Chợ Nủa thuộc xã Bình Phú (Thạch Thất, Hà Nội) họp theo phiên vào các ngày có đuôi 2, 7 âm lịch hàng tháng. Chợ nằm trên khu đất rộng, có nhiều dãy hàng quán dựng tạm thấp san sát, quây tụ lại theo lối xưa, đặc trưng kiểu "chợ quê'.
Ngày 27 tháng Chạp, chợ họp phiên cuối cùng năm Quý Mão. Dân gian còn truyền lại câu nói quen thuộc khi nói về chợ Nủa "gái 22, trai 27". Đó là quy định về 2 phiên chợ cuối cùng của năm, được coi là đặc biệt nhất. 22 tháng Chạp chỉ dành cho phụ nữ đi mua sắm chuẩn bị cho dịp Tết, còn phiên cuối cùng ngày 27 tháng Chạp dành riêng cho đàn ông.
Người lớn tuổi đến chợ rất đông, phiên cuối năm càng sôi động khi Tết Nguyên đán đang cận kề.
Các gian hàng ở chợ thường được phân khu rõ ràng: Khu bán cau, khu bán thịt, khu bán gà, khu bán rau củ...
Khu bán gà đã được đưa lùi xuống cuối chợ được vài năm nay.
"Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì chợ Nủa" là câu nói truyền tai về một phiên chợ đậm chất đồng bằng Bắc Bộ, tới nay vẫn giữ được những nét độc đáo đặc trưng của chợ phiên truyền thống từ thế kỷ 11. Ảnh chụp tại khu vực bán thịt tươi sống.
Một phụ nữ vui vẻ với con ngan vừa mua được tại khu vực bán gia cầm.
Một vị khách lâu năm của chợ Nủa với các món hàng vừa mua được trong phiên chợ cuối năm.
Đặc biệt, trong phiên cuối năm có rất đông học sinh đến chợ ăn uống, gặp gỡ, vui chơi khi bắt đầu nghỉ Tết.
Một gian hàng tại khu bán thịt gia súc Các loại thịt ở đây tươi ngon, giá cả vừa phải, các chủ hàng vừa bán vừa xẻ thịt tại chỗ.
Các nông sản thực phẩm, công cụ lao động sản xuất là các mặt hàng phổ biến. Vào phiên cuối năm chợ bán thêm hoa đào, quất cảnh.
Từ xa xưa "Nủa cày" là cái tên gắn bó với làng nghề Vĩnh Lộc (Thạch Thất), nơi đây nổi tiếng khắp các vùng về sản xuất nông cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ngày nay những sản phẩm truyền thống như rổ, rá, long, lia, lạt giang, bu gà... vẫn được bày bán tại mỗi phiên chợ vùng quê này.
Khu ẩm thực và trò chơi ngoài trời.
Một người bán hàng rau củ quả tại chợ Nủa với chiếc xe đạp thồ cũ kỹ có tuổi hàng chục năm.