Hệ thống phòng không địa hình biển đảo đặc biệt của Singapore

21/09/2021 17:22

Sau 15 năm nghiên cứu và triển khai, Không quân Singapore (RSAF) đã nâng cấp thành công Hệ thống phòng không địa hình biển đảo (IAD) uy lực giúp đảo quốc này ứng phó với các mối đe dọa trên không nhanh hơn và hiệu quả hơn. Hệ thống IAD đang được đánh giá là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất ở khu vực hiện nay.

Giám sát đa mục tiêu với hệ thống cảnh báo sớm hiện đại

Được phát triển bởi RSAF và Cơ quan Khoa học và Công nghệ quốc phòng (DSTA), IAD là hệ thống phòng không nhiều lớp, có kết nối chặt chẽ và thông minh. Được tích hợp hệ thống phát hiện và cảnh báo mục tiêu tiên tiến, hệ thống vũ khí hiện đại và hệ thống phân tích dữ liệu, IAD tạo nên một mạng lưới phòng không hiệu quả cho RSAF. Nhờ các công cụ tích hợp, hệ thống có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách xa hơn, phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhằm bảo vệ vùng trời Singapore khỏi những mối đe dọa từ trên không.

Radar ba chiều tầm xa FPS 117. Ảnh: mindef.gov.sg

Hệ thống IAD được chú ý ở chỗ nó được tích hợp hệ thống phát hiện và cảnh báo sớm nhằm phát hiện các mối đe dọa trên không như máy bay ném bom, tên lửa và phương tiện bay không người lái (UAV) một cách kịp thời. Thông tin thu được từ hệ thống cảm biến hình ảnh cũng giúp RSAF bao quát toàn diện hơn tình hình trên không để có biện pháp ứng phó nhanh chóng và hiệu quả.

Các hệ thống cảnh báo sớm được tích hợp trong hệ thống IAD bao gồm radar AMB, khinh khí cầu Aerostat, radar phòng không 3D tầm xa FPS 117, radar đa nhiệm MMR, radar 3D đa nhiệm tầm trung Shikra và 4 máy bay Gulfstream G550. Đây là những hệ thống cảnh báo sớm hoạt động hiệu quả ở các khoảng cách khác nhau.

Radar AMB là loại radar ba chiều nhỏ gọn và có tính cơ động cao. Nó được thiết kế để phát hiện và giám sát các mục tiêu bay tầm thấp như máy bay trực thăng. AMB có bán kính hoạt động hiệu quả 60km. Aerostat là loại khinh khí cầu có gắn radar được neo ở độ cao 600m, có khả năng phát hiện các mối đe dọa ở khoảng cách 200km. Aerostat có thể theo dõi và phát hiện các mục tiêu tầm thấp 24/7. Hệ thống phát hiện và cảnh báo sớm thứ 3 của hệ thống IAD là radar ba chiều Shikra có bán kính vòng quét phát hiện mục tiêu hiệu quả là 100km, cho kết quả phát hiện với độ chính xác cao.

Hai “Con mắt thần” nữa của IAD là radar phòng không 3D tầm xa FPS 117 và radar đa nhiệm MMR. FPS 117 có khả năng phát hiện chính xác các vật thể trên không trong phạm vi 463km, còn MMR hoạt động tốt nhất trong phạm vi 350km.

Một điểm đặc biệt nữa đối với hệ thống cảnh báo sớm của IAD là sự góp mặt của 4 máy bay cảnh báo sớm trên không Gulfstream G550-AEW do Phi đội 111 của RSAF bắt đầu vận hành từ tháng 4-2012. G550-AEW được trang bị bộ thu cảnh báo radar (RWR), hệ thống cảnh báo tên lửa và hệ thống gây nhiễu “chaff and flares”. Chiếc G550-AEW đầu tiên được không quân Singapore đặt mua vào tháng 2-2009 nhằm mục đích thay thế cho Hawkeyes E-2C vốn đã hoạt động trong biên chế RSAF được hơn 20 năm. Việc trang bị 4 chiếc G550-AEW giúp Singapore nâng cao một cách đáng kể khả năng cảnh báo sớm phòng không khi chúng có khả năng cung cấp chính xác hình ảnh thực tế về tình hình trên không từ khoảng cách lên tới 370km trong mọi điều kiện thời tiết.

Tầm bắn xa hơn và hoạt động thông minh hơn

Hệ thống IAD bao gồm các hệ thống phòng không mặt đất (GBAD) cho phép không quân quốc đảo sư tử can thiệp, đánh chặn hoặc vô hiệu hóa các mối đe dọa trên không như máy bay ném bom hay các mục tiêu nhỏ hơn như tên lửa hoặc các thiết bị không người lái ở phạm vi xa hơn và chính xác hơn. Bên cạnh đó, IAD còn trang bị các hệ thống thông minh giúp triển khai tác chiến nhanh hơn.

Tên lửa phòng không vác vai tầm ngắn RBS 70. Ảnh: mindef.gov.sg

Một trong những hệ thống GBAD được Singapore chú trọng là hệ thống tên lửa phòng không vác vai tầm ngắn RBS 70 hoạt động theo nguyên tắc dẫn đường bằng tia laser. RBS 70 có tầm bắn hiệu quả 8km và được đánh giá cao nhờ tính cơ động. Trong khi đó, hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn và tầm trung tiên tiến Spyder (do Rafael phát triển) có tầm bắn hiệu quả 15km. Không quân Singapore đặt mua hệ thống phòng thủ tên lửa phản ứng nhanh Spyder vào năm 2011 và đạt được công năng hoạt động hoàn chỉnh vào tháng 8-2018. Spyder là hệ thống đầu tiên được đưa vào IAD thay thế cho hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp Rapier đã hoạt động hơn 30 năm trong lực lượng phòng không Singapore.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Spyder sử dụng 2 loại tên lửa đánh chặn là Python-5, tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại, và Derby, tên lửa dẫn đường bằng radar. Hai loại tên lửa này hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và có khả năng đánh chặn nhiều mối đe dọa trên không cùng một lúc ở khoảng cách xa hơn gấp 2 lần và có trần bắn cao hơn gấp 3 ba lần Rapier. Thời gian triển khai tác chiến của hệ thống phòng thủ tên lửa Spyder cũng ngắn hơn và không đòi hỏi nhiều nhân lực như hệ thống cũ. Thời gian và nhân lực cần thiết để triển khai tác chiến được rút ngắn từ 60 phút và 15 người xuống còn 15 phút với 4 người. RSAF cũng phát triển một công cụ phân tích nội bộ để tự động hóa một số công đoạn quan trọng trong phân tích dữ liệu, từ đó làm giảm thời gian cần thiết để xử lý tình huống xuống chỉ còn hai phút so với 16 giờ trước đó.

Cuối cùng là hệ thống phòng không mặt đất Aster 30 có tầm bắn hiệu quả lên tới 70km. Singapore là quốc gia đầu tiên mua hệ thống tên lửa phiên Aster 30 bản mặt đất vào tháng 9-2013 thay thế cho hệ thống tên lửa phòng không tầm trung i-Hawk có tuổi đời 30 năm và đưa vào sử dụng 24/7 từ tháng 8-2020. Loại tên lửa đất đối không tầm trung này có thể tấn công đồng thời nhiều mối đe dọa từ trên không như máy bay ném bom, trực thăng, máy bay không người lái hay các loại hỏa lực cầu vồng khác.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Spyder (trái) và Aster 30. Ảnh: Ảnh: channelnewsasia.com

Điểm cuối cùng khiến hệ thống IAD được đánh giá là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất hiện nay trong khu vực chính là sự có mặt của các thiết bị thông minh trong mạng lưới tác chiến (Combat Network), đứa con tinh thần của RSAF và DSTA. Mạng lưới này được tích hợp hệ thống quản lý tác chiến (SMS) và hệ thống hỗ trợ ra quyết định tác chiến (DSS) thông minh. Nhờ được kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn, hai hệ thống này có thể tổng hợp và phân tích thông tin từ các nguồn khác nhau, từ đó giúp đưa ra quyết định nhanh hơn, chính xác hơn về loại vũ khí phù hợp để vô hiệu hóa các mối đe dọa từ trên không, bảo vệ vùng trời của đảo quốc này.

Nói về IAD, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen khẳng định: IAD là một sự “lột xác” của hệ thống phòng không Singapore. Với hệ thống này, RSAF không chỉ có thể phát hiện và xử lý một mục tiêu đơn lẻ mà còn có thể rà tìm và ngăn chặn nhiều mối đe dọa cùng một lúc.

TRẦN HOÀI

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống phòng không địa hình biển đảo đặc biệt của Singapore
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO