HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, Philippe Troussier, vừa có chuyến sang Nhật Bản và gặp gỡ với Công Phượng. Tại đây, ông có buổi trả lời phỏng vấn với tờ Bunshun. Trong đó, chiến lược gia người Pháp đã đưa ra những quan điểm về bóng đá, đặc biệt là lối chơi tập thể.
HLV Troussier cho biết: "Không chỉ ở Nhật Bản mà nhiều nơi khác người ta chưa hiểu đúng về bóng đá tập thể. Ngày nay, không có nhiều HLV theo đuổi triết lý này. HLV Pep Guardiola của Man City là một trong số ít. De Zerbi của Brighton cũng như. Bên cạnh đó, HLV Inzaghi của Inter, Postecoglou của Tottenham hay Ten Hag của Man Utd cũng có phần giống thế.
Bên cạnh đó, có những HLV coi trọng xây dựng đội bóng ở khía cạnh tâm lý như Jurgen Klopp của Liverpool hay Moriyasu của Nhật Bản. Họ là kiểu HLV coi trọng cá nhân hơn tập thể.
Ở Việt Nam, điều này chưa được hiểu rõ. Người ta tin rằng bóng đá có thể tạo ra sự khác biệt thông qua nỗ lực cá nhân. Khi đội bóng thua, mọi người sẽ chỉ trích: "Tại sao cầu thủ lại thi đấu không đúng sức?", "Tại sao người kia lại chơi tệ như vậy?".
Tất nhiên, người hâm mộ và giới truyền thông không phải là thành viên đội bóng nên họ phản ứng như vậy cũng là bình thường. Trong đội và ngoài đội là hai thế giới khác nhau. Vì vậy, giới truyền thông khó có thể hiểu được tính tập thể và kỷ luật.
Chẳng hạn như HLV Luis Enrique đã bị chỉ trích nặng nề. Ông ấy xây dựng lối chơi dựa trên tập thể và PSG đã tạo ra khoảng cách 10 điểm so với đội xếp thứ hai. Thế nhưng, tôi không hiểu sao mọi người vẫn không hài lòng.
Đúng là khía cạnh tập thể khó được giới truyền thông chấp thuận. Điều này là do họ muốn các cầu thủ tỏa sáng với tư cách cá nhân, chứ không phải tập thể. Sức ảnh hưởng của mạng xã hội ngày càng tăng khiến cho công việc của các HLV ngày càng khó khăn".
Chưa dừng lại ở đó, HLV Troussier nêu lên lý do vì sao bóng đá Việt Nam phải áp dụng lối chơi tập thể. Ông nói thêm: "Có hai chiến lược trong bóng đá. Một là chiến lược dựa vào sự tỏa sáng của cá nhân. Các cầu thủ đều có vai trò của riêng mình. Mỗi người giữ một vị trí và có thể thỏa sức thể hiện mình.
Một chiến lược khác yêu cầu cầu thủ tuân theo tập thể, trong đó có việc tổ chức, phối hợp trôi chảy và xây dựng mối quan hệ giữa tấn công và phòng thủ. Đối với tôi, việc dựa vào từng cá nhân là không đủ. Các cầu thủ Việt Nam có trình độ thấp hơn so với các đồng nghiệp ở châu lục và thế giới. Họ khá đuối về năng lực, kinh nghiệm và thể lực. Đó là lý do tôi yêu cầu đội bóng làm việc dựa trên tập thể.
Những HLV như Moriyasu hay Klinsmann đều sở hữu các cầu thủ tới từ các CLB hàng đầu châu Âu. Do đó, họ có chiến lược dựa vào sự tỏa sáng của các cá nhân và cố gắng tạo ra bầu không khí để các cầu thủ tin tưởng của HLV. Họ yêu cầu từng vị trí cố gắng hết sức để hoàn thành vai trò được giao.
Tuy nhiên, cả hai HLV Moriyasu hay Klinsmann đều không đòi hỏi nhiều về tính tập thể. Điều này một phần là do cầu thủ Nhật Bản hay Hàn Quốc ở trình độ rất cao so với châu Á. Các HLV bị thu hút bởi tài năng của cầu thủ và cảm thấy khó khăn khi yêu cầu tính tập thể từ những ngôi sao.
Tôi thì khác. Bạn biết cách làm việc của tôi. Tôi luôn cố gắng hướng đội bóng tới tập thể. Đối với tôi, công việc tập thể quan trọng hơn nhiều so với giá trị của từng cầu thủ".