‘Hay’ lại còn ‘ho’, ‘xịn’ lại thêm ‘xò’… chuyện gì đang xảy ra với tiếng Việt?

17/08/2023 11:53

Chuyện gì đang xảy ra với tiếng Việt khi người ta tạo những từ có "đuôi" vô nghĩa như “xịn xò”, hay dùng sai hoàn toàn về sắc thái như khen một tác phẩm là "hay ho"?

Có lẽ chưa giai đoạn nào tiếng Việt bị đối xử thiếu tôn trọng như hiện nay, đến mức có học giả nói rằng tiếng Việt “đang bị xâm hại”. Người ta đang ồ ạt xả rác vào tiếng Việt bằng việc tạo ra hàng loạt từ mới theo kiểu bóp méo thứ ngôn ngữ giàu đẹp này.

Những từ đó được sử dụng trên mạng xã hội, trong giao tiếp của giới trẻ với tần suất lớn đến nỗi nhiều người không còn phân biệt nổi đâu là “rác” ngôn ngữ và đâu là tiếng Việt đích thực, cứ thế sử dụng trong văn viết hay trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Từ “xịn xò” hay “xịn sò” là một ví dụ. “Xịn” theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học có nghĩa là “thuộc loại sang, đắt tiền”. Những năm gần đây, nó bỗng mọc thêm cái đuôi “xò” hoàn toàn vô nghĩa, hoặc “sò” (tên một loài động vật thân mềm) có ý nghĩa không hề liên quan.

Thế mà dần dần, từ này nhảy cả vào một số bài viết trên báo mạng, hay được thốt ra tự nhiên trên một số show truyền hình. Hài hước nhất là hệ thống dữ liệu trên Internet có rất nhiều bài “dạy tiếng Việt” với nhan đề “Viết xịn xò hay xịn sò mới đúng chính tả?” với kết luận “xịn sò” mới chuẩn!

Trên mạng có rất nhiều bài

Trên mạng có rất nhiều bài "dạy tiếng Việt" với nội dung "viết xịn sò hay xịn xò mới đúng chính tả".

Sự thịnh hành của những từ xuyên tạc như “xịn sò” xuất phát từ sở thích của nhiều người trẻ muốn tỏ ra sành điệu bằng việc dùng từ cải biên, khác với chuẩn thông thường. Chẳng hạn, hỏi giá tiền là “rá rổ thế nào”, khen giá rẻ thì “hạt dẻ thế” – tức là thay thế từ gốc bằng từ khác hoàn toàn không liên quan về nghĩa nhưng có sự tương đồng về âm. Người có tuổi hoặc không thạo “ngôn ngữ thời @” ắt sẽ phải ngẩn ra vì chẳng hiểu đối phương đang nói gì.

Không ít người vì coi trọng sự trong sáng của tiếng Việt mà tức giận khi một số từ bỗng nhiên bị “thay ruột”, nghĩa là bị dùng để biểu đạt ý nghĩa hoàn toàn khác với nghĩa thường dùng. “Lăn tăn” là một ví dụ. Theo Từ điển Tiếng Việt, lăn tăn có nghĩa là: 1. Nhỏ, đều, nhiều và chèn sát nhau (mưa lăn tăn, mầm cải mọc lăn tăn). 2. Có nhiều gợn nhỏ hay tăm nhỏ liên tiếp và chen sát nhau trên bề mặt (sóng gợn lăn tăn, đun nhỏ lửa để sôi lăn tăn).

Thế nhưng trong miệng những người “bạo hành tiếng Việt” thời nay, “lăn tăn” được dùng với nghĩa gần như “băn khoăn”, vẫn còn chưa thực sự yên tâm, thoải mái về một điều gì đó (“Còn lăn tăn gì nữa, quyết đi!”).

Nếu không bóp méo từ về nghĩa thì người ta lại bóp méo về sắc thái của nó, chẳng hạn như từ “hay ho”. Theo Từ điển Tiếng Việt thì từ này thường hàm ý phủ định, mỉa mai – “nào có hay ho gì cho cam”, “hay ho lắm đấy mà nhắc mãi”. Về độ mỉa mai chê trách thì nó chỉ kém từ “hay hớm” một vài bậc mà thôi. Ấy vậy mà trên sóng truyền hình, không ít lần tôi thấy MC dùng từ “hay ho” để khen một tác phẩm, một chương trình. Khen thì thật lòng, nhưng dùng từ như vậy dễ khiến người được khen tím cả mặt vì tưởng bị chê bai, chỉ trích.

Lại còn cái nạn đem tiếng Việt ra đùa cợt bằng việc thêm âm “s” một cách đầy chớt nhả vào giữa từ ghép nữa! Và cũng xuất hiện ngay trên truyền hình! Khi thì MC, khi thì người chơi, khi thì người có vai trò cầm cân nảy mực trong gameshow nào đó hét to lên mấy tiếng “cám sờ ơn”! Thật không hiểu có gì hài hước hay thú vị trong cách đem ngôn ngữ mẹ đẻ ra giễu nhại như vậy.

Nếu cứ tùy tiện dùng và cổ vũ dùng những từ xuyên tạc thế này, đến một lúc nào đó, nhiều người sẽ không còn biết được từ nào mới là chuẩn, thậm chí từ đúng sẽ bị cho là sai bởi sự áp đảo của số đông. Sự xuất hiện những từ méo mó đó trên các phương tiện thông tin đại chúng, dù vô tình hay hữu ý, cũng là sự cổ vũ cho hành động làm hỏng tiếng Việt, cực kỳ nguy hiểm.

Ngay cả nếu chỉ được sử dụng trên mạng xã hội, các loại “rác ngôn ngữ” cũng có ảnh hưởng cực kỳ to lớn và đáng sợ. Khi hầu hết mọi người đều dành nhiều tiếng đồng hồ mỗi ngày trên mạng, thế giới ảo lại thật sự là không gian sống. Khi người ta viết trên mạng nhiều hơn trên văn bản chính thống, thứ gọi là “ngôn ngữ mạng”, “ngôn ngữ teen” với những biến hóa kỳ dị và tùy tiện sẽ ngấm rất sâu, sẽ từ đó đi vào văn bản chính thống.

Trưởng phòng một công ty từng than thở, anh không thể tin nổi khi nhiều nhân viên trẻ quen tay viết báo cáo với những dòng biến dạng y như dòng trò chuyện trên mạng: "Ko" hoặc “khum” hay vì “không”, “thik hợp” thay vì “thích hợp”…

Đó là chưa kể, ngôn ngữ mạng đầy rẫy những từ dung tục đến phản cảm, như “lộ hàng”, “vãi”, “vãi hàng”…

Chúng ta tự hào tiếng Việt đẹp và giàu. Qua thời gian, tiếng Việt càng được làm giàu thêm bởi sự phát triển của cuộc sống, sự hội nhập năm châu. Nhưng làm giàu ngôn ngữ là chắt lọc để thu nạp những gì tinh túy, chứ không phải nhồi nhét những thứ hổ lốn, thậm chí độc hại. Còn đâu sự trong sáng đẹp đẽ của tiếng Việt khi người ta dễ dãi chấp nhận những biến tấu thô thiển và kệch cỡm!

Học giả Phạm Quỳnh từng nói rất chính xác: “Tiếng ta còn, nước ta còn”; vì ngôn ngữ chính là bản sắc văn hóa, cũng là diện mạo quốc gia, là thứ thiêng liêng cần phải được bảo vệ, gìn giữ một cách đầy trân trọng, nâng niu.

Trần Hồng

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
‘Hay’ lại còn ‘ho’, ‘xịn’ lại thêm ‘xò’… chuyện gì đang xảy ra với tiếng Việt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO