Nguy kịch vì bỏ điều trị
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, đơn vị này đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng do bỏ thuốc điều trị để lên Hòa Bình, Yên Bái lấy thuốc theo “tin đồn”, hay sử dụng các loại viên nang được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.
Điển hình như trường hợp của nữ bệnh nhân H.B.T. (35 tuổi, Hà Nội) mới phát hiện bị mắc tiểu đường từ năm ngoái, nữ bệnh nhân đã được các bác sĩ kê đơn và cho uống thuốc hàng tháng nên sức khỏe ổn định trở lại.
Tuy nhiên, bệnh nhân T. đã nghe theo lời quảng cáo trên mạng, bỏ thuốc tại bệnh viện để uống loại “thần dược” này.
Sau hơn 2 tháng, bệnh nhân bắt đầu giảm cân nhanh, cơ thể mệt mỏi, đờ đẫn. Khi trở lại bệnh viện thăm khám, chỉ số đường huyết của đã vọt lên hơn 20mml/l.
Tương tự, anh P.T.K. (40 tuổi, Hà Nội) có tiền sử xơ gan, uống nhiều rượu. Nghe quảng cáo thuốc nam gia truyền có thể “cắt bệnh” hoàn toàn, anh bỏ ngang phác đồ điều trị của bác sĩ.
Kết quả, bệnh nhân không những không khỏi bệnh mà phải nhập viện cấp cứu do rối loạn đông máu, xuất huyết dạ dày nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tính mạng.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, một nam bệnh nhân 63 tuổi (Hà Nội) suýt mất mạng do nhiễm toan chuyển hóa nặng.
Thông tin từ người nhà, nam bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, sau khi nghe quảng cáo đã mua 20 gói thuốc nam dạng viên với giá 10 triệu đồng.
Sử dụng được gần 20 ngày, ông xuất hiện tình trạng đau bụng, nôn mửa, nên được người nhà đưa đi cấp cứu.
Xét nghiệm viên thuốc mà bệnh nhân uống, các bác sĩ phát hiện có thành phần phenformin, loại thuốc chữa đái tháo đường cũ có độc tính cao đã bị cấm sử dụng từ những năm 1970.
Báo động tình trạng bán thuốc qua mạng
Bác sĩ Đinh Thế Tiến - khoa nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang - cho biết tình trạng bán thuốc qua mạng, quảng cáo thuốc tràn lan ngày càng đáng báo động.
Với các bệnh mạn tính như đái tháo đường, xương khớp, thận... cần phải tuân thủ tuyệt đối việc điều trị, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đã bỏ dở việc điều trị, tự tìm mua và sử dụng những loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc, khiến bệnh ngày càng trầm trọng.
Với nhiều loại bệnh mạn tính, việc kết hợp đông - tây y trong điều trị được áp dụng khá phổ biến và mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc đông y hay kết hợp thuốc đông y với tây y cần phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Không nên tùy tiện kết hợp thuốc đông y và tây y vì dễ gặp phải tương tác thuốc, khiến bệnh dễ nặng hơn.
Thậm chí, việc sử dụng thuốc đông y mà không biết rõ nguồn gốc, chỉ nghe theo sự mách bảo hay truyền miệng dễ gây nguy hiểm đến tính mạng.
“Để hạn chế việc sử dụng thuốc đông y bừa bãi cũng như ngăn chặn các “thầy lang rởm” bán thuốc tràn lan cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và chính người bệnh.
Người bệnh cần tỉnh táo khi lựa chọn phương pháp điều trị, không nên tin vào những lời truyền miệng hay hình ảnh quảng cáo để phải trả giá đắt bằng chính sức khỏe của mình”, bác sĩ Đinh Thế Tiến nhấn mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cũng cho rằng, người dân cần cảnh giác và tránh xa những lời quảng cáo về các loại thuốc đông y gia truyền không bảo đảm về nguồn gốc, không có các thông tin đầy đủ, rõ ràng về giấy phép được cấp bởi Bộ Y tế.
Khi nghi bị ngộ độc hoặc phản ứng bất lợi do thuốc gây ra cần giữ lại tất cả mẫu thuốc còn lại, sau đó chuyển cho cơ quan chức năng hoặc bệnh viện tuyến cuối kiểm tra, xét nghiệm, từ đó xác minh và có các biện pháp ngăn chặn ngộ độc có thể xảy ra với người khác.
Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh mắc bệnh mãn tính nên đi khám, uống thuốc theo toa của bác sĩ, không nên nghe những lời "rỉ tai, truyền miệng" uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc, có thể có những độc chất trộn trong đó để "tiền mất, tật mang".
Khi dùng bất cứ loại thuốc nào lâu dài để điều trị bệnh, cần đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn cách sử dụng thuốc an toàn, đồng thời phòng tránh tình trạng nhiễm độc thuốc gây ra.