Tại dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 6 bậc hiện nay xuống 5 bậc theo đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và thay đổi về cơ cấu tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân.
Cụ thể, bậc 1 cho 100 kWh đầu tiên, giá điện là 1.806,11 đồng/kWh; bậc 2 cho kWh 101-200, giá điện là 2.167,33 đồng/kWh; bậc 3 cho kWh 201-400 có giá là 2.729,23 đồng/kWh; bậc 4 cho kWh 401-700 có giá 3.250,99 đồng/kWh; bậc 5 cho kWh từ 701 trở lên, giá điện là 3.612,22 đồng/kWh.
Góp ý vào dự thảo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nhằm khắc phục một số hạn chế.
Cơ quan nêu quan điểm, cơ chế giá điện như dự thảo đưa ra chưa hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp. Điện cho sản xuất có thời điểm bằng 52% giá bình quân, trong khi giá đối với hộ nghèo chính sách, ưu đãi lớn nhất cũng bằng 90% giá bình quân.
"Tình trạng bù chéo giá điện giữa các hộ tiêu dùng điện chưa được khắc phục triệt để; vẫn còn sự bù chéo giữa các hộ sử dụng nhiều và hộ sử dụng ít. Điều này là không phù hợp. Giá điện sinh hoạt vẫn đang phải bù chéo cho giá điện sản xuất, kinh doanh với giá điện sinh hoạt, giá điện giữa các vùng miền", Tổng Liên đoàn Lao động phân tích.
Trong khi đó, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị sửa đổi Khoản 1 Điều 4 dự thảo quyết định theo hướng: "Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật được hỗ trợ tiền điện, mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành".
Khoản 2 Điều 4 dự thảo đề nghị sửa lại như sau: "Hộ gia đình có thành viên thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng ở vùng điện lưới được hỗ trợ tiền điện, mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Trường hợp hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ tiền điện theo các đối tượng khác nhau, thì chỉ được hưởng một mức hỗ trợ tiền điện cao nhất".
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng đề xuất áp dụng việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo các giai đoạn khác nhau, thực hiện theo lộ trình nhằm thực hiện quy định tại Nghị quyết số 55/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phù hợp với các bước phát triển của thị trường điện lực.
Hiện nay, khi nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch Covid-19, Bộ Công Thương đề xuất các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện ở mức tối thiểu, một mặt vẫn đảm bảo giải quyết những vấn đề thực tiễn cấp bách nhưng không gây tác động quá lớn tới người dân và doanh nghiệp.
Trả lời Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công Thương đề nghị giữ nguyên như dự thảo do hộ cận nghèo không thuộc đối tượng được hỗ trợ tiền điện. Ngoài ra, việc mở rộng đối tượng sẽ làm tăng khoản chi từ ngân sách nhà nước.
Tiêu chí hộ chính sách xã hội được quy định tại Quyết định số 60/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện. Quy định này đã được thực hiện ổn định từ năm 2014 đến nay, nên theo Bộ Công Thương, việc mở rộng hỗ trợ tiền điện sinh hoạt cho tất cả các hộ chính sách xã hội sẽ tăng khoản chi từ ngân sách nhà nước.
"Thực tế sẽ có khả năng hỗ trợ không đúng đối tượng cần được hỗ trợ", cơ quan này lo ngại.
Cũng góp ý vào dự thảo trên, Tổng công ty Điện lực miền Bắc nhấn mạnh, một trong những mục tiêu của việc điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện là giảm dần hiện tượng bù chéo giữa các hộ tiêu thụ.
"Chúng tôi nhận thấy, việc ghép các hộ tiêu thụ bậc 1 (dưới 50 kWh/tháng) và bậc 2 (dưới 100 kWh/tháng) thành một hộ dưới 100 kWh/tháng trong cơ cấu biểu giá bậc thang mới là cần thiết vì số lượng các hộ tiêu thụ dưới 50 kWh/tháng ngày một giảm đi.
Tuy nhiên việc xây dựng mức giá cho hộ bậc 1 trong cơ cấu bậc thang mới đề xuất (dưới 100 kWh/tháng) lại đúng bằng mức giá của hộ tiêu thụ dưới 50 kWh/tháng trong cơ cấu biểu giá cũ quy định tại Quyết định 28 là điều không hợp lý. Điều này càng làm cho việc bù chéo giữa các hộ tiêu thụ tăng lên chứ không phải giảm đi theo mục tiêu cải tiến đề ra", cơ quan này nêu lý lẽ.
Không đồng tình, Bộ Công Thương đề nghị giữ nguyên như dự thảo do việc ghép các hộ tiêu thụ bậc 1 (dưới 50 kWh/tháng) và bậc 2 (dưới 100 kWh/tháng) thành 1 hộ dưới 100 kWh/tháng để phù hợp với nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng của người dân.
Việc giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0-100 kWh, theo cơ quan soạn thảo, nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp.