Ngày 25/3, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Quốc Huy (41 tuổi, ngụ hẻm 490 Lê Văn Sỹ, quận 3) cho biết, gia đình đã liên hệ Hội Bảo vệ người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi trước việc hóa đơn nước tháng 2 tăng bất thường hơn 57 triệu đồng, tương đương 3.000m3.
Theo ông Huy, trong buổi làm việc mới đây, đại diện Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định cho biết sẽ kiểm định đồng hồ nước xác định nguyên nhân hóa đơn tăng đột biến (trung bình gia đình chỉ dùng 20m3).
Ông Huy thắc mắc quy trình kiểm định được thực hiện như thế nào. Đồng thời, ông đặt ra 3 câu hỏi đề nghị phía cấp nước trả lời.
Thứ nhất, kiểm định có đo được lúc không có nước chảy qua đồng hồ, mà chỉ là không khí thổi qua?
Thứ 2, có phát hiện được lỗi ở ngàm đồng hồ? Có nghĩa khi bơm nước, đồng hồ sẽ quay ở hàng đơn vị, sau đó mới nhảy lên đơn vị chục. Tuy nhiên, nếu ngàm số bị lỗi có thể nhảy số lên đơn vị trăm, nghìn.
Thứ 3, có chứng minh được 3.000m3 nước chảy qua máy bơm vào gia đình sẽ thoát đi đâu? Gia đình hoàn toàn không phát hiện nước tràn, thấm ở tường, nền đất. Công suất nước chảy qua đồng hồ tối chỉ 1,5m3/giờ, trong khi phải cần 2m3 nước chạy liên tục qua đồng suốt 2 tháng mới đủ 3.000m3.
"Liệu bây giờ tôi thanh toán đủ 57 triệu đồng tiền nước, trong tương lai có lặp lại việc tương tự như vậy hay không. Tôi quyết làm rõ nước thoát đi đâu", ông Huy chia sẻ.
Đại diện Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định cho biết khi nhân viên đi đo chỉ số đồng hồ nước nhà hộ dân nếu phát hiện lượng tiêu thụ tăng bất thường, nhân viên sẽ hỗ trợ khách hàng kiểm tra.
Theo quy định của UBND TPHCM, đơn vị cấp nước chỉ quản lý đường ống phía ngoài đồng hồ nước, việc thất thoát bên trong, hộ dân phải chịu trách nhiệm với chỉ số thể hiện đúng trên đồng hồ nước.
"Trường hợp khách hàng và công ty lấn cấn về chỉ số đồng hồ, khách hàng có quyền yêu cầu kiểm định đồng hồ, phía công ty sẽ chỉ định đơn vị thực hiện. Sau khi kiểm định và có kết quả, cả hai phía căn cứ vào kết quả đó giải quyết.
Trước câu trả lời trên, chủ căn nhà cho biết sẽ không chấp nhận việc phía công ty yêu cầu một công ty kiểm định và sẽ tìm một đơn vị giám định độc lập để đảm bảo khách quan.
Trước đó, chiều 21/3, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội, ông Lê Trọng Thuần, Giám đốc kinh doanh Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco), đã trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí liên quan tới vụ việc. Đại diện phía Sawaco thông tin, địa chỉ cấp nước này thuộc quản lý của Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định.
"Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định áp dụng phương án tính hóa đơn nước kỳ tháng 2 vẫn bằng trung bình các kỳ trước là khoảng 20m3. Sau khi có kết quả kiểm định đồng hồ nước, chúng tôi sẽ thông tin tới khách hàng và đưa ra hướng xử lý tiếp theo", ông Thuần nói.
Trước đó, ông Nguyễn Quốc Huy tá hỏa khi nhận hóa đơn tiền nước tháng 2 hơn 57 triệu đồng.
Theo ông Huy, tháng 1 (trước Tết), nhân viên đến đo đồng hồ nước nhưng gia đình đi vắng. Phía công ty lấy mặc định lượng nước sử dụng những tháng trước đó để ra hóa đơn và tính toán lại sau.
Tháng 2, khi nhận mức phí sử dụng nước trên, ông Huy quá bất ngờ. Trung bình mỗi tháng gia đình ông sử dụng khoảng 20m3 nước với số tiền hơn 200.000 đồng. Ông nghi đồng hồ nước có vấn đề mới xảy ra chuyện như vậy.
Chủ gia đình tính toán, nếu 3.000m3 nước thất thoát trong 2 tháng, mỗi ngày gia đình ông phải dùng tầm 50m3, tức 2m3 nước/giờ. Tuy nhiên, khi dùng thiết bị đo lượng nước từ đường ống qua máy bơm cung cấp cho gia đình, ông đo được áp suất nước tối đa chỉ 1,5m3/giờ.