Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân bị suy gan, suy tủy xương do sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh.
Bệnh nhân nhập viện với tình trạng đau sưng phù môi, miệng, vùng mặt và vùng cổ, nổi ban đỏ, đau ngực, đau họng, mệt mỏi.
Trước đó, ngày 12.1, bệnh nhân K.T.S (38 tuổi, trú tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn) nhập viện với tình trạng đau sưng phù môi, miệng, vùng mặt và vùng cổ, nổi ban đỏ, đau ngực, đau họng, mệt mỏi.
Sau khi khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc thuốc thể Stevens-Johnson, suy gan, suy tủy xương thiếu máu giảm 3 dòng bạch cầu, tiểu cầu, hồng cầu, viêm loét dạ dày, tụt huyết áp.
Theo người nhà, bệnh nhân có tiền sử đau khớp, viêm mũi và đã mua thuốc trên mạng để điều trị. Thuốc này được mọi người truyền tai nhau là tốt nên một số người dân trong làng đã nhập về bán số lượng lớn với giá 10.000 đồng/1 gói.
Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh vừa thực hiện báo động đỏ toàn viện, huy động nhân lực y tế, các tình nguyện viên tham gia hiến máu, cấp cứu thành công bệnh nhân băng huyết sau khi tự ý phá thai tại nhà.
Ngày 9.1 phòng Khám cấp cứu – Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận bệnh nhân L.T.T, 25 tuổi (hộ khẩu thường trú tại Huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, đang lao động tại Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, đau bụng và chảy máu âm đạo.
Khai thác tiền sử được biết, bệnh nhân phát hiện có thai nhưng không đi kiểm tra mà tự mua thuốc về nhà uống để phá thai. Sau khi uống thuốc phá thai được 1 tuần, chị T xuất hiện triệu chứng mệt, hoa mắt chóng mặt kèm đau bụng ra máu âm đạo nhiều nên được người nhà đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cấp cứu. Tại đây các bác sĩ thăm khám đánh giá bệnh nhân trong tình trạng sốc do băng huyết.
Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tình hình cúm ở nước ta trong những tuần gần đây mặc dù có sự gia tăng nhưng đây không phải là sự bất thường vì thời gian hiện nay đang trong thời điểm giao mùa Đông Xuân nên thời tiết thay đổi thất thường, lúc ấm, lúc lạnh thuận lợi cho bệnh đường hô hấp phát triển, trong đó có các tác nhân gây bệnh cúm.
Kết quả giám sát các trường hợp cúm cho thấy, các chủng virus cúm hiện đang lưu hành ở nước ta vẫn là các chủng virus gây bệnh cúm mùa, trong đó chủ yếu là các chủng cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B, hiện chưa ghi nhận các chủng virus cúm có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người như cúm A(H5N1), A(H5N6) hoặc A(H7N9).
Không ít người dân khi mắc cúm đã tự ý mua thuốc Tamiflu về uống, TS Vũ Ngọc Long – Phó trưởng phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay, thuốc này thường được chỉ định với các trường hợp mắc cúm nặng, các trường hợp có nguy cơ cao và bệnh nhân không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ. Việc người dân tự mua thuốc Tamiflu về uống khi mắc cúm là không cần thiết và dễ gây hiện tượng kháng thuốc.
Việc bán thuốc, đặc biệt là các loại kháng sinh mà không kê đơn là rất nguy hiểm, bởi ngoài việc không theo dõi được tình trạng bệnh còn dẫn đến nhiều hệ lụy. Người bệnh không có đơn thuốc sẽ không có căn cứ uống đúng liều lượng thuốc, thời gian, những thức ăn kiêng kỵ, chống chỉ định với thuốc và có thể gặp rủi ro do phản ứng phụ từ thuốc gây ra.
Chưa kể, việc điều trị tại nhà kéo dài không đúng bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, gây tốn kém về kinh tế. Mua và dùng thuốc kháng sinh không có đơn của bác sĩ cũng như dùng không đủ liều sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Khi đã bị kháng thuốc, việc dùng thuốc kháng sinh và các liệu pháp điều trị người mắc bệnh do nhiễm khuẩn sẽ không còn hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.