Với tâm lý e ngại bệnh khó nói, anh N.L.T., (24 tuổi, địa chỉ tại Hà Nội) tự tìm hiểu và điều trị bằng các thuốc được rao bán trên mạng nhưng tình trạng trên không những không cải thiện mà còn nặng nề hơn, khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái tâm lý stress, chán nản, lo lắng.
Một trường hợp khác là anh T.N.C., 35 tuổi, tiền sử khỏe mạnh. Bệnh nhân cho biết, trước kia rất tự hào về kích thước "cậu nhỏ" của mình. Tuy nhiên sau khi mắc Covid-19 lại thấy cậu nhỏ bị mềm và ngắn đi vài cm. Điều này làm bệnh nhân lo lắng rằng Covid-19 khiến "của quý" càng ngày càng teo nhỏ.
Đây là 2 trong số nhiều bệnh nhân đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để thăm khám các vấn đề về nam khoa sau khi khỏi Covid-19 trong thời gian vừa qua.
Đại dịch Covid-19 đang là mối quan tâm lo ngại của toàn cầu. Nhờ việc kiểm soát dịch bệnh và bao phủ vaccine diện rộng, vấn đề nguy hại của Covid-19 đến tính mạng tạm thời được giải quyết.
Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Trọng Hoàng Hiệp, Chuyên khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, những di chứng mà Covid-19 để lại liên quan tới vấn đề sinh lý nam giới gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống thường ngày.
Theo các báo cáo trên thế giới, nhiều nam giới khi mắc Covid-19 đã gặp các vấn đề về sinh lý như giảm ham muốn, rối loạn cương dương. Cụ thể:
Giảm ham muốn tình dục
Đây là vấn đề rất thường gặp ở nam giới khi bị mắc Covid-19. Khi xâm nhập vào cơ thể, virus tấn công vào các thụ thể ACE2 nằm trên màng tế bào, từ đó xâm nhập vào các tế bào trong cơ thể người. Các thụ thể này có rất nhiều ở niêm mạc miệng, phổi, tim, các cơ quan khác gồm cơ quan sinh dục, buồng trứng, nội mạc tử cung ở nữ và tinh hoàn ở nam.
Khi virus tấn công vào tinh hoàn, các tế bào tinh hoàn bị tổn thương, dẫn đến việc tổng hợp hormone nam giới (testosterone) và tinh trùng bị ảnh hưởng, từ đó khiến nồng độ testosterone trong máu bị suy giảm đáng kể. Ngoài ra việc phải điều trị và cách ly kéo dài khi bị nhiễm Covid-19 gây ra sự căng thẳng về tâm lý, khiến cơ thể nam giới tăng bài tiết hormone cortisol - yếu tố gây giảm nồng độ testosterone và nitric oxide. Chính việc suy giảm nồng độ các chất này khiến nam giới cảm thấy mất hứng thú với chuyện tình dục.
Rối loạn cương dương
Theo các báo cáo trên thế giới, rối loạn cương dương là một biến chứng của Covid-19 thường gặp ở nam giới. Khi xâm nhập cơ thể, ngoài việc tấn công vào đường hô hấp, virus còn gây rối loạn nội mô, gây phản ứng viêm làm hỏng tính toàn vẹn của nội mạc mạch máu, tăng tính thấm, kích hoạt quá trình đông máu và tổn thương vi mạch. Chức năng mạch máu suy giảm dẫn đến tình trạng rối loạn cương dương. Ngay cả các trường hợp Covid-19 không triệu chứng thì sự tổn thương vi mạch vẫn diễn ra, vì vậy tình trạng rối loạn cương dương có thể gặp ở cả những bệnh nhân mắc Covid-19 thể nhẹ.
Nỗi lo "trên bảo dưới không nghe"
Theo BS Hiệp, qua ghi nhận thực tế, sau khi khỏi Covid-19, ngoài những di chứng về tình trạng sức khỏe chung như mệt mỏi, mất ngủ, mất cảm giác ngon miệng, suy giảm trí nhớ… những ảnh hưởng về chức năng sinh lý và cơ quan sinh dục cũng là vấn đề mà nhiều nam giới mắc phải.
"Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, thời gian vừa qua đã ghi nhận nhiều trường hợp nam giới khám và điều trị các vấn đề về Nam khoa sau khi khỏi Covid-19", BS Hiệp thông tin.
Theo chuyên gia này, hầu hết các đấng mày râu đến khám "hậu Covid-19" tại bệnh viện vì những vấn đề sau:
Vấn đề về chức năng sinh lý
Biến chứng thường gặp nhất là suy giảm ham muốn và rối loạn cương dương. Cơ chế của những vấn đề này chủ yếu là do sự tấn công của virus vào tinh hoàn, gây rối loạn nồng độ nội tiết của nam giới (testosterone), từ đó dẫn đến suy giảm ham muốn tình dục, kèm theo sự tổn thương các vi mạch nhỏ ở dương vật gây rối loạn cương dương. Ngoài ra tâm lý căng thẳng, stress kéo dài khi điều trị và cách ly do Covid-19 cũng khiến nam giới mất hứng thú về chuyện tình dục.
Vấn đề về cơ quan sinh dục
Một số trường hợp bệnh nhân phàn nàn về việc dương vật bị ngắn đi sau khi khỏi Covid-19. Tuy nhiên theo các nghiên cứu mới nhất trên thế giới, hiện chưa có bằng chứng hay cơ chế chứng minh Covid-19 gây ảnh hưởng đến kích thước dương vật. Tình trạng dương vật ngắn đi chủ yếu là do rối loạn cương dương khiến dương vật không đạt đủ độ cứng và kích thước như bình thường, cộng với việc tâm lý bệnh nhân lo lắng, stress nhiều, từ đó nhầm lẫn giữa việc dương vật không đủ cương cứng và dương vật bị ngắn đi.
BS Hiệp dẫn chứng từ trường hợp của bệnh nhân T.N.C.: "Sau khi được thăm khám tại bệnh viện, bệnh nhân đã được bác sĩ tư vấn để hiểu rõ về bản chất vấn đề của mình, không phải "cậu nhỏ" bị teo đi mà chính việc rối loạn cương dương và tâm lý lo sợ khiến bệnh nhân cảm thấy dương vật của mình bị ngắn đi. Sau quá trình điều trị và theo dõi sát sao, bệnh nhân đã dần hồi phục được trạng thái tự tin ban đầu của mình".
Vừa qua, báo chí cũng đã đưa tin về một trường hợp người đàn ông ở Mỹ sau khi khỏi Covid-19 đã bị teo "cậu nhỏ" khoảng 3,8cm và rối loạn cương dương. Thông tin này cũng khiến nhiều "quý ông" hoang mang.
Nhận định về trường hợp này, theo BS Hiệp, những ca bệnh báo cáo tình trạng dương vật bị ngắn đi hoàn toàn có lời giải thích hợp lý về cơ chế.
"Khi xâm nhập vào cơ thể, virus gây phản ứng viêm lan tỏa gây tổn thương nội mạc mạch máu, tăng tính thấm, kích hoạt đông máu rải rác, rối loạn vi tuần hoàn. Chính những điều này gây tổn thương nặng nề cho các vi mạch, đặc biệt là các vi mạch ở dương vật. Việc tổn thương các vi mạch này dẫn đến tình trạng rối loạn cương dương, làm cho dương vật bệnh nhân không đạt đủ độ cứng và kích thước bình thường, cộng với tình trạng lo lắng, stress kéo dài trong quá trình điều trị và cách ly Covid-19, từ đó khiến bệnh nhân có cảm giác rằng, dương vật của mình bị ngắn đi. Tổn thương vi mạch được ghi nhận thấy nhiều ngay cả trong những trường hợp Covid-19 không triệu chứng, vì vậy ngay cả những bệnh nhân mắc Covid-19 thể nhẹ cũng hoàn toàn có thể rơi vào tình trạng rối loạn cương dương, kèm theo cảm giác "cậu nhỏ ngắn đi", BS Hiệp chỉ rõ.
Theo BS Hiệp, khi gặp phải những vấn đề như trên, bệnh nhân cần đến các cơ sở chuyên khoa Nam học sớm để khám và điều trị, tránh tâm lý e ngại làm tình trạng bệnh nặng lên. Ngoài ra bệnh nhân có thể tự thực hiện một số việc sau ngay tại nhà nhằm nâng cao sức khỏe thể chất nói chung và sức khỏe tình dục nói riêng:
- Tập luyện thể dục thể thao điều độ hàng ngày, cường độ phù hợp với tình trạng sức khỏe bản thân.
- Uống nhiều nước, ăn tăng cường các loại rau xanh, hoa quả tươi.
- Chế độ ăn bổ sung thêm các loại thịt đỏ, hải sản, trứng, sữa, giá đỗ…
- Hạn chế tối đa hoặc không dùng thuốc lá, rượu bia, chất kích thích.
- Ngủ đúng giờ, tránh thức khuya, đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày.