Hiệu ứng kinh tế từ Taylor Swift, BlackPink

28/06/2023 23:30

Tại hầu hết các thành phố Taylor Swift lưu diễn ở Mỹ, địa phương chứng kiến sự tăng trưởng ngắn ngoạn mục của thương mại, dịch vụ.

"Cơn bão" Taylor Swift đang càn quét trên toàn thế giới khi mới đây, nữ ca sĩ người Mỹ đã thông báo sẽ tiếp tục lưu diễn thế giới sau 103 tour diễn tại Mỹ kéo dài trong 5 tháng.

Sự kết thúc của đại dịch tạo điều kiện cho các nghệ sĩ quốc tế trở lại với những tour lưu diễn lớn với Taylor Swift, Beyonce, Coldplay…. Nếu như trong ngành du lịch có khái niệm "revenge travel" dùng để chỉ việc du khách sẵn sàng chi mạnh tay cho các chuyến du lịch, xu hướng này cũng đúng với nhiều người hâm mộ âm nhạc. Sau vài năm không thể tham dự các sự kiện âm nhạc nghệ thuật lớn, nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để có được tấm vé xem concert của các ngôi sao quốc tế.

Những show âm nhạc với sức chứa sân vận động xấp xỉ 60.000-70.000 trong một đêm diễn của Taylor Swift đã không còn là câu chuyện nghệ thuật hay giải trí đơn thuần.

Hiệu ứng kinh tế từ Taylor Swift, BlackPink - 1

Taylor Swift trong tour lưu diễn "The Eras Tour" (Ảnh: Page Six).

Tại hầu hết các thành phố Taylor Swift lưu diễn ở Mỹ, địa phương chứng kiến sự tăng trưởng ngắn ngoạn mục của thương mại, dịch vụ. Lượng lớn người hâm mộ tới các sân vận động kéo theo sự sôi động của nhà hàng, cơ sở lưu trú, phương tiện di chuyển…. Không ít người sẵn sàng dành ra thêm vài ngày để du lịch kết hợp xem show ca nhạc.

Theo tờ Fortune của Mỹ, trong thời gian Taylor Swift diễn ra tại thành phố Chicago, hơn 44.000 phòng khách sạn đã được đặt kín cho hai đêm thứ sáu và thứ bảy. Tỷ lệ đặt phòng lên tới 96.8%. Đây là con số cao kỷ lục thành phố này từng được ghi nhận trong nhiều năm.

Tại thành phố Las Vegas, bang Nevada, hai đêm diễn của Taylor Swift đã đưa ngành du lịch trở lại thời kỳ tiền Covid trong tháng 3/2023. Theo một khảo sát từ QuestionPro, mỗi người hâm mộ chi trung bình khoảng 1.300 USD (tương đương 30 triệu VNĐ) cho các chi phí như vé xem show biểu diễn, chi phí đi lại, quần áo…. Công ty này cũng ước tính nếu người hâm mộ tiếp tục chi tiêu với mức như vậy, The Eras Tour của Taylor Swift sẽ mang về 4,6 tỷ USD cho hoạt động tiêu dùng chỉ tính riêng tại Mỹ.

Khi nữ ca sĩ tiếp tục công bố tour lưu diễn thế giới, nhiều chuyên gia đã dự đoán chi phí trên có thể cao hơn nữa. Tại châu Á, Taylor Swift chỉ biểu diễn tại Nhật Bản và Singapore. Tuy chưa có con số chính thức đưa ra, số lượng người hâm mộ xếp hàng đăng ký vé xem show biểu diễn của Taylor Swift tại Singapore ước đạt 8 triệu người.

Tôi có rất nhiều người bạn tại Việt Nam đã sẵn sàng chi ra chục triệu đồng chỉ cho riêng tiền vé, chưa tính chi phí máy bay quốc tế, khách sạn, ăn ở tại Singapore. Với số lượng show diễn ít ỏi tại châu Á như vậy, người hâm mộ tại các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ hay các nước Đông Nam Á dường như đã sẵn sàng lao vào một "cuộc chiến" để giành vé. Các hãng hàng không vận chuyển khách tới Singapore trong những ngày Taylor Swift biểu diễn tại đây chắc chắn sẽ khởi sắc khi có hàng chục nghìn khán giả sẽ tới.

Sau thông tin Taylor Swift biểu diễn tại Singapore chỉ vài ngày, tờ The Star của Malaysia đã đăng tải bài báo với tiêu đề "Lãng phí cơ hội vàng" nói về việc tiếc nuối cơ hội tổ chức một sự kiện lớn như vậy.

"Những show nhạc cháy vé đồng nghĩa với việc ngành du lịch sẽ tăng trưởng. Người xem ca nhạc không chỉ chi tiền để mua vé, họ cũng ở khách sạn, đi nhà hàng, mua quà lưu niệm…. Tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ những sự kiện âm nhạc như vậy," - Brian Martin, phóng viên The Star bình luận.

Hiệu ứng kinh tế từ Taylor Swift, BlackPink - 2

Nhóm BlackPink sắp lưu diễn ở Hà Nội (Ảnh: YG Entertainment).

Trong khi nhiều người còn đang mải mê phê phán văn hóa thần tượng với những câu hỏi "tại sao phải dành ra nhiều tiền như vậy?", người khác thấy được cơ hội phát triển không chỉ với nền âm nhạc mà cả ngành du lịch, dịch vụ.

Có thể những sự kiện kể trên chỉ tạo ra sự bùng nổ trong ngắn hạn, nhưng nó truyền cảm hứng và tạo đà kích cầu cho các nền kinh tế vốn thiếu những sự kiện giải trí lớn trong gần ba năm đại dịch vừa qua.

Hơn nữa, các show diễn không chỉ có một mà sẽ ngày càng nhiều khi các nghệ sĩ quốc tế tìm kiếm "đất diễn" phù hợp, và cũng không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc mà cần nhìn rộng ra các lĩnh vực khác. Không phải tự nhiên mà nhiều nước đã và đang nỗ lực thu hút, tổ chức các sự kiện giải trí, nghệ thuật, thể thao lớn như các giải bóng đá, giao hữu bóng đá, đua xe công thức 1, các chuyến lưu diễn của dàn nhạc giao hưởng quốc tế, nghệ sĩ nổi tiếng…

Ở khu vực châu Á, chúng tôi vẫn nói đùa để bày tỏ sự tiếc nuối rằng, tour "châu Á" của các nghệ sĩ quốc tế chỉ gói gọn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hoặc Singapore, Thái Lan... Tương tự như vậy với lĩnh vực thể thao. Rõ ràng chúng ta cần lưu tâm tới vấn đề này và đó phải là một chiến lược dài hạn, vì không thể muốn là có thể mời những sao hạng A hay các câu lạc bộ bóng đá, các đội tuyển quốc gia lớn đến Việt Nam.

Có nhiều lý do tại sao các quốc gia như Nhật Bản, Singapore hay cả Thái Lan thu hút được nhiều nghệ sĩ đến biểu diễn, từ chính sách thông thoáng cho đến cơ sở hạ tầng đảm bảo. Với những nghệ sĩ lớn, họ cần sân vận động có sức chứa từ 50.000 - 70.000 người. Nếu xét riêng tiêu chí đó, sân vận động quốc gia Mỹ Đình cũng chưa thể đủ số ghế, chưa muốn nói đến chất lượng sân vận động, mái che, các hạ tầng, trang thiết bị khác để đảm bảo chất lượng âm nhạc.

Ngoài ra, các nghệ sĩ lớn thường ưu tiên biểu diễn tại các quốc gia mà số đông người hâm mộ có đủ khả năng chi trả tiền vé. Nhìn vào sự lựa chọn điểm đến như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, nhiều người cũng hiểu lý do tại sao. Với những tấm vé lên đến chục triệu đồng, không phải khán giả nào cũng sẵn sàng bỏ tiền mua. Tôi nhớ năm 2017 khi nữ ca sĩ nổi tiếng Arina Grande hủy show tại Việt Nam vì lý do sức khỏe, nhiều người cũng đồn đoán rằng có thể vì số lượng người mua vé không đủ lớn, dù chỉ diễn một đêm.

Chúng ta đã thấy những tín hiệu tích cực từ các sự kiện nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam ngay sau đại dịch Covid-19. Sự trở lại của lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng sau 3 năm tạm dừng được coi là một cú hích cho du lịch thành phố miền Trung trong mùa hè này. Nhiều khách sạn đạt công suất phòng lớn trong tháng 6, lên tới hơn 70% dù không cần giảm giá.

Tất nhiên, thành quả có được của ngành du lịch cần phải có sự đóng góp của rất nhiều lĩnh vực, từ chính sách visa thông thoáng, cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, sự hấp dẫn của điểm đến…

Ước mơ về một tour diễn quốc tế của những ca sĩ nổi tiếng như Taylor Swift tới Việt Nam có thể vẫn là một tương lai xa, nhưng đã đến lúc, ngành du lịch Việt Nam cần mở rộng chiến lược để hướng tới nhiều hoạt động nghệ thuật biểu diễn quốc tế hơn.

Viết đến đây, tôi nhận được tin BlackPink - nhóm nhạc nổi tiếng của Hàn Quốc thông báo show của nhóm sẽ diễn ra ở sân vận động Mỹ Đình vào cuối tháng 7. Rõ ràng không chỉ các fan của nhóm nhạc này đang chờ đợi mà những người làm dịch vụ "ăn theo" cũng háo hức.

Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.

Bài liên quan
  • Jennifer Lopez cầu cứu Taylor Swift
    Nguồn tin cho rằng Jennifer Lopez cầu cứu, tìm đến Taylor Swift và đổi tên live show nhằm thay vận. Tuy nhiên, tình hình bán vé show diễn sắp tới của nữ ca sĩ không khả quan, có nơi bán chưa được 50% vé.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hiệu ứng kinh tế từ Taylor Swift, BlackPink
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO