Nhiều năm qua, tình trạng bạo lực học đường bùng nổ cùng sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, chúng ta không quá xa lạ với hình ảnh học trò đánh, giật tóc, cấu xé, lột đồ tra tấn nhau với nhiều chiêu trò kinh hoàng, ám ảnh nhất.
Khi nói đến bạo lực học đường, mọi người thường nghĩ ngay đến hình ảnh học sinh đánh nhau. Tuy nhiên, bạo lực học đường không chỉ giới hạn trong mối quan hệ giữa học sinh và học sinh. Bạo lực học đường xuất hiện ở nhiều mối tương quan khác trong môi trường giáo dục như thầy đánh trò, trò đánh thầy, phụ huynh đánh thầy, thầy đánh phụ huynh...
Và mới đây là sự việc xảy ra tại Trường tiểu học Ngư Bắc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình khiến dư luận bàng hoàng. Một sự việc hiếm gặp khi hai người trong cuộc ở một vị trí đặc biệt, họ không chỉ là người thầy mà còn là những người đứng đầu cơ sở giáo dục. Sự việc này, phải nói bạo lực trường học đã chạm đến ngưỡng cao nhất, ở những người quản lý đứng đầu nhà trường.
Sự việc xảy ra vào ngày 6/4 vừa qua. Sau khi đi ăn sáng về, ông Phan Anh Tuấn, hiệu trưởng phát hiện cổng trưởng bị khóa bằng một ổ khóa mới và phát hiện người thay ổ khóa là ông Lê Đức Huấn, phó hiệu trưởng.
Sau đó hai bên cự nự, tranh cãi, ông Tuấn đã dùng tay đánh vào mặt hiệu phó khiến người này bị thương phải nhập viện điều trị.
Sự việc được khép lại bằng lời xin lỗi của vị với phó hiệu trưởng. Đồng thời, người đứng đầu nhà trường cũng gửi lời xin lỗi dưới cờ đến toàn thể học sinh, giáo viên và đại diện cha mẹ học sinh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, dư âm, hậu quả của sự việc "hiệu trưởng đánh hiệu phó" sẽ không dừng lại ở một lời xin lỗi.
ThS Nguyễn Thu Tâm, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục ở TPHCM chia sẻ, sự việc Hiệu trưởng đánh phó hiệu trưởng, Hiệu trưởng đứng trước cờ xin lỗi vì đánh đồng nghiệp có thể nói là chuyện xưa nay hiếm.
Hai người đứng đầu nhà trường, đặc biệt là Hiệu trưởng có cách hành xử khó tin khi ra tay bạo lực thân thể với đồng nghiệp đến mức nhập viện.
Bất kỳ ai dùng nắm đấm, đòn roi xâm phạm thân thể người khác đều vi phạm pháp luật, là hành không thể chấp nhận. Ở đây, hài hước ở chỗ người gây bạo lực lại là người đứng đầu nhà trường với đầy đủ năng lực và chính người có tránh nhiệm hàng đầu trong việc chống bạo lực học đường.
Hành vi bạo lực giữa thầy và thầy vẽ nên một bức tranh vô cùng xấu xí trong môi trường giáo dục, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến học trò trong cách hành xử kiểu "tôi có quyền, tôi đánh".
Điểm vớt vát trong sự việc này, theo bà Nguyễn Thu Tâm là vị Hiệu trưởng đã lên tiếng xin lỗi toàn trường, xin lỗi một cách công khai dưới cờ.
Chia sẻ với PV Dân trí về sự việc Hiệu trưởng đánh hiệu phó gây xôn xao dư luận, ông Nguyễn Hồ Trung, Hiệu trưởng Trường TH - THCS - THPT Thái Bình Dương bày tỏ, người thầy không chỉ dạy học trò kiến thức mà sẽ trao cho học sinh tất cả về lối sống, hành vi, thái độ, cách ứng xử trong các tình huống thông qua các thể hiện của bản thân.
Chưa bàn đến mặt pháp luật nhưng rõ ràng vị Hiệu trưởng trong sự việc trên đã không quản lý được cảm xúc. Việc bạo lực có thể có hiệu quả ngay lúc đó vì có thể chấm dứt sự việc ngay lập tức, thỏa cơn tức giận, bực dọc.
Tuy nhiên, ông Trung nhấn mạnh, việc người lớn, đặc biệt là người thầy dùng vũ lực để giải quyết vấn đề có thể khiến trẻ con nghĩ bạo lực là cách giải quyết vấn đề, dù rằng đây là điều sai.
Đó là lý do chúng ta không được đánh trẻ con, không được đánh học trò. Trước đòn roi, trẻ có thể sợ, có thể hiệu quả tức thời nhưng đồng nghĩa với việc chúng ta đang dạy học sinh điều đó. Khi lớn lên, trẻ sẽ học đúng cách hành xử như vậy đối với người khác.
Theo ông Trung, nếu đó những người làm những công việc khác, chẳng hạn như hai ông tài xế bực dọc rồi đánh nhau, dù cũng vi phạm pháp luật nhưng về cái nhìn xã hội sẽ dễ được chấp nhận, thông cảm hơn. Còn hai thầy giáo đánh nhau xã hội sẽ lên án cũng như để lại nhiều ảnh hưởng xấu.
"Người thầy phải quản lý cảm xúc, không thể hành xử như vậy. Điều đó là sai, trẻ nhìn vào sẽ học theo, bắt chước một cách vô thức", ông Trung nhấn mạnh.
Hiệu trưởng Trường TH - THCS - THPT Thái Bình Dương trải lòng, chúng ta, đặc biệt là những người thầy nên xem sự việc này là bài học về kiềm chế cảm xúc.