"Hiệu trưởng nên để cho giáo viên lựa chọn, mới chọn được đúng người có tâm, có tầm, có trách nhiệm"

Minh Tuấn| 13/10/2021 06:55

Câu chuyện thầy giáo ở Đồng Nai viết đơn thôi việc, nêu lý do 'vấn nạn dối trá' trong giáo dục, đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Để giúp bạn đọc hiểu rõ sự tình, vừa trực tiếp phỏng vấn nhà giáo này 

Chân dung thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn - Ảnh: báo Tuổi trẻ

Chân dung thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn - Ảnh: báo Tuổi trẻ

Sự việc thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn, hiện là giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh tại Trường Tiểu học An Lợi (An Phước, Long Thành, Đồng Nai) làm đơn thôi việc đang gây chú ý đặc biệt trong dư luận bởi lý do nghỉ việc là “công tác trong một cơ sở giáo dục nhưng có quá nhiều điều phi giáo dục, nhất là vấn nạn dối trá, tôi cảm thấy mình không phù hợp nên nghỉ." Để cung cấp thêm thông tin và góc nhìn của người trong cuộc, VietTimes xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài trả lời phỏng vấn của thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn.

PV: Trong đơn đề nghị được thôi việc, thầy có nói lý do rằng vì môi trường giáo dục nhưng “phi giáo dục” và “dối trá”. Thầy có thể chia sẻ về những thứ mà thầy gọi là “phi giáo dục” và “dối trá” mà thầy đã từng gặp hoặc chứng kiến hay không? Có mối bất hòa hay mâu thuẫn cá nhân gì với lãnh đạo nhà trường góp phần vào quyết định nghỉ việc này của thầy hay không?

Thầy Lê Trần Ngọc Sơn: Sự dối trá trong giáo dục ngày nay thể hiện qua rất nhiều khía cạnh như làm láo báo cáo hay về hồ sơ-giáo án, dự giờ, bệnh thành tích… tôi chắc chắn trường nào cũng có nhưng với trường tôi thì nạn dối trá nó nghiêm trọng hơn nhiều. Tôi đã 2 lần làm đơn tố cáo những sai phạm ấy, mặc dù đã có kết luận nhưng cho đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Xin nói thêm, khi tôi chưa lên tiếng thì mỗi năm phải xin thêm ngân sách từ 300 đến 400 triệu đồng. Từ khi tôi lên tiếng thì năm đầu dư hơn 70 triệu, năm hai dư hơn 100 triệu, năm học vừa rồi dư 210 triệu.

Đau lòng nhất là việc nhà trường tự ý tuyển học sinh trái tuyến (học sinh xã bên cạnh) mỗi học sinh muốn vào trường học lớp 1 phải tốn từ 5 đến 7 triệu đồng, năm học vừa rồi có cháu phải tốn 11 triệu mới được vào học lớp 1, mà đa phần con em công nhân ở trọ mới. Khổ lắm.

PV: Cũng có một số ý kiến cho rằng thể thức và lời lẽ trong đơn của thầy chưa chuẩn quy cách và phong cách của văn bản hành chính công vụ, thầy có bình luận gì về những nhận xét này? Và tại sao thầy lại lựa chọn viết một lá đơn với đặc điểm như thế? Nếu được/phải viết lại lá đơn, thầy có thay đổi “phong cách” không?

Thầy Lê Trần Ngọc Sơn: Xã hội ta được biết là một xã hội công bằng dân chủ văn minh, người dân cần phải hiểu và thể hiện quyền làm chủ của mình, nên loại bỏ cơ chế xin cho lỗi thời bằng lời đề nghị Công bộc của dân phục vụ nhân dân. Nếu được viết lại đơn tôi vẫn sẽ thể hiện quyền làm chủ của mình.

PV: 3. Thầy mong muốn điều gì ở “môi trường giáo dục” hiện tại của mình? Giả sử, nếu những điều kiện mong muốn ấy được đáp ứng, thầy có rút lại quyết định thôi việc của mình không?

Thầy Lê Trần Ngọc Sơn: Tôi mong muốn một nền giáo dục Nhân bản - Tự do - Khai phóng, một nền giáo dục tiên tiến, tuy nhiên điều đó trước mắt chưa thể hoàn thiện ngay ở Việt Nam chúng ta được nên trước mắt tôi chỉ muốn các cấp thẩm quyền giải quyết dứt điểm những tồn tại ở trường tôi, trả lại sự bình yên cho ngôi trường, để mỗi giáo viên cảm thấy vui vẻ khi đến trường, thân thiện khi gặp mặt nhau, được vậy tôi sẽ ở lại công tác.

PV: Thầy đã công tác trong ngành giáo dục được 25 năm, vậy quyết định nghỉ việc có khó khăn với thầy lắm không? Điều gì làm thầy tiếc nuối nhất khi quyết định rời ngành giáo dục?

Thầy Lê Trần Ngọc Sơn: Đã làm việc trong ngành giáo dục 25 năm nên khi quyết định nghỉ tôi cũng trăn trở lắm nhưng chứng kiến thực trạng của trường tôi thì bỏ việc là một quyết định tuy đau đớn nhưng không tồi. Khi bước vào nghề lòng đầy nhiệt huyết muốn làm được điều gì tốt nhất cho các cháu, cho trường, cho lớp nhưng tiếc là mình cố gắng nhưng đồng nghiệp là lãnh đạo thì không đồng lòng, nên đành chịu.

PV: Theo thầy, đâu là những việc trước mắt cần làm ngay để công cuộc đổi mới giáo dục có thể thành công? Và với một nền giáo dục tiến bộ thì điều gì là quan trọng nhất?

Thầy Lê Trần Ngọc Sơn: Cơ chế bổ nhiệm hiệu trưởng dựa trên tiêu chí hồng hơn chuyên nên không có người giỏi để quản lý, lại còn tập quyền nên hiệu trưởng là vua một cõi dễ bị tha hoá; mà hầu như ban giám hiệu là nguyên nhân chính gây chia rẽ nội bộ. Tốt nhất hiệu trưởng nên để cho giáo viên lựa chọn, có vậy mới chọn được đúng người có tâm, có tầm, có trách nhiệm với giáo viên và học sinh. Tránh được nạn chạy chức chạy quyền.

Xin cảm ơn thầy đã dành thời gian cho những bạn đọc VietTimes quan tâm giáo dục nước nhà. Mong những 'vấn nạn' như thầy nêu sẽ sớm được giải quyết và thầy sẽ quay lại với trường lớp cùng các em nhỏ để chung tay góp sức cùng ngành giáo dục thực hiện thành công công cuộc Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục!

Theo viettimes.vn
https://viettimes.vn/hieu-truong-nen-de-cho-giao-vien-lua-chon-moi-chon-duoc-dung-nguoi-co-tam-co-tam-co-trach-nhiem-post151216.html
Copy Link
https://viettimes.vn/hieu-truong-nen-de-cho-giao-vien-lua-chon-moi-chon-duoc-dung-nguoi-co-tam-co-tam-co-trach-nhiem-post151216.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
"Hiệu trưởng nên để cho giáo viên lựa chọn, mới chọn được đúng người có tâm, có tầm, có trách nhiệm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO