Đại tá, TS.BS Lê Văn Thành, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Gan-Mật-Tụy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trả lời:
Trong nhiều bệnh lý gan, gồm cả ung thư gan, ghép gan là cơ hội sống cuối cùng cho người bệnh. Trong bối cảnh nguồn cho chết não còn hạn chế, việc hiến gan từ người cho sống mang lại cơ hội điều trị cho bệnh nhân giai đoạn cuối, trong khi đó, với người cho vẫn có được cuộc sống khỏe mạnh bình thường.
Tại BV Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện 108 ca ghép gan, chỉ có 3 ca từ người cho chết não, còn đến 105 ca là từ người cho sống.
Tại BV 108, 105 trường hợp người cho gan, chưa một ai tử vong. Ca đầu tiên là con trai hiến cho mẹ, đến nay chàng trai lấy vợ, sinh con, có cuộc sống khỏe mạnh bình thường.
Thông thường, sau hiến gan từ 7-10 ngày, người hiến gan sẽ được ra viện. Trong thời gian này, sự phì đại của gan sau bị cắt một lá gan đã đạt khoảng 60% và thường sau 6-12 tháng, gan trở về trạng thái 100%. Gan là cơ quan duy nhất của cơ thể có thể "tái tạo" lại sau khi hiến, sức khỏe người hiến gan như bình thường.
Tỉ lệ sống sau một năm, sau 3 năm ghép gan của 108 bệnh nhân được ghép tại viện cao tương đương, có phần nhỉnh hơn so với tỉ lệ trên thế giới.
Đặc biệt, kết quả sau ghép rất khả quan. Tỉ lệ sống sau ghép gan trên thế giới lần lượt là 90%, 80%, 70% sau một năm, sau 3 năm và sau 5 năm. Trong 108 ca ghép gan tại BV, tỉ lệ sống sau một năm là 95%, sau 3 năm là 90%.
Có những bệnh nhân ghép gan, nhất là ghép sau ung thư gan, chỉ sau 30-40 ngày, nhiều người nhìn họ không thể biết là bệnh nhân ghép gan bởi có chất lượng sống tốt hơn rất nhiều. Ca ghép gan sau ung thư tại bệnh viện đến nay 4 năm vẫn sống khỏe mạnh.
Vì thế, bạn không nên quá lo lắng, mà hãy đến bác sĩ để được tư vấn kĩ trước khi quyết định hiến gan cho người thân bị ung thư. Trong trường hợp đồng ý hiến, bác sĩ cũng sẽ phải kiểm tra sức khỏe, chỉ số hòa hợp... mới có thể tiến hành ghép gan.
Tại Việt Nam, tổng số ca ghép gan được thực hiện đến nay là hơn 300 ca.