Ngày 15/8 vừa qua, Vinfast chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq và được ghi nhận có giá trị vốn hóa thị trường đạt 85 tỷ đô la đã tạo nên sự chú ý lớn của công luận toàn cầu trước hãng xe điện khởi nghiệp đến từ Việt Nam.
Trong 2 phiên giao dịch tiếp theo ngày 16 và 17/8, từ 37 đô la, cổ phiếu Vinfast (mã VFS) ghi nhận giảm sâu có lúc rơi xuống chỉ còn 25 đô la/cổ phiếu, khiến cho giá trị vốn hóa của Vinfast giảm khoảng hơn 40%. Hết phiên giao dịch ngày 17/8, cổ phiếu VFS đạt mức 30 đô la và giữ ổn định trong vòng vài phiên giao dịch các ngày tiếp theo.
Qua tới ngày 23/8, cổ phiếu Vinfast tăng lên mức 37,03 đô la, vượt mức kỷ lục vào ngày 15/8 trước đó và lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng dương. Kể từ đây, cổ phiếu hãng xe Việt liên tục tăng vọt với tốc độ cao.
Đỉnh điểm, trong phiên giao dịch ngày 25/8, VFS lần đầu tiên chạm mốc 68,77 đô la/cổ phiếu và trong sáng ngày 26/8, đạt kỷ lục mới 70 đô la/cổ phiếu. Điều này giúp đưa giá trị vốn hóa thị trường của Vinfast đạt mốc trị giá 160 tỷ đô la, sánh vai với những hãng xe hơi đắt giá nhất hành tinh.
Dù giá trị cổ phiếu VFS diễn biến khó lường, nhưng cũng phần nào tạo được tiếng vang lớn trong cộng đồng chế tạo ô tô thế giới. Hãy cùng VietNamnet nhìn lại hoá trị vốn hoá của các hãng xe hàng đầu dưới đây được tính toán bằng giá trị vốn hoá.
1. Tesla: 584,7 tỷ đô la
Tesla Inc. (mã cổ phiếu TSLA) hiện nay là nhà sản xuất xe điện cũng như nhà sản xuất ô tô có giá trị lớn nhất thế giới với tổng mức định giá 584,7 tỷ đô la, cao gần gấp 3 lần so với nhà sản xuất ở vị trí thứ 2 là Toyota.
Chỉ trong vòng 3,5 năm đầu tiên của thập niên 2020, Tesla đã thực hiện cú đột phá về doanh số xe điện khi tổng bán ra thị trường gần 4 triệu ô tô, bứt tốc trở thành hãng xe có giá trị cao ngất ngưởng và soán ngôi của Toyota sau nhiều năm thống trị ngành xe hơi toàn cầu.
2. Toyota: 191,1 tỷ đô la
Tập đoàn ô tô Toyota (mã cổ phiếu TM) có lẽ đã quá quen thuộc với người yêu xe toàn thế giới, với nhiều năm thống lĩnh thị trường ô tô và hiện nay vẫn duy trì là nhà sản xuất xe hơi động cơ đốt trong truyền thống lớn nhất, được định giá 191,1 tỷ đô la.
Việc lần đầu tiên một hãng xe điện vượt mặt và soán "ngôi vương" của Toyota sau nhiều năm thống lĩnh bản đồ về giá trị vốn hóa của các hãng ô tô thế giới là một hồi chuông cảnh báo giúp cho Toyota phải thực sự nhìn nhận lại chiến lược và hướng phát triển của mình.
Một thị trường năng động và dần chuyển mình nhanh hơn sang nhu cầu tiêu thụ xe điện sẽ buộc Toyota phải thay đổi tư duy hoặc chịu sự tụt lại phía sau.
Dù cho tổng doanh số ô tô bán ra của Toyota vào năm 2022 đạt 10,6 triệu chiếc, lớn gấp 8 lần so với doanh số của Tesla và vẫn là hãng xe bán nhiều nhất hành tinh, nhưng thị phần của Toyota rõ ràng đang ngày một bị thu hẹp đi đáng kể.
3. Porsche: 113,6 tỷ đô la
Tập đoàn ô tô Porsche (mã chứng khoán POAHY) được biết đến với tư cách là hãng xe sang hàng đầu thế giới đến từ Đức, là công ty con của tập đoàn Volkswagen và được định giá 113,6 tỷ đô la tính tới hết nửa đầu năm 2023.
Hiện nay hãng xe Đức không chỉ tập trung vào các phân khúc xe hơi hạng sang truyền thống mà còn đang dần chuyển trọng tâm sang định hướng trở thành một nhà sản xuất xe điện.
Thông qua việc điện khí hóa các mẫu sản phẩm đã quá quen thuộc trên thị trường như Macan, Cayenne và mẫu xe điện toàn phần Taycan, Porsche dần lấy lại và khẳng định vị trí thương hiệu xe sang thể thao hàng đầu.
Trong năm 2022, Porsche đã giao tổng cộng 309.884 xe tới tay khách hàng, lập kỷ lục mới khi đạt doanh thu 37,6 tỷ đô la, tăng 13,65% so với năm 2021.
4. BYD: 105 tỷ đô la
Công ty BYD (mã chứng khoán BYDDY) là một nhà sản xuất xe điện khởi nghiệp tới từ Trung Quốc tạo ra được rất nhiều tiếng vang lớn trong những năm trở lại đây, được xem như một đối thủ trực tiếp với Tesla trên thị trường xe điện quốc tế. Thương hiệu này được định giá 105 tỷ đô la.
Hiện nay, BYD tập trung khai thác chủ yếu tại thị trường quê nhà, trở thành hãng xe bán chạy nhất Trung Quốc, vượt qua cả Volkswagen. Đồng thời, hãng cũng chú trọng vào các thị trường xuất khẩu như châu Âu, châu Đại Dương, Đông Nam Á,...
Trong nửa đầu năm 2023, BYD đã giao tổng cộng 1,26 triệu xe tới tay khách hàng. Trước đó, tổng cả năm 2022, hãng bàn giao 1,86 triệu ô tô ra thị trường, vượt quy mô sản xuất của Tesla nhưng thua Tesla về doanh số xe điện. Có thể nói, quy mô tăng trưởng của BYD đang cực kỳ chóng mặt.
5. Mercedes-Benz: 82,6 tỷ đô la
Là một tập đoàn ô tô nổi tiếng khác đến từ Đức, Mercedes-Benz có giá trị vốn hóa thị trường là 82,6 tỷ đô la, xếp hạng vị trí đắt giá thứ 5 toàn cầu.
Mercedes-Benz hiện nay cũng đang tập trung mạnh vào quá trình điện khí hóa ô tô mạnh mẽ nhằm đáp ứng tiêu chuẩn Euro-7 của Liên minh châu Âu (cấm phân phối và sử dụng ô tô động cơ đốt trong kể từ năm 2035).
Dù là một hãng xe sang, tuy nhiên Mercedes-Benz vẫn phân phối được tới hơn 2 triệu ô tô vào năm 2022, giúp thu về doanh thu 160 tỷ đô la, tăng trưởng 12% so với năm 2021.
6. BMW: 73,6 tỷ đô la
Tập đoàn ô tô BMW (mã cổ phiếu BMW.DE) đã khẳng định tên tuổi của mình trong làng xe sang thế giới, có mức định giá giá trị vốn hóa thị trường 73,6 tỷ đô la.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, BMW (không tính các công ty con) đã bán ra thị trường tổng cộng hơn 2,1 triệu ô tô, giảm 5,1% so với năm 2021 nhưng cũng là một tín hiệu vô cùng tốt khi ngành ô tô toàn cầu đối mặt với tình trạng đắt gãy chuỗi cung ứng trầm trọng.
7. Volkswagen: 73,6 tỷ đô la
Volkswagen (mã cổ phiếu VWAGY) là công ty mẹ của hàng loạt các công ty ô tô như Audi, Bentley, Porsche, Ducati, Skoda,... và là tập đoàn sản xuất ô tô lớn mạnh thứ 2 thế giới hiện nay, chỉ sau Toyota. Dẫu vậy, tập đoàn này chỉ đạt mức định giá 73,6 tỷ đô la.
Trong năm 2022, Volkswagen đã bán ra tổng cộng 8,3 triệu ô tô, trở thành hãng xe bán chạy thứ 2 thế giới sau Toyota và là hãng xe điện bán chạy thứ 3 thế giới, sau Tesla và BYD.
Hùng Dũng (tổng hợp)