên cao. Đám lính bên dưới chạy ùa tới. Thêm một lần nữa, chiếc YR-4B khựng lại, máy kêu ằng ặc như muốn rơi thẳng xuống khu rừng bên dưới. Tuy nhiên, Harman đã kịp thời xử lý. Chiếc YR-4B lấy lại độ cao, máy tiếp tục hoạt động đều đặn và họ vọt qua những tay súng bên dưới.

Khi đưa Hladovcak về tới Aberdeen, 2 người được thông báo rằng những người lính đuổi theo chiếc trực thăng thực ra là thuộc lực lượng bạn, đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và giải cứu Hladovcak. Lính Nhật cũng xuất hiện quanh khu vực đó, nhưng trong suốt chiến dịch cứu hộ, Harman chưa bao giờ nhìn thấy họ. Và như vậy, Harman và Hladovcak đã hối hả tìm mọi cách để “trốn thoát” khỏi chính những người bạn của mình.

Chiến dịch cứu hộ bằng máy bay trực thăng đầu tiên đã thành công tốt đẹp, dù gặp rất nhiều khó khăn. Chiếc trực thăng YR-4B số hiệu 43-28247 sau đó đã bị hư hỏng nặng, không thể sửa chữa được nữa, nhưng nó đã đi vào lịch sử khi dánh dấu sự khởi đầu cho hoạt động cứu hộ cứu nạn bằng trực thăng ngày nay.

Hồ sơ mật đem tới bạn đọc những bài viết về các vụ án, hồ sơ điệp viên, sự kiện lịch sử quân sự - chính trị thế giới đã được giải mật và những bí ẩn chưa có lời giải đáp.

HỮU DƯƠNG(tổng hợp từ Defense Media Network, This Day in Aviation và cbi-theater.com)

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/tu-lieu-ho-so/ho-so/ho-so-mat-chien-dich-cuu-ho-bang-truc-thang-dau-tien-phan-2-713671
Copy Link
https://www.qdnd.vn/tu-lieu-ho-so/ho-so/ho-so-mat-chien-dich-cuu-ho-bang-truc-thang-dau-tien-phan-2-713671
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hồ sơ mật: Chiến dịch cứu hộ bằng trực thăng đầu tiên – Phần 2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO