Chuyện nghệ sĩ Việt Nam “xài chùa” ca khúc trở thành đề tài muôn thuở và không có dấu hiệu kết thúc. Bởi còn hát, còn cover ca khúc là còn hàng tá vấn đề gây tranh cãi mà điển hình là việc vi phạm bản quyền.
Lệ Quyên, Tùng Dương, Đan Trường bị tố "xài chùa" Ai Chung Tình Được Mãi ?
Mới đây, theo báo Thanh Niên, nam nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh đã có những chia sẻ về việc cover không xin phép. Anh cho biết điều đó vô tình khiến chất xám, thành quả của tác giả bị lợi dụng.
Cụ thể, Phan Mạnh Quỳnh cho biết để có thể sáng tác một ca khúc không hề đơn giản: “Tính tôi khá ôn hòa nhưng tôi thấy điều đó không đúng.
Sáng tác một bài hát rất gian khổ. Thậm chí, làm MV còn bị thua lỗ nữa. Ngoài được khán giả yêu mến, bài hit còn cần được tôn trọng đúng với giá trị mà nhạc sĩ đã bỏ ra. Xu hướng cover vô hình trở thành cơ hội cho một số người lạm dụng thành quả, chất xám của người khác.
Sức sáng tạo là có giới hạn nên việc cover không xin phép khiến cho nhạc sĩ buồn. Nếu tôi nghe sinh viên, học sinh hát thì thấy vui. Còn ca sĩ mà sử dụng hit của người khác thì nên trao đổi với nhà sáng tạo. Tôi rất chờ đợi một bộ luật để cân bằng giữa người sáng tạo và người có nhu cầu sử dụng sản phẩm sáng tạo".
Theo lẽ thông thường, trước khi biểu diễn, cover... các ca sĩ phải xin phép chủ nhân ca khúc để có được “giấy thông hành”, giúp nghệ sĩ tránh những ồn ào không hay. Và hơn hết là thể hiện sự tôn trọng với tác giả của ca khúc đó.
Tuy nhiên, quy trình quan trọng này dường như bị bỏ quên và chỉ tới khi xảy ra lùm xùm bản quyền với cha đẻ của những sản phẩm nghệ thuật, nghệ sĩ mới lên tiếng xin lỗi như một cách bao biện cho việc làm của mình.
Phải nói rằng, việc cover trong âm nhạc hay sử dụng ca khúc không xấu, thậm chí nó còn giúp bài hát được biết đến rộng rãi hơn, “hot” hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà có thể thoải mái làm kể cả không nhằm mục đích thương mại.
Chưa kể, ngoài vấn đề bản quyền thì ca sĩ cũng không nên lạm dụng cover. Thay vào đó, tại sao họ không có những sáng tạo, cá tính riêng trong âm nhạc?
Thu Hà
Theo Vietnamnet