Mọi sản phẩm đều giống Hoàng Thùy Linh?
Thời gian gần đây, các sản phẩm âm nhạc pha trộn yếu tố truyền thống và hiện đại được ưa chuộng.
Bài Cân cả thế giới của Dương Hoàng Yến thuộc dòng pop/dance pha một ít âm nhạc ngũ cung. Thị Mầu của Hòa Minzy là EDM pha âm hưởng chèo. Vũ trụ có anh của Phương Mỹ Chi là disco pha màu sắc nhạc phim Disney và âm hưởng ca trù. Trò chơi í a Trời cho của Hà Myo kết hợp hát xoan, rap với nhạc điện tử,...
Những nghệ sĩ phát hành các sản phẩm trên luôn nhận được câu hỏi so sánh với phong cách của Hoàng Thùy Linh.
Sản phẩm này nghe giống/khiến tôi liên tưởng đến nhạc của Hoàng Thùy Linh; Bạn có sợ bị so sánh với Hoàng Thùy Linh không?; Sản phẩm này có ăn theo phong cách của Hoàng Thùy Linh không?; Gần đây có nhiều sản phẩm lồng ghép văn hóa dân gian, bạn ăn theo trào lưu à?... là những bình luận thường gặp.
Ca sĩ Phương Mỹ Chi.
Các ca sĩ có cách phản hồi khác nhau khi nhận câu hỏi so sánh với Hoàng Thùy Linh. Trong buổi ra mắt MV Vũ trụ có anh, Phương Mỹ Chi nói: "Tôi hay bất cứ người trẻ nào đều có trách nhiệm kế thừa văn hóa dân tộc. Không nên dùng từ "ăn theo", "bắt chước" trong trường hợp này. Tôi mong mọi người nên khuyến khích thay vì dùng những từ không hay làm người trẻ chùn bước".
Hà Myo nói "so sánh khập khiễng", phân tích định hướng khác nhau và chấp nhận việc không nổi tiếng bằng Hoàng Thùy Linh.
Dương Hoàng Yến mong khán giả nhìn nhận tích cực vào sự cống hiến, giá trị khác nhau mà mỗi nghệ sĩ mang lại trong khi Hòa Minzy chứng minh ý tưởng đầu tiên của MV Thị Mầu có từ 8 năm trước.
Dù cách trả lời khác nhau, các ca sĩ hầu như bộc lộ thái độ không thoải mái khi nhận bị so sánh với phong cách âm nhạc của một ca sĩ khác.
Ai độc quyền văn hóa dân tộc?
Để biết các sản phẩm âm nhạc pha trộn yếu tố truyền thống và hiện đại có sao chép phong cách Hoàng Thùy Linh không, cần xác định "phong cách Hoàng Thùy Linh" là gì.
Ca sĩ này thường đưa các chất liệu văn hóa dân gian (ngữ văn dân gian; nghệ thuật dân gian; tri thức dân gian; tín ngưỡng, phong tục và lễ hội dân gian...) thể hiện qua hình ảnh và âm thanh vào sản phẩm âm nhạc điện tử "rặt" thời thượng của mình.
Dù thể hiện ở hình ảnh hay âm thanh, Hoàng Thùy Linh đều xử lý theo hướng cách tân, cách điệu chứ không để chất liệu nguyên mẫu. Hay trong những sản phẩm đó, chất liệu hiện đại chiếm phần lớn, chất liệu truyền thống chiếm phần ít.
Các sản phẩm của Hoàng Thùy Linh vừa lôi cuốn bởi sự thời thượng, vừa khơi gợi tính tò mò với người chưa biết và tạo cảm giác thân thuộc với người đã biết.
MV "Cân cả thế giới" của Dương Hoàng Yến độc lập, phân biệt với MV "Để Mị nói cho mà nghe" của Hoàng Thùy Linh.
Phong cách của Hoàng Thùy Linh được tổng hòa bởi các thành tố gồm: văn hóa dân gian, nhan sắc, cá tính, màu giọng, cách xử lý tác phẩm... Không thành tố cụ thể nào đại diện cho phong cách này.
Dù vậy, 4 từ "văn hóa dân gian" dính chặt vào cái tên Hoàng Thùy Linh dù cô không phải người đầu tiên, duy nhất hoặc độc quyền ứng dụng văn hóa dân gian vào sản phẩm âm nhạc.
Nhắc đến Hoàng Thùy Linh, nếu không biết mô tả gì, người ta thường dùng cụm từ "văn hóa dân gian" để nói về cô như một kiểu định kiến.
Với thành công lớn từ 2 album Hoàng và LINK, Hoàng Thùy Linh định hình rõ nét phong cách âm nhạc của mình trong khán giả. Cộng với việc nhóm DTAP - nổi tiếng từ các sản phẩm âm nhạc làm cùng Hoàng Thùy Linh - sản xuất âm nhạc cho các bài Cân cả thế giới, Vũ trụ có anh..., không ít khán giả nhầm lẫn cho rằng màu sắc của những bài này sao chép màu nhạc của Hoàng Thùy Linh.
Tuy nhiên, đến lúc cần dừng việc áp đặt định kiến tất cả ca sĩ đưa văn hóa dân tộc vào sản phẩm âm nhạc đều sao chép, ăn theo Hoàng Thùy Linh.
Văn hóa dân tộc bao gồm văn hóa dân gian và văn hóa bác học, là hệ giá trị khổng lồ mà bậc tiền nhân người Việt để lại cho lớp người sau. Không nghệ sĩ hay cá nhân nào sở hữu độc quyền văn hóa dân tộc Việt Nam.
Quan trọng hơn, Hoàng Thùy Linh thành công nhưng không đồng nghĩa âm nhạc của cô là mực thước cho đồng nghiệp.
Bên cạnh Hoàng Thùy Linh, nhiều nghệ sĩ ngày càng cho ra những sản phẩm đa dạng, phong phú ứng dụng văn hóa dân tộc vào âm nhạc.
Các ca sĩ Hà Myo, Quách Mai Thy, Sèn Hoàng Mỹ Lam, Thu Hằng Sao Mai... làm ngược với Hoàng Thùy Linh. Họ đặt phần truyền thống làm nền tảng, phủ lên màu sắc thời thượng vẫn hấp dẫn theo cách riêng.
Việc Hoàng Thùy Linh bị ép làm mực thước âm nhạc của đồng nghiệp cho thấy cô cũng là đối tượng của định kiến.
Hòa Minzy, Dương Hoàng Yến... đều định hình phong cách riêng, thể hiện rõ nét trong sản phẩm. Phương Mỹ Chi đưa âm hưởng ca trù thuộc văn hóa bác học vào sản phẩm khá mới mẻ. Bùi Lan Hương, Ricky Star, RTee... cũng có nhiều sản phẩm lấy cảm hứng từ văn hóa dân tộc.
Hàm lượng văn hóa được ứng dụng tùy thuộc vào mỗi sản phẩm, không phân biệt ít hay nhiều. Mỗi sản phẩm được phát hành luôn có chiến lược riêng, người nghệ sĩ cần xác định mình chọn yếu tố văn hóa nào, cho mục đích gì và thể hiện ra sao. Họ cần được định hướng và khuyến khích thay vì áp đặt, chất vấn, đàm tiếu.
Riêng trường hợp Hoàng Thùy Linh, album LINK với các bài See tình, Bắt vía, Trưởng nữ chạy trốn, Đánh đố... cho thấy âm nhạc của cô đang dần dịch chuyển khỏi vùng "văn hóa dân gian" mà một bộ phận khán giả đã và đang mặc định.
Thú vị hơn, trong buổi công bố album LINK, cô từng nhận câu hỏi: Có lặp lại chính mình, cụ thể là album Hoàng không?. Đồng nghĩa chính Hoàng Thùy Linh cũng bị so sánh với bản thân chứ không chỉ các ca sĩ khác.
Có lẽ Hoàng Thùy Linh, Phương Mỹ Chi, Dương Hoàng Yến, Hòa Minzy... và nhiều nghệ sĩ khác cần được "giải cứu" khỏi định kiến, trả lại môi trường lành mạnh để tự do sáng tạo nghệ thuật.
Theo VietNamNet