Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) nhận định, một trong 3 tên lửa mà Triều Tiên phóng vào sáng 25/5 là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên diễn ra ngay sau chuyến thăm châu Á lần đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un giám sát một vụ phóng thử tên lửa. (Ảnh: Daily News) |
CNN đưa tin, theo Hàn Quốc, ICBM mà Triều Tiên phóng vào lúc 6h sáng (giờ địa phương) có tầm bắn khoảng 360 km và đạt độ cao tối đa 540 km.
Vào lúc 6h37, Triều Tiên cho phóng tên lửa đạn đạo thứ hai, nhưng không phải ICBM và hoàn toàn không xuất hiện trong phạm vi theo dõi của Hàn Quốc. Theo đó, tên lửa của Triều Tiên bay ở độ cao 20 km.
Tên lửa thứ ba được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn bay xa khoảng 760 km và đạt độ cao 60 km, theo JCS.
Các cơ quan tình báo Hàn Quốc và Mỹ đang phân tích thêm về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên để có thể thông tin cụ thể.
Chuyên gia tên lửa Jeffrey Lewis tại Trung tâm Nghiên cứu giải trừ vũ khí hạt nhân James Martin, nhận định vụ phóng tên lửa hôm 25/5 của Triều Tiên không phải là ICBM hoàn chỉnh bởi có tầm bắn ngắn.
Cũng theo ông Lewis, vụ phóng mới nhất của Triều Tiên chỉ giống như những lần phóng thử trước đây mà Mỹ cho rằng nó liên quan tới chương trình phát triển một ICBM mới của chính quyền Bình Nhưỡng.
Trước đó, vào tháng Ba, Lầu Năm Góc tuyên bố hai vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo được Triều Tiên thực hiện vào ngày 26/2 và 4/3 không thể hiện đây là một ICBM hoàn chỉnh cả về tầm bắn và năng lực. Song vụ phóng “dường như là nhằm đánh giá hệ thống mới trước khi tiến hành một vụ thử nghiệm hoàn chỉnh trong tương lai mà khả năng đóng giả là một vụ phóng vệ tinh”.
Nhật Bản cũng ra thông báo về việc Triều Tiên cho phóng ít nhất hai tên lửa vào sáng 25/5, mà trong đó một vật thể bay ở “quỹ đạo bất thường” và bay xa 750 km, theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi.
Ông Kishi cho biết tên lửa của Triều Tiên đã rơi xuống khu vực nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.
Phản ứng trước vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ cho hay mỗi bên đã phóng một tên lửa ra ngoài vùng biển ngoài bán đảo Triều Tiên, theo JCS. Trong một tuyên bố, quân đội Mỹ cũng đã xác nhận thông tin này.
Hồi tuần trước, một quan chức Mỹ cảnh báo Triều Tiên dường như đang chuẩn bị cho một vụ phóng ICBM vào đúng thời điểm Tổng thống Biden tới thăm châu Á.
Còn trong cuộc gặp với tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vào cuối tuần qua, Tổng thống Biden đã đồng thuận cân nhắc tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn hơn, cũng như khả năng triển khai thêm các loại vũ khí hạt nhân của Mỹ tới khu vực nhằm đối phó với chương trình thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên.
Khi được hỏi về việc có ý định gặp mặt Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un hay không, ông Biden cho biết chuyện này “phụ thuộc vào mức độ chân thành và nghiêm túc của ông Kim”.
Về phần mình, Tổng thống Yoon nhấn mạnh Hàn Quốc và các nước đồng minh đang sẵn sàng đối phó trước mọi hành động mang tính khiêu khích của Triều Tiên.
Hồi tháng Tư, ông Kim tuyên bố “tăng cường và phát triển lực lượng hạt nhân ở tốc độ nhanh nhất có thể”.
Vụ phóng ngày 25/5 là lần thứ 16 Triều Tiên phóng tên lửa trong năm nay. Vào ngày 4/5, Mỹ cho rằng Triều Tiên đã phóng thất bại một ICBM. Nhưng thực tế, Triều Tiên được cho đã cho thử nghiệm một ICBM vào cuối tháng Ba.
Trong sự kiện này, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay tên lửa của Triều Tiên đạt độ cao 6.000 km và bay xa 1.080 km, thời gian bay là 71 phút.
Đáng nói, các cơ quan tình báo và quân đội Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng cũng đang chuẩn bị cho vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân dưới lòng đất lần đầu tiên trong gần 5 năm qua.
Triều Tiên tiếp tục phóng thử tên lửa giữa lúc quốc gia này đang phải tìm cách ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, triệu chứng sốt không rõ nguồn gốc đã “bùng nổ trên phạm vi cả nước” kể từ cuối tháng Tư.
Dịch Covid-19 có tốc độ lây lan nhanh bùng phát có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn đối với Triều Tiên do quốc gia này thiếu nguồn lực y tế. Trước đó, Triều Tiên từng từ chối tiếp nhận các chuyến hàng chở vắc xin Covid-19 nằm trong chương trình chia sẻ vắc xin Covid-19 toàn cầu COVAX. Thậm chí, chính quyền Bình Nhưỡng cũng không nhận vắc xin Covid-19 của hãng Sinovac Biotech, Trung Quốc.
Các nhà phân tích nhận định sự xuất hiện của dịch Covid-19 có thể khiến tình hình căng thẳng an ninh lương thực của Triều Tiên trong năm nay càng trầm trọng hơn, bởi lệnh phong tỏa sẽ tác động tới “mọi nỗ lực chiến đấu” chống lại tình trạng hạn hán và huy động nguồn nhân lực.
Minh Thu (lược dịch)