Hậu COVID-19, mất ngủ nên ăn gì?

ANH ĐÀO (tổng hợp)| 05/04/2022 17:28

Theo các chuyên gia y tế có khoảng 40% người dân bị mất ngủ khi mắc COVID-19, trong khi tỉ lệ này đối với các bệnh dịch khác chỉ khoảng 24%. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nguy hiểm cho sức khỏe.

mat-ngu-hau-covid-19-nguyen-nhan-do-dau.jpeg
Có khoảng 40% người dân bị mất ngủ khi mắc COVID-19 - Ảnh: Internet

Vì sau khỏi bệnh hay mất ngủ?

TS.BS Việt Anh cho biết mất ngủ là di chứng mà nhiều người mắc phải hậu COVID, nhất là tình trạng mất ngủ thường xuyên. Nguyên nhân có thể là:

Stress, lo lắng, đau buồn, mất mát do COVID-19 đặc biệt là những gia đình bị COVID-19 cướp đi mạng sống của người thân, điều đó đã ảnh hưởng đến giấc ngủ, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hàng ngày.

Thói quen ngủ của người bệnh sau khi khỏi COVID-19 cũng thay đổi do liên quan đến giãn cách xã hội, các vấn đề tâm lý trong cuộc sống thường ngày, về thu nhập hoặc lo sợ bị biến chứng do chính bệnh COVID-19 gây ra.

Bên cạnh đó một số thuốc đã được sử dụng để điều trị COVID-19 cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến giấc ngủ. Hoặc có thể là do triệu chứng bệnh COVID-19 khiến người bệnh mất ngủ nhiều hơn.

Mất ngủ làm ảnh hưởng rất lớn đến sự điều hòa thần kinh của não bộ, do đó có thể không điều chỉnh được sự thăng bằng, gây té ngã khi vận động hoặc gặp phải tai nạn giao thông khi lưu thông trên đường, hoặc bị tai nạn lao động và làm giảm hiệu suất công việc một cách đáng kể…

Ngoài ra, mất ngủ kéo dài còn có thể ảnh hưởng đến não bộ, tim mạch và toàn thân như bị rối loạn nhịp tim, suy tim, bệnh mạch vành, tăng huyết áp và xuất hiện các vấn đề tâm thần như lo âu, trầm cảm, thậm chí xuất hiện suy nghĩ tiêu cực.

ban-thuc-pham-sach.jpeg
Đảm bảo dinh dưỡng có thể phòng ngừa được các di chứng hậu COVID-19 - Ảnh: Internet

Ăn thực phẩm nào chống mất ngủ

Bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh - phụ trách Đơn vị Rối loạn giấc ngủ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết người bệnh không nên quá lo lắng, hãy thực hiện đúng theo hướng dẫn của nhân viên y tế, duy trì thói quen sinh hoạt hàng ngày, làm việc nhẹ và tập thể dục để tăng cường sức khỏe.

Đối với phòng ngủ có thể cải thiện ánh sáng, âm thanh phòng ngủ để dễ nghỉ ngơi hơn. Ngủ đủ giấc mới đảm bảo về mặt dinh dưỡng cũng như sức khoẻ, cả về thể chất lẫn tinh thần, từ đó mới có khả năng đẩy lùi dịch bệnh tốt hơn.

Người bệnh lưu ý, ngoài thịt, cá… để cung cấp protein, uống đủ nước, có thể ngậm kẹo gừng, mật ong giúp dịu cơn rát cổ họng, đỡ ho, tập thể dục trước lúc ngủ 30 phút, ngâm chân vào nước ấm.

Bên cạnh đó, bổ sung thức ăn có màu xanh sẽ giúp nhiều trong việc cải thiện giấc ngủ, bởi các loại rau có màu xanh đậm như cải xoăn, cải ngọt, bông cải xanh, cải thìa, táo xanh… chứa nhiều canxi giúp chuyển đổi tryptophan và sản xuất melatonin vừa có nhiều lợi ích cho cơ thể, vừa giúp người ăn dễ ngủ hơn.

Các loại quả chứa nhiều vitamin D (loại chất có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ hiệu quả) như cam, đu đủ, nho, bơ… đặc biệt là anh đào cũng hỗ trợ rất tốt cho người bị mất ngủ.

Trường hợp người bệnh bị mất ngủ kéo dài, ăn uống không ngon, tinh thần kiệt quệ, suy nhược… hãy đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp. Tránh tình trạng chịu đựng kéo dài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm, ảo giác… khiến bệnh nặng nề hơn.

Bài liên quan
  • 6 bước cơ bản sơ cứu trẻ bị đuối nước
    Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Ở Việt Nam, mùa hè đang tới gần cũng là thời điểm các vụ tai nạn đuối nước gia tăng.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hậu COVID-19, mất ngủ nên ăn gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO