Tháng 4 năm ngoái, Manual Viana, người điều hành nghĩa trang Nossa Senhora Aparecida ở Manaus, thủ phủ bang Amazonas, Brazil, mô tả rằng anh đang sống trong cơn "ác mộng" vì quá nhiều người chết do Covid-19.
Khi đó, Viana cho biết nghĩa trang đã phải huy động máy xúc tới đào mộ tập thể, chôn cất hàng loạt nạn nhân Covid-19.
Tròn 1 năm sau đó, "cơn ác mộng" tại nghĩa trang Nossa Senhora Aparecida thậm chí còn tồi tệ hơn rất nhiều lần so với 1 năm trước.
Những hình ảnh chụp từ nghĩa trang này cho thấy những con đường đã bị đào lên vì nơi đây đã hết sạch đất để có thể an táng nạn nhân Covid-19.
Brazil hiện là vùng dịch lớn thứ 3 thế giới với hơn 14 triệu ca bệnh. Nước này đã ghi nhận trên 400.000 trường hợp tử vong. Chỉ riêng trong tháng 4, Brazil có 82.266 người chết vì Covid-19, mốc cao kỷ lục. Trước đó, trong tháng 3, Brazil có 66.573 người chết vì dịch.
Brazil cũng là nước có tỷ lệ tử vong vì dịch bệnh cao nhất thế giới, 189 người chết trên 100.000 dân. Họ là quốc gia thứ 2, sau Mỹ, vượt qua mốc 400.000 ca tử vong vì dịch Covid-19.
Các bệnh viện đang "vỡ trận" tại nhiều khu vực, dù giới chuyên gia nói rằng đỉnh của đợt bùng dịch lần này dường như đã qua.
Các chuyên gia cho rằng, Brazil tăng vọt số ca Covid-19 là vì biến chủng mới của SARS-CoV-2 mang tên P1 với khả năng dễ lây lan hơn và thậm chí khiến người bệnh từng mắc chủng virus corona ban đầu tái nhiễm.
Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt vắc xin đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới Brazil trong bối cảnh dịch bệnh lây lan với tốc độ chóng mặt. Với dân số trên 211 triệu, Brazil hiện đã tiêm chủng cho 28 triệu người một liều vắc xin và khoảng 12,7 triệu người đã được tiêm 2 liều.
Tuy nhiên, các thành phố tại 14/27 bang đã phải dừng tiêm liều vắc xin thứ 2 cho người dân vì không có đủ để tiêm.
Trong khi đó, Thượng viện Brazil hồi đầu tuần đã mở cuộc điều tra nhằm vào chính quyền của Tổng thống Jair Bolsonaro liên quan tới cách ứng phó với dịch bệnh trong suốt thời gian qua.
Ông Bolsonaro trước đó từng gây tranh cãi khi có những phát ngôn xem nhẹ dịch bệnh. Ông từng gọi Covid-19 là "cúm nhẹ" và kêu gọi người dân Brazil quay lại làm việc vì ông lo ngại hậu quả của nền kinh tế suy thoái do lệnh phong tỏa sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với đại dịch.
Tuy nhiên, Tổng thống Bolsonaro khẳng định rằng ông không liên quan tới cuộc khủng hoảng y tế đang diễn ra ở Brazil. "Tôi không làm sai bất cứ điều gì", ông nói với những người ủng hộ.
Đức Hoàng
Theo News.com.au, AFP