"Biến hình ký" là một chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng của đài Hồ Nam, Trung Quốc. Chương trình sẽ chọn một nhóm trẻ em thành thị và nông thôn, cho chúng trao đổi môi trường sống. Mục đích để thay đổi những khuyết điểm của trẻ em thành thị và giúp trẻ em nông thôn có cơ hội nhìn ra thế giới bên ngoài.
Tuy nhiên, chương trình này đã gây ra nhiều tranh cãi. Không ít người cho rằng, chương trình là con đường tắt để trẻ em thành thị trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội. Trong khi đó, nó lại biến trẻ em nông thôn trở thành nạn nhân, bởi không ít em sau khi tiếp xúc với sự huy hoàng của thành phố đã nảy sinh sự bất mãn với môi trường sống nơi quê nhà. Sự yên bình vốn có của những đứa trẻ nông thôn đã bị phá huỷ.
Cô bé Hồ Nhược Nam, 11 tuổi vào năm 2012
Cô bé 11 tuổi gây kinh ngạc vì quá chín chắn, hiểu chuyện
Năm 2012, cô bé nông thôn Hồ Nhược Nam xuất hiện trên chương trình và lập tức gây chú ý. Hồ Nhược Nam khi ấy 11 tuổi, được khán giả gọi là "cô bé tỉnh táo nhất chương trình". Em có tính cách già dặn hơn rất nhiều so với độ tuổi.
Khi chương trình tìm đến Nhược Nam, em không hề vui mừng khi được chọn làm nhân vật chính mà tỏ thái độ nghi ngờ, hỏi ngược lại nhà đài: "Không phải đài truyền hình Hồ Nam rất nổi tiếng sao? Có rất nhiều người nổi tiếng trả giá cao để được lên chương trình. Cháu không bỏ ra một xu nào, tại sao lại được chọn?". Sau đó, cô bé còn yêu cầu nhân viên nhà đài đưa thẻ nhà báo ra và kiểm tra rất cẩn thận.
Đến khi nhà đài thực hiện một cuộc phỏng vấn ngắn về gia cảnh, Nhược Nam cho biết, bố mẹ em đều đang làm việc ở tỉnh Thanh Hải. Nhưng chỉ ít phút sau, cô bé oà khóc, thú thật rằng bố mình không phải đi làm xa mà là đang đi tù. Bố cô bé nhận bản án 15 năm tù vì lén bán hơn 1000 con cừu của địa phương.
Thời điểm tham gia chương trình, Nhược Nam được trao đổi đến sống tại một gia đình giàu có ở Quảng Châu. Gia đình này sống trong biệt thự, mở một nhà hàng siêu lớn, có chi nhánh ở cả Nhật Bản và Thái Lan.
Buổi sáng đầu tiên sống trong gia đình giàu có, Nhược Nam được mẹ nuôi đưa đến nhà hàng của gia đình để ăn uống. Khi đồ ăn được bưng lên, Nhược Nam tò mò hỏi: "Mở một nhà hàng như này tốn bao nhiêu tiền ạ?". Khi nghe thấy mức tiền hơn 2 triệu NDT, Nhược Nam liền thở dài đáp: "2 triệu có thể mua được bao nhiêu là kem".
Trong bữa ăn, trái với sự táo bạo ở nhà, Nhược Nam cư xử rất lễ phép với mẹ nuôi, chủ động gắp thức ăn cho mẹ và còn ân cần hỏi: "Con gắp thức ăn cho mẹ bằng đũa của con có phiền không".
Trước hành động như người lớn của Nhược Nam, người mẹ không khỏi bất ngờ. Cô cảm thấy đứa trẻ trước mắt rất nhạy cảm, lúc nào cũng chất chứa một nỗi buồn không giải thích được. Về hành vi của mình, Nhược Nam lặng lẽ chia sẻ: "Cháu không muốn họ ghét cháu".
Ngoài việc lịch sự và nhã nhặn khi đối mặt với người lớn, Hồ Nhược Nam còn gây bất ngờ khi hoà nhập rất tốt với những đứa trẻ thành thị. Chẳng hạn với con trai của bố mẹ nuôi, ban đầu cậu bé này rất tức giận khi trong nhà xuất hiện người lạ. Nhưng Nhược Nam đã khéo léo dỗ dành, thể hiện sự quan tâm với "em trai". Hai chị em sau đó chơi đùa cùng nhau rất vui vẻ.
Gia đình giàu có sắp xếp cho Nhược Nam học tập tại một ngôi trường ở thành phố. Ngày đầu đến lớp, em được các bạn chào đón, quây đến bắt chuyện cùng. Khi mọi người trêu đùa về gương mặt trông giống "mông khỉ", "quả đào", Nhược Nam cũng sảng khoái đáp lời. Có thể thấy, Hồ Nhược Nam có khả năng giao tiếp rất tốt.
Thế nhưng một ngày, cảm xúc thật của cô bé 11 tuổi đã bộc lộ.
Hồ Nhược Nam và các bạn học ở thành phố
Gia đình không hạnh phúc và sự "chín ép" của đứa trẻ
Cụ thể, khi gia đình trên thành phố đang ăn tối cùng nhau, thấy em trai cứ làm nũng với mẹ, Nhược Nam bỗng bỏ về phòng riêng và oà khóc.
"Có phải vì cháu không nhận được tình yêu thương như vậy từ bố mẹ mình không?", phóng viên đài truyền hình hỏi cô bé.
Lúc này, Nhược Nam mới nói ra tất cả những suy nghĩ trong lòng: "Bố sẽ ở tù 15 năm. Ai biết mẹ có sinh thêm một đứa con nữa hay không. Cháu muốn có một gia đình. Họ đã cho cháu một gia đình chưa? Không hề".
"Cô có nghĩ các bạn cùng lớp thực sự thích cháu không? Không thể nào được. Họ giả vờ đấy, họ chỉ làm vậy vì cháu đang xuất hiện trên TV thôi".
Hồ Nhược Nam là một đứa trẻ nhạy cảm. Em hiểu rõ sự nhiệt tình của các bạn cùng lớp nên cũng che giấu con người thật của mình trước mặt các bạn.
Hồ Nhược Nam chia sẻ cảm xúc thật của mình
Trước khi Hồ Nhược Nam rời Quảng Châu, nhà trường đã tổ chức họp lớp với chủ đề "Lễ tạ ơn". Trong buổi họp, các học sinh đều đứng trên bục kể câu chuyện của mình. Đến lượt Nhược Nam, em đã dũng cảm kể sự thật: "Bố tớ không phải là công nhân đi làm xa nhà. Bố tớ mắc sai lầm rồi vào tù, bỏ lại mẹ con tớ. Tớ không dám cho mọi người biết, sợ mọi người sẽ cười nhạo tớ".
Nhớ lại ngày đầu tiên, khi Nhược Nam đến thành phố, mẹ nuôi đã hỏi: "Con có muốn về nhà không?", Nhược Nam đã đáp: "Con không muốn". Nhưng đến khi phải tạm biệt gia đình giàu có, Nhược Nam lại không hề buồn rầu, hoài niệm.
Cô bé nói trước camera: "Cháu không hề ghen tị với các bạn thành phố. Những gì người dân ở đây có thì sau này cháu cũng sẽ có. Cháu phải tự mình nỗ lực phấn đấu, giành lấy".
Có thể thấy vì hoàn cảnh gia đình không tốt mà Hồ Nhược Nam từ bé đã "chín ép". Em học cách trưởng thành, hiểu chuyện nhiều hơn so với bạn bè xung quanh, cũng học cách làm vừa lòng xung quanh và che giấu cảm xúc thật của mình.
Tuy nhiên đằng sau sự "chín ép" ấy vẫn là một tâm hồn ngây thơ, chẳng hạn khi em nghĩ đến việc 2 triệu NDT có thể mua được rất nhiều kem - món ăn ưa thích của mọi đứa trẻ nhỏ. Nhược Nam cũng có một tấm lòng thiện, không ghen tị với người khác và luôn cố gắng phấn đấu cho tương lai. Sự nỗ lực ấy cũng bởi vì cô bé luôn lo sợ về tương lai của mình. Một tương lai mà bố đi tù đến 15 năm, không thể ở bên cạnh lo toan, bao bọc cho Nhược Nam. Một tương lai mà mẹ có thể tái hôn, sinh thêm em bé và không thể toàn tâm lo cho Nhược Nam được.
Sự "chín ép" của Nhược Nam đã khiến nhiều bậc cha mẹ sau khi xem xong chương trình phải suy nghĩ không thôi.
Hồ Nhược Nam tạm biệt mọi người để trở về quê
Cuộc sống hiện tại của Hồ Nhược Nam ra sao?
Theo hiệu phó ngôi trường ở quê nhà của Nhược Nam, cô bé có thành tích học tập rất tốt. Nhờ vậy, em được nhận vào một trường trung học trọng điểm ở địa phương. Nhiều năm qua đi, theo một số nguồn tin, Nhược Nam đã trúng tuyển và theo học tại Đại học Sư phạm Tây Bắc.
Giống như lời nói cách đây 11 năm, Nhược Nam thực sự đang học tập chăm chỉ để mở ra tương lai tươi sáng cho chính mình.
Theo Phụ nữ mới