Bác sĩ Lâm Thị Lá - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy - cho biết: “Trong khoảng từ giữa tháng 5 đến nay, có sự gia tăng trẻ bị tiêu chảy đến khám, chữa bệnh và trẻ nhập viện do bệnh tiêu chảy nhiễm trùng chiếm khoảng 40% trong tổng số trẻ nhập viện ở khoa”.
Theo số liệu báo cáo tháng 5 của bệnh viện, số trẻ phải nhập viện điều trị do bệnh tiêu chảy nhiễm trùng còn cao hơn bệnh viêm phổi, trẻ nhập viện do các bệnh viêm phổi chiếm chỉ khoảng 25%.
Chị Nguyễn Kim Ngọc, mẹ của bé Trần Kim Oanh, (huyện Châu Thành), chia sẻ: “Thấy con bị sốt kèm theo nôn ói và tiêu chảy nhiều nên gia đình đưa đến bệnh viện khám. Bác sĩ nói bị tiêu chảy nhiễm trùng nên nhập viện điều trị. Vừa sốt lại bị tiêu chảy cháu mất sức rất nhiều, ít ăn uống, gia đình rất lo lắng, cũng không biết nguyên nhân khiến cháu bị tiêu chảy”.
Bác sĩ Lá khuyến cáo, khi bị tiêu chảy nhiễm trùng trẻ sút cân nhanh, mất nước nhiều do tiêu chảy và kèm theo nôn ói. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời, hiệu quả có nguy cơ diễn biến xấu hơn dẫn đến nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong. Trường hợp trẻ bị tiêu chảy nhiễm trùng nhiều lần sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và trí não. Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến bệnh tiêu chảy nhiễm trùng là mầm bệnh xâm nhập qua đường miệng, chủ yếu là do ăn, uống không hợp vệ sinh, chưa được nấu chín. Để phòng bệnh này, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần quan tâm đảm bảo khâu vệ sinh ăn uống và vệ sinh cá nhân.
Theo ghi nhận tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Hậu Giang, cũng có nhiều trẻ nhập viện do bệnh tiêu chảy nhiễm trùng thời gian gần đây, kèm những biểu hiện đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, sốt là triệu chứng gặp hầu hết ở trẻ bị tiêu chảy nhiễm trùng.
Như trường hợp bé Trương Kim Cương, ở (huyện Châu Thành A), mới nhập viện tại Khoa Bệnh nhiệt đới tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh. Chị Nguyễn Thị Hồng Đào, mẹ của bé, lo lắng: “Mấy ngày rồi, cháu không ăn uống gì được, hay nôn và tiêu chảy rất nhiều lần. Đang đợi bác sĩ tư vấn nên cho cháu ăn gì”.
Bác sĩ chuyên khoa I Vương Thị Huyền - Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, tư vấn: “Người chăm sóc trẻ cần có hiểu biết và chăm sóc đúng cách để trẻ có thể mau khỏi bệnh. Trẻ cần được cho ăn, uống đúng cách không phải sợ nôn ói mà không dám cho ăn uống bất cứ thứ gì. Có thể cho trẻ ăn cháo, thịt, thức ăn dễ tiêu hóa, tránh cho trẻ ăn thức ăn màu đỏ để bác sĩ tiện theo dõi, hạn chế ăn rau củ. Có thể cho trẻ uống sữa nhưng là sữa bột tự pha cho trẻ uống ngay, không nên cho trẻ uống sữa hộp đã pha sẵn.
Cho trẻ uống nhiều nước để bù tình trạng mất nước do tiêu chảy. Khi trẻ bị bệnh, người nhà nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khám, tránh tình trạng tự mua thuốc uống sẽ điều trị không hiệu quả, trẻ vào viện khi bệnh đã nặng sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết, tử vong. Việc chăm sóc dinh dưỡng tốt sẽ giúp trẻ tăng sức đề kháng và mau khỏi bệnh. Khi trẻ mắc bệnh tiêu chảy nhiễm trùng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có thể gây ra tử vong. Vì vậy, các gia đình không nên chủ quan, cần quan tâm thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả cho trẻ".