Nguy cơ bị nợ xấu?
Các luật sư cho hay khi vay tiền online, nếu vay của chính các ngân hàng hoặc công ty tài chính thì thông tin về tình trạng nợ của khách hàng sẽ được các ngân hàng và công ty tài chính quản lý.
Theo đó, nếu thuộc nhóm nợ xấu thì cũng đồng thời được liệt kệ vào danh sách khách hàng nợ xấu trên hệ thống của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam CIC.
Bởi theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-NHNN, nợ xấu là nợ thuộc nhóm 3, 4 và 5.
Hiện nay, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang phân loại nợ nhóm 3, 4 và 5 (hay còn gọi là nợ xấu) với các đặc điểm quy định tại Điều 10 Thông tư 02/2013, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 09/2014/TT-NHNN gồm:
- Nợ nhóm 3: Nợ quá hạn từ 91 - 180 ngày; nợ gia hạn lần đầu; nợ được miễn/giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi...
- Nợ nhóm 4: Nợ quá hạn từ 181 - 360 ngày; nợ cơ cấu lại thời hạn trả lần đầu quá hạn dưới 90 ngày theo thời gian được cơ cấu lại lần đầu; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần hai; nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra nhưng đến 60 ngày vẫn chưa thu hồi được...
- Nợ nhóm 5: Nợ quá hạn trên 360 ngày; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên; lần hai hoặc lần thứ ba trở lên, kể cả chưa bị quá hạn hoặc đã quá hạn...
Căn cứ Điều 8 Thông tư 02/2013, các ngân hàng sẽ tự thực hiện phân loại nợ và gửi kết quả cho CIC. Khi một khách hàng có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng sẽ gửi yêu cầu đến CIC và CIC sẽ cung cấp danh sách khách hàng theo nhóm nợ có mức độ rủi ro cao nhất theo yêu cầu.
Như vậy, nếu vay tiền online tại các ngân hàng, công ty tài chính uy tín, hợp pháp thì khi không trả được nợ hoặc nợ bị quá hạn và bị phân vào nhóm nợ 3, 4 và 5 như phân tích trên thì sẽ thuộc trường hợp khách hàng có nợ xấu.
Khi đó, nếu sau này, khách hàng có muốn vay vốn tại các ngân hàng khác sẽ rất khó khăn. Thậm chí, nhiều trường hợp không được ngân hàng xem xét, quyết định cho vay.
Ngược lại, nếu vay tiền online tại các app không chính thống, núp bóng tín dụng đen, nếu không trả nợ thì sẽ không bị tra ra lịch sử nợ xấu trên CIC.
Tuy nhiên, đi kèm với đó, người vay sẽ đối mặt với việc đòi nợ "khủng bố" từ các app này như gọi điện đe doạ, làm phiền người thân, bị ném chất bẩn vào nhà, bị chế ảnh đăng lên facebook, web đen... yêu cầu người vay phải trả nợ.
- Có thể bị đi tù?
Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện không ít hội nhóm như bùng vay tiền online, hội bùng app vay tiền online... Do đó, nhiều người thắc mắc, liệu vay tiền online không trả thì có bị đi tù không?
Các luật sư cho hay vay tiền online hay vay tại ngân hàng, công ty tài chính đều là hình thức vay tài sản được quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể:
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Bởi đây là giao dịch dân sự, được thực hiện dựa trên sự thoả thuận của các bên và chỉ khác về hình thức. Ví dụ, vay tiền trực tiếp tại ngân hàng, công ty tài chính thì hai bên sẽ thực hiện giao dịch vay tiền thông qua hợp đồng tín dụng, hợp đồng vay tiêu dùng...
Còn riêng việc vay tiền online, các bên ký kết hợp đồng thông qua dữ liệu số trên internet hoặc thông qua app. Do đó, khi thực hiện vay tiền online, các bên cũng đã ký kết một hợp đồng điện tử với nhau về việc vay tiền.
Theo đó, bên vay phải có nghĩa vụ trả nợ khi đến thời hạn thoả thuận, nợ bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi (nếu có).
Hiện nay, nhiều ngân hàng và công ty tài chính hợp pháp đã triển khai việc vay tiền online nhằm tạo điều kiện cho người vay thực hiện thủ tục nhanh chóng, giải ngân tiền nhanh, đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn vay.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, không thiếu các app hoặc công ty tài chính "núp bóng" vay tiền online để trá hình cho vay nặng lãi với lãi suất "cắt cổ". Với những trường hợp này, người cho vay sẽ bị xử lý nghiêm về hành vi cho vay nặng lãi.
Như vậy, dù vay tiền online thì người vay nợ cũng buộc phải trả đủ số tiền đã vay theo khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự. Việc bùng nợ khi vay tiền online cũng chính là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Như phân tích ở trên, khi vay tiền, người vay có nghĩa vụ phải trả nợ dù vay tiền trực tiếp hay vay tiền online qua app, qua website hay qua mạng xã hội. Nếu cố tình không trả nợ, người vay có thể bị xử lý như sau:
Trong trường hợp người vay tiền online thực hiện vay tiền thông qua các app, trang web cho vay online của ngân hàng, công ty tài chính hợp pháp thì theo khoản 4 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả/trả không đủ số nợ gốc và lãi (nếu có) thì sẽ phải trả lãi tiền vay:
- Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thoả thuận tương ứng với thời gian chưa trả.
- Trả lãi chậm trả theo mức lãi suất thoả thuận trong hợp đồng tín dụng nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng thời gian chậm trả.
- Nếu khoản nợ bị chuyển sang nhóm quá hạn, người vay phải trả lãi trên nợ gốc đã bị quá hạn với lãi suất không quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.
Đồng thời, nếu người vay tiền vay của các app, trang web do cá nhân, tổ chức sở hữu thì sẽ phải trả lãi theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015:
- Vay không có lãi: Bên cho vay được quyền yêu cầu bên vay trả lãi với mức lãi suất không quá 10%/năm của số tiền chậm trả tương ứng thời gian chậm trả.
- Vay có lãi suất: Bên vay phải trả lãi trên nợ gốc theo lãi suất thoả thuận trong hợp đồng tương ứng thời hạn vay đến hạn chưa trả; nếu quá hạn thì phải trả lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng thời gian chậm trả...