Chiều 28/5, cháu T.V.H (5 tuổi, trú tại thị trấn Lộc Hà- huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) ra đồng thu hoạch lạc cùng mẹ là Nguyễn Thị Nghiêm. Trong quá trình chơi tại đây, cháu H. không may sảy chân xuống hố ga công trình thoát nước đang thi công khiến nạn nhân tử vong. Liên quan đến vụ việc, nhiều người dân ở thị trấn Lộc Hà bày tỏ bức xúc. Họ cho rằng, nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu H. là do đơn vị thi công công trình không đảm bảo an toàn. Bởi hố ga đã được thi công từ lâu nhưng nắp cống chưa được đậy lại, ngoài ra không có một bất cứ biển báo hay rào chắn mặc dù hố ga này có độ sâu hơn 3m, rất nguy hiểm.
Và những vụ việc tai nạn do hố ga không nắp đậy này xưa nay không phải hiếm. Hố ga không nắp, không rào chắn, không biển cảnh báo... dẫn đến chết người. Trách nhiệm thuộc về ai? Liên quan đến vụ việc này VOV phỏng vấn Luật sư Đỗ Minh Hiển, văn phòng luật sư JVN để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Hố ga nơi xảy ra sự viêc. (Ảnh Tiền Phong) |
PV: Dư luận đang xôn xao về vụ việc một cháu bé 4 tuổi tử vong vì rơi xuống hố ga ven đường tại thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, quan điểm của luật sư về vụ việc này như thế nào?
Luật sư Đỗ Minh Hiển: Ở nước ta, các vụ tai nạn thương tâm do rơi xuống hố ga, cống đường bộ trên đường giao thông không phải là hiếm. Chỉ cần search google từ khóa “tai nạn do hố ga không nắp đậy” sẽ cho ra kết quả của rất nhiều vụ tai nạn có nguyên nhân từ các hố ga, cống thoát nước đường bộ không có nắp đậy, mất nắp đậy nhưng không được rào chắn hoặc cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, theo tiêu chuẩn quốc gia về hố ga bê tông cốt thép đúc sẵn TCVN 10333-1:2014 quy định hố ga phải đảm bảo các tiêu chuẩn về xây dựng, trong đó quy định bắt buộc phải có nắp đậỵ hoặc nắp có song chắn rác. Trong vụ tai nạn thương tâm tại Lộc Hà, Hà Tĩnh, cháu bé 4 tuổi đã bị rơi xuống hố ga vì hố ga không có nắp đậy. Chiểu theo quy định về tiêu chuẩn quốc gia nêu trên thì hố ga đó không đảm bảo an toàn đối với người tham gia giao thông.
PV: Vậy theo luật sư trách nhiệm thuộc về ai ?
Luật sư Đỗ Minh Hiển: Hiện nay, cơ quan công an huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đang xác minh để làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan trong vụ tai nạn đáng tiếc này. Theo tôi, trong vụ việc này, để làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để xảy ra tai nạn thì cần phải xác địnhh loại, hiện trạng công trình giao thông nơi có hố ga không nắp.
Nếu đoạn đường xảy ra tai nạn là nơi đang thi công công trình giao thông hoặc đang thực hiện việc duy tu, sửa chữa công trình giao thông thì trách nhiệm thuộc về người được giao trách nhiệm trong việc duy tu, sửa chữa công trình giao thông vì không đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công, sửa chữa công trình giao thông dẫn đến hậu quả chết người. Trong trường hợp này, người được giao trách nhiệm trong duy tu, sửa chữa công trình giao thông có thể bị khởi tố về “Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông” theo quy định tại mục c, khoản 1, Điều 281, mức hình phạt cao nhất đến 03 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 584, 591 Bộ Luật dân sự năm 2015
Nếu đoạn đường xảy ra tai nạn không thuộc trường hợp đang thi công hoặc duy tu, sửa chữa và đã được bàn giao cho cơ quan quản lý nhà nước thì trách nhiệm thuộc về người được giao quản lý tuyến đường giao thông. Theo quy định tại khoản 4, Điều 2, thông tư số 37/2018/TT-BGTVT thì đoạn đường xảy ra tai nạn hố ga thuộc “ hệ thống đường địa phương” và được phân cấp quản lý theo từng loại đường. Việc quản lý “đường địa phương” do UBND tỉnh phân cấp quản lý cho các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, UBND cấp xã “thực hiện việc quản lý, vận hành khai thác và bảo trì các tuyến đường trên địa bàn theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh” (khoản 4, Điều 5, thông tư số 37/2018/TT-BGTVT). Như vậy, trách nhiệm quản lý “đường địa phương” được giao cho các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, UBND cấp xã. Khi xảy ra tai nạn chết người liên quan đến trách nhiệm quản lý đường bộ thì người được giao quản lý, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện hoặc UBND cấp xã được giao quản lý đường bộ sẽ phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả xảy ra.
Trở lại vụ việc nêu trên, để xác định trách nhiệm pháp lý của người có trách nhiệm quản lý đường bộ, cơ quan công an cần xác minh làm rõ được đoạn đường xảy ra tai nạn hố ga do cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện hay UBND xã có thẩm quyền quản lý theo quy định tại khoản 4, Điều 5, thông tư số 37/2018/TT-BGTVT. Và các cá nhân, cơ quan này đã thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì đường bộ theo quy định của pháp luật hay chưa? Tùy thuộc vào kết quả xác minh, người có trách nhiệm quản lý đường bộ trong trường hợp để xảy ra tai nạn chết người do không thực hiện đúng trách nhiệm trong quản lý đường bộ có thể bị khởi tố về “Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông” theo quy định tại khoản 1, Điều 281, mức hình phạt cao nhất đến 03 năm tù. Song song với đó, người vi phạm còn phải bồi thường các thiệt hại cho người bị hại, gia đình người bị hại theo quy định tại các Điều 584, Điều 591 Bộ luật dân sự năm 2015.
PV: Hiện nay vẫn xảy ra tình trạng trộm cắp nắp cống, nắp hố ga đường bộ. Hành vi đó bị xử lý như thế nào thưa luật sư?
Luật sư Đỗ Minh Hiển: Theo quy định tại khoản 1, Điều 173 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi 2017, hành vi trộm cắp nắp cống, nắp hố ga nếu tài sản trộm cắp ( nắp cống, nắp hố ga) có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm hoặc hành vi trộm cắp gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì sẽ bị phạt tù cao nhất đến 03 năm tù. Trong trường hợp phạm tội có tổ chức hoặc có tính chất chuyên nghiệp sẽ bị truy cứu theo khoản 2 Điều 173, mức hình phạt cao nhất lên đến 07 năm tù.
PV: Theo luật sư cần làm gì để hạn chế tới mức thấp nhất các tai nạn do người và phương tiện tham gia giao thông rơi xuống hố ga, cống đường bộ ?
Luật sư Đỗ Minh Hiển: Hố ga, cống đường bộ là bộ phận cấu thành trong hệ thống giao thông đường bộ. Việc thiếu quản lý có thể làm cho hố ga, cống đường bộ mất tác dụng gây ảnh hưởng tới an toàn giao thông đường bộ. Trong một số trường hợp có thể gây ra các vụ tai nạn đáng tiếc dẫn đến thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người tham gia giao thông như báo chí đã phản ánh.
Vì vậy, để hạn chế tới mức thấp nhất các tai nạn do mất nắp hố ga, cống đường bộ cần nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quản lý, vận hành đường bộ. Đặc biệt, cần phát hiện sớm tình trạng mất nắp hố ga, cống đường bộ để kịp thời có giải pháp lập rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông trên đường.
Giải pháp tốt nhất là phát huy tinh thần bảo vệ công trình giao thông tới địa bàn dân cư, thiết lập đường dây nóng để người dân kịp thời phản ánh các sự cố công trình giao thông (trong đó có việc mất nắp cống, nắp hố ga) để cơ quan quản lý có các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Tăng cường công tác tuần tra của lực lượng công an để phát hiện và xử lý nghiêm đối với các đối tượng trộm cắp nắp hố ga, nắp cống đường bộ các thiết bị đường bộ khác.
PV: Xin cảm ơn luật sư.