Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng vừa nhận được văn bản của CTCP Dịch vụ Du lịch Đà Lạt (Dalat TSC) đề nghị thực hiện dự án Khu du lịch thác Liêng Chi Nha, với quy mô 31,18ha tại xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà.
Qua xem xét hồ sơ, Sở Xây dựng cho biết việc đề xuất lập dự án khu du lịch tại khu vực trên là phù hợp với định hướng quy hoạch xây dựng vùng huyện Lâm Hà đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có Khu du lịch thác Liêng Chi Nha.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Dalat TSC tiền thân là một doanh nghiệp Nhà nước, được thành lập từ cuối năm 1998. Tới tháng 12/2004, doanh nghiệp này được cổ phần hóa với vốn điều lệ ban đầu 11 tỉ đồng và được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào tháng 7/2005.
Cơ cấu cổ đông Dalat TSC trước và sau thời điểm ngày 14/8/2019 |
Nhiều năm sau đó, vốn điều lệ của Dalat TSC được duy trì ở mức 59,1 tỉ đồng, với 5 cổ đông sáng lập gồm: Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC – nắm giữ 10,29% VĐL), CTCP Hải Vân Nam (19,89% VĐL), CTCP Bảo hiểm AAA (15,73% VĐL), ông Nguyễn Thanh Tâm (16,31%) và nhóm cổ đông ít vốn (37,77% VĐL).
Đến tháng 8/2019, Dalat TSC tăng mạnh vốn điều lệ lên mức 130 tỉ đồng. Đồng thời, cổ đông Nhà nước SCIC đã thoái triệt vốn khỏi doanh nghiệp này. CTCP Bảo hiểm AAA và ông Nguyễn Thanh Tâm cũng lần lượt giảm sở hữu xuống còn 7,157% và 0,023% vốn điều lệ.
Ở chiều hướng ngược lại, CTCP Hải Vân Nam nâng tỉ lệ sở hữu tại Dalat TSC lên mức 37,75% vốn điều lệ. Hơn một nửa số cổ phần còn lại của doanh nghiệp này (55,07% VĐL) do nhóm cổ đông khác nắm giữ.
Được biết, vị trí Chủ tịch HĐQT Dalat TSC trong nhiều năm liền do ông Nguyễn Thanh Tâm (SN 1960) đảm nhiệm. Ông Tâm cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Hải Vân Nam – cổ đông lớn của Dalat TSC.
Sau khi giảm sở hữu tại doanh nghiệp này, ông Nguyễn Thanh Tâm vẫn giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Dalat TSC trong hai năm kế tiếp, trước khi “nhường ghế” cho ông Phạm Hùng Vĩnh (SN 1985) vào cuối tháng 8/2021.
Hoạt động chính trong lĩnh vực du lịch, Dalat TSC hiện đang kinh doanh hàng loạt nhà hàng, khách sạn đặt tại TP. Đà Lạt, như: Dalat Plaza Hotel, Thương xá La Tulipe, Khách sạn Thanh Bình, Khách sạn Thanh Quế, Nhà nghỉ Hòa Bình, Khu du lịch thác Prenn, Nhà nghỉ Mimosa, Nhà nghỉ Lâm Sơn, Khách sạn Cẩm Đô, hay Trung tâm lữ hành Đà Lạt TSC.
Trong giai đoạn 2012 – 2017, doanh thu thuần của Dalat TSC luôn duy trì quanh mức 60 tỉ đồng mỗi năm, với tỉ suất sinh lời cao nhất lên tới 31% vào năm 2014. Gần nhất, vào năm 2017, Dalat TSC ghi nhận doanh thu thuần đạt 66 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 11,1 tỉ đồng.
Đại gia địa ốc 'đua' gom quỹ đất ở Lâm Đồng
Ít tháng gần đây, có nhiều doanh nghiệp đã gửi văn bản đến UBND tỉnh Lâm Đồng với đề xuất tham gia nghiên cứu và tài trợ lập quy hoạch các phân khu trên địa bàn.
Cụ thể, Liên danh CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh, CTCP Tập đoàn Đèo Cả và CTCP Tập đoàn Nam Miền Trung đã đề xuất nghiên cứu, khảo sát và tài trợ lập quy hoạch chung xây dựng với quy mô 15.000 ha tại huyện Lâm Hà. Khu vực này cũng được đề xuất tài trợ lập quy hoạch bởi Liên danh CTCP Tập đoàn T&T và CTCP Đầu tư Tập đoàn Phương Trang.
Đầu năm 2022, CTCP Tập đoàn Sao Đỏ cũng có công văn đề nghị được khảo sát, nghiên cứu lập dự án, tài trợ toàn bộ kinh phí lập quy hoạch phân khu tại khu vực cụm du lịch phía Tây đường 27C và các vùng lân cận thuộc xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, với quy mô khoảng 820 ha.
Một doanh nghiệp khác là CTCP Vườn Thời Đại Việt Nam cũng có công văn đề xuất xin khảo sát, nghiên cứu và tài trợ lập quy hoạch một số dự án trên địa bàn huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng với tổng quy mô khoảng 4.000 ha. Các dự án này bao gồm: Khu đô thị khoa học, công nghệ và khởi nghiệp (3.000 ha); Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng (500 ha); và khu kết nối, chức năng khác (500 ha).
Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa qua đã chấp thuận cho CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Khải Hưng (Khải Hưng Corp) tài trợ kinh phí lập quy hoạch phân khu và dự án khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Lộc Phát có quy mô 49 ha tại phường Lộc Phát, TP. Bảo Lộc./.