Hệ thống phòng thủ bờ biển RBS-17 của Thụy Điển với tên lửa “hỏa ngục” từ Mỹ

16/07/2023 00:00

Hệ thống phòng thủ bờ biển RBS-17 là sản phẩm do nhà thầu quốc phòng Bofors (Thụy Điển) phát triển từ tên lửa không đối đất AGM-114 Hellfire (Hỏa ngục) thường được trang bị trên các trực thăng Apache của Mỹ.

Trong quân đội Thụy Điển, RBS-17 được trang bị cho các đơn vị thuộc lữ đoàn thủy quân lục chiến. RBS-17 được phóng đi từ các giá phóng trên bờ nhằm vào tàu thuyền đối phương xâm nhập vùng biển, hải cảng, các công trình khác trên bờ. Tuy nhiên, các giá phóng và hệ thống RBS-17 cũng có thể bố trí trên các tàu, xuồng chiến đấu để tăng tầm bắn.

Nguyên bản của RBS-17 là tên lửa AGM-114 Hellfire, loại tên lửa chống tăng bắn từ trực thăng, được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1991 trong chiến dịch Bão táp sa mạc ở Iraq và cũng đã thu được thành công đáng kể. Hệ thống dẫn đường của tên lửa được liên tục cải tiến từ loại dẫn đường bằng laser bán chủ động cho đến loại mới nhất là dẫn đường nhờ sóng mm (tần số cực cao).

Hệ thống phòng thủ bờ biển RBS-17 của Thụy Điển. Ảnh: mezha.media 

Công ty Bofors đã sử dụng tên lửa AGM-114 Hellfire làm cơ sở để phát triển thêm tính năng đánh mục tiêu tàu mặt nước. Trong trường hợp trên, mục tiêu mặt nước cần phải được chiếu xạ tia laser, hệ thống RBS-17 sẽ thu nhận phản xạ laser và dẫn tên lửa đến mục tiêu cần tiêu diệt. Sử dụng phương pháp dẫn đường này làm cho nó trở thành một hệ thống vũ khí chính xác cao. Tuy nhiên, do cự ly chiếu xạ của laser hạn chế, chỉ vào khoảng 8-9km nên tầm bắn của tên lửa cũng không thể xa hơn được.

Lý do Thụy Điển phát triển hệ thống vũ khí tên lửa có uy lực không mạnh, tầm bắn không xa RBS-17 là nằm ở học thuyết quân sự của nước này: Họ cần một hệ thống vũ khí tên lửa có thể “lấp đầy” khoảng trống trong hệ thống phòng thủ mặt nước. Cụ thể, các tên lửa mà nước này sở hữu như Harpoon… đều tồn tại một vùng chết là cự ly từ tàu/bệ phóng đến khoảng cách nhỏ nhất mà tên lửa có thể tiêu diệt mục tiêu (khoảng 8km) và RBS-17 được sử dụng trong dải cự ly này.

Ngoài ra, Thụy Điển cũng là nước sở hữu một vùng biển có nhiều đảo. Vì vậy, nếu bố trí các hệ thống RBS-17 sẽ tạo ra một lớp phòng thủ bao kín xung quanh các đảo, góp phần với các loại vũ khí khác tạo ra một hệ thống phòng thủ nhiều lớp. Theo các chuyên gia quân sự đánh giá hệ thống phòng thủ nhiều lớp này rất phù hợp trong tác chiến phòng thủ chống đổ bộ cũng như chiến lược chống xâm nhập, chống tiếp cận kiểu Thụy Điển.

Một số thông số của hệ thống tên lửa này: Đầu đạn nặng 9kg; chiều dài quả đạn 163cm; đường kính 17.8cm; tầm bắn khoảng 8km. Hệ thống vũ khí gồm: Quả đạn, giá phóng và bộ chiếu xạ laser.

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.

CHUNG ANH

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/he-thong-phong-thu-bo-bien-rbs-17-cua-thuy-dien-voi-ten-lua-hoa-nguc-tu-my-734682
Copy Link
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/he-thong-phong-thu-bo-bien-rbs-17-cua-thuy-dien-voi-ten-lua-hoa-nguc-tu-my-734682
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống phòng thủ bờ biển RBS-17 của Thụy Điển với tên lửa “hỏa ngục” từ Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO