Hiệu quả từ mô hình bồi dưỡng giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới

23/11/2021 19:30

Dù gặp khó khăn do chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng công tác tập huấn giáo viên thực hiện chương trình mới vẫn đã đạt những kết quả tích cực.

Hôm nay (23/11), Ban Quản lý Chương trình ETEP (Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông) thuộc Bộ GD-ĐT đã tổ chức tọa đàm về bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Phát biểu tại hội thảo, tiến sỹ Đặng Văn Huấn- Phó giám đốc Ban quản lý Chương trình ETEP cho biết, bên cạnh nội dung mới, điểm đáng lưu ý của chương trình là mô hình bồi dưỡng giáo viên thường xuyên, liên tục, tại chỗ, thực hiện kết hợp trực tiếp với trực tuyến.

Theo đó, dưới sự hỗ trợ của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt đã biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng. Từ đó xây dựng cộng đồng học tập tại nhà trường phổ thông, nâng cao vai trò của các trường sư phạm nói chung và của giảng viên sư phạm trong bồi dưỡng thường xuyên, gắn kết các trường đại học sư phạm với các cơ sở giáo dục phổ thông.

Hiệu quả từ mô hình bồi dưỡng giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới
Tiến sỹ Đặng Văn Huấn chia sẻ tại hội thảo

“Đối với giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán sẽ tự học các tài liệu được tải trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS) trong khoảng 5-7 ngày, hoàn thành các bài kiểm tra, chuẩn bị các nội dung, sau đó sẽ được các giảng viên sư phạm chủ chốt bồi dưỡng trực tiếp 2-3 ngày.

Giảng viên sư phạm sẽ giải đáp các thắc mắc của giáo viên, hướng dẫn giáo viên cốt cán xây dựng kế hoạch hỗ trợ giáo viên đại trà. Giáo viên cốt cán sẽ tiếp tục tự học học 7 ngày để hoàn thành các bài tập, hoàn thành kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp với sự hỗ trợ của giảng viên sư phạm”, tiến sỹ Đặng Văn Huấn nói.

Còn theo Phó giáo sư Nguyễn Văn Hiền - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì nhận định mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ hiện nay để bồi dưỡng giáo viên cho chương trình mới đã khắc phục được cách bồi dưỡng tập trung ngắn ngày trước đây.

Hiệu quả từ mô hình bồi dưỡng giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới
Ảnh minh họa

Theo ông Hiền, giáo viên là những người đã có kinh nghiệm nên thay đổi thói quen tư duy cho họ là một thách thức. Vì thế, nếu bồi dưỡng ngắn ngày sau đó dừng lại thì sự thay đổi thói quen rất hạn chế theo kiểu “bồi dưỡng xong xuôi tất cả lại về".

Phó giáo sư Nguyễn Văn Hiền cho rằng điều khó khăn của phương thức bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ là phải đưa học liệu đến tận nơi cho học viên với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, phải khắc phục được việc người học cảm thấy mất động lực học tập khi học trực tuyến không đồng bộ khi học theo bài giảng đã được ghi lại từ trước, chính điều này sẽ càng khó khăn hơn với các giáo viên lớn tuổi.

Từ thực tế ở đơn vị mình, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo (giáo viên cốt cán trường Tiểu học Vụ Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) cho hay khi mới bắt đầu học bồi dưỡng, nhiều giáo viên lớn tuổi thậm chí không thể tự đăng ký vào học. Các giáo viên này cũng tỏ ra lo lắng khi trong quá trình học, các bài kiểm tra chưa đạt yêu cầu.

Tương tự, cô Dương Thị Hồng Minh (giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Văn Minh, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) cũng cho biết nhiều giáo viên lớn tuổi gặp nhiều khó khăn trong quá trình bồi dưỡng trực tuyến, đơn giản như không biết cách phải nộp bài như thế nào.

Tại buổi tọa đàm, các giáo viên đã cùng nhau chia sẻ những kết quả đạt được sau khi hoàn thành chương trình bồi dưỡng, đồng thời có chung nhận định: Với việc đổi mới hình thức bồi dưỡng gồm cả trực tiếp và trực tuyến, nội dung tài liệu bồi dưỡng sát thực tế, việc tham gia bồi dưỡng của giáo viên thuận lợi và hiệu quả hơn. Các nội dung bồi dưỡng cũng đã được giáo viên áp dụng vào thực tế giảng dạy và nhận được sự phản hồi tích cực của học sinh.

Một trong những điểm tích cực của hình thức bồi dưỡng trực tuyến trong Chương trình ETEP được nhiều giáo viên phổ thông đánh giá cao và mong muốn tiếp tục được nhân rộng là được giảng viên sư phạm chủ chốt trực tiếp giải đáp những băn khoăn, vướng mắc trong quá trình giảng dạy; đồng thời, có cơ hội chia sẻ, trao đổi, thảo luận với đồng nghiệp trên cả nước thông qua hình thức trực tuyến.

Hoàng Thanh

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ mô hình bồi dưỡng giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO