'Hô biến' nhà ở riêng lẻ thành chung cư mini sẽ gây nguy hiểm cho xã hội

28/11/2023 13:57

Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, việc thay đổi công năng công trình không thông báo cho cơ quan chức năng là hành vi nguy hiểm cho xã hội và chính con người sống trong và gần công trình đó.

Sau vụ cháy ở quận Thanh Xuân khiến 56 người tử vong, TP Hà Nội đã tổng rà soát trên địa bàn, qua đó phát hiện khoảng 2.000 chung cư mini, trong đó tập trung nhiều nhất ở quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ.

Thực tế có những trường hợp tự ý cải hoán, chuyển đổi công năng các công trình nhà ở riêng lẻ thành chung cư mini nhưng chủ đầu tư không báo cáo cơ quan chức năng. Điều đó khiến người dân lo ngại về việc bảo đảm an toàn PCCC ở các tòa chung cư mini này.

Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an), đối với người chủ cơ sở, chủ công trình, khi hoán cải công trình mà không báo cáo với cơ quan chức năng sẽ vô cùng nguy hiểm.

158476e6a09577cb2e84-1244-866.jpeg
Huyện Thạch Thất cấp phép căn nhà ở riêng lẻ, nhưng chủ đầu tư đã xây dựng thành chung cư mini. Ảnh Quang Phong

Với tòa nhà nhiều căn hộ bắt buộc phải yêu cầu về PCCC. Do vậy, chủ đầu tư thay đổi công năng mà không thông báo với cơ quan chức năng, khi đó điều kiện an toàn PCCC cũ của công trình không còn đảm bảo cho công năng mới.

Vì thế, khi xảy ra sự cố cháy, hệ thống báo cháy cũng không đảm bảo yêu cầu, trang bị để phục vụ chữa cháy và việc cứu nạn cứu hộ cho công trình đó cũng không đảm bảo...

Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, việc hoán cải công trình mà không thông báo cho cơ quan chức năng thì lực lượng cảnh sát PCCC và đơn vị quản lý sẽ không biết công trình đó cần phải trang bị thiết bị PCCC như thế nào cho phù hợp; cần phương án chữa cháy, tổ chức cứu hộ, cứu nạn như thế nào.

“Đối với các công trình nguy hiểm về cháy nổ, 1 năm chúng tôi chỉ được phép kiểm tra 2 lần. Với công trình khác thì 1 năm chỉ được kiểm tra 1 lần”, Đại tá Khương nói.

Do vậy, theo Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, hành vi thay đổi công năng công trình không thông báo cho cơ quan chức năng là một hành vi nguy hiểm cho xã hội và nguy hiểm cho chính con người sống trong và gần công trình đó.

Đại tá Nguyễn Minh Khương khuyến cáo, với những người sống trong công trình đó, khi chủ đầu tư, chủ nhà thay đổi công năng công trình thì báo ngay cho cơ quan chức năng để chúng tôi kịp thời nắm bắt thông tin và xử lý trường hợp đó theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường công tác quản lý để kịp thời phát hiện, thông báo vi phạm cho chúng tôi để chúng tôi có biện pháp xử lý theo đúng qui định, từ đó có thể giảm thiểu tối đa được thiệt hại về người và tài sản.

Cứu nạn ở những công trình như chung cư mini gặp nhiều khó khăn

Sau vụ cháy chung cư mini ở phường Khương Đình (quận Thanh Xuân), người dân TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung cùng mối quan tâm về những khó khăn, phức tạp trong công tác PCCC chung cư cao tầng và chung cư mini.

Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, khó khăn đó chính trong việc chữa cháy chung cư là chiều cao của công trình. Với chiều cao của chung cư, khi lực lượng chức năng tiếp cận trên tầng cao sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Với dạng công trình chung cư mini như vụ cháy xảy ra ở quận Thanh Xuân, đây là một dạng công trình tồn tại trong ngõ rất hẹp. Phương tiện xe chữa cháy phải đỗ cách công trình khoảng 300m.

chung-cu-mini-12-867.jpeg
Tòa chung cư mini ở Khương Hạ bị cháy vào đêm 12/9 khiến 56 người thiệt mạng.

“Và với khoảng cách như vậy, thời gian chúng tôi triển khai các phương tiện đưa chất chữa cháy như nước, bọt… tiếp cận hiện trường sẽ mất thời gian nhiều hơn”, Đại tá Khương chia sẻ.

Ngoài ra, với không gian hẹn, con ngõ chỉ khoảng 2m như vậy, cảnh sát chữa cháy không thể triển khai các thang cứu nạn lên tầng 3, tầng 4 của tòa nhà. Do vậy, lực lượng PCCC chỉ dùng thang lên được tầng 2 của căn nhà, sau đó dùng tay không để bám vào các thanh sắt ô cửa, tiếp cận lên các tầng cao, cứu người bị nạn.

Dạng công trình chung cư mini thường cho để xe dưới tầng 1. Khi cháy, ở tầng 1 tạo thành một luồng khói lửa, cuốn vào khu vực cầu thang hở rồi đi lên các tầng phía trên, sức nóng vô cùng khủng khiếp. Do vậy, cảnh sát chữa cháy phải dùng các phương tiện phá cửa tầng 1, dập tắt đám cháy ở tầng 1 rồi mới tiếp cận được đám cháy phía trong nhà.

Để cứu được các nạn nhân thoát khỏi đám cháy cần khoảng "thời gian vàng". Nếu như vượt quá khoảng "thời gian vàng" đó chỉ vài giây thôi là người bị nạn có thể gặp nguy hiểm về tính mạng. Từ đó có thể thấy việc tiếp cận đám cháy, giải cứu các nạn nhân là vô cùng khó khăn đối với dạng công trình chung cư mini.

Tuy nhiên, trong các vụ cháy vừa qua, cũng rất hoan nghênh một số cán bộ chiến sĩ đã rất cố gắng, rất nỗ lực, tìm mọi cách để có thể tiếp cận nhanh nhất đám cháy, để đưa các nạn nhân thoát khỏi hiện trường một cách an toàn nhất.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Hô biến' nhà ở riêng lẻ thành chung cư mini sẽ gây nguy hiểm cho xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO