Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, nhiều thập niên về trước, "chạy gạo từng bữa" từng là nỗi lo toan thường nhật.
Giờ đây, "cây lúa hôm nay" mở ra "đường lớn": đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu về sản lượng và cả chất lượng. Gạo Việt Nam được vinh danh trong nhóm gạo ngon nhất thế giới.
Thành tựu này ghi nhận sự đóng góp miệt mài, cần mẫn của bao người gắn bó với cây lúa quê hương; từ người nông dân, hợp tác xã trực tiếp sản xuất, các chuyên gia, nhà khoa học, các thương lái xuôi ngược khắp nơi đến cộng đồng doanh nghiệp… cùng hàng loạt cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, đã đánh thức tiềm lực của ngành hàng lúa gạo.
Cũng theo Bộ trưởng, hiện nay, trước những thách thức của biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng, chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo cần có những thích ứng linh hoạt để trở nên chuyên nghiệp và bền vững. Không chỉ tạo ra các sản phẩm chất lượng cao mà còn góp phần kiến tạo nên một hệ sinh thái ổn định, an lành.
"Chúng tôi hiểu rằng, quyền lợi và trách nhiệm của người trồng lúa Việt Nam luôn gắn bó mật thiết và là một phần không thể tách rời với chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo toàn cầu.
Đổi mới sáng tạo, ứng dụng các giải pháp khoa học kĩ thuật phù hợp, đồng bộ dựa trên việc tiếp nối những kinh nghiệm tri thức bản địa, với tinh thần gìn giữ môi trường, tôn trọng thiên nhiên, là cách thức mà đội ngũ nông dân chuyên nghiệp tại Việt Nam đã và đang thực hiện để hướng tới những cánh đồng "phát thải thấp"", người đứng đầu Bộ Nông nghiệp nói.
Theo ông Hoan, xây dựng một nền sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với con người và môi trường, góp phần tích cực vào ổn định an ninh lương thực thế giới luôn là mục tiêu chiến lược, là sự cam kết của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong thời kì hội nhập.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong rằng "Hạt gạo Việt Nam - Hạt gạo tình thân" luôn là khẩu phần thân thuộc trong từng bữa cơm, từng bữa ăn ngon lành, vui vẻ của người người, nhà nhà khắp mọi nơi trên thế giới.
Phát biểu chỉ đạo trực tuyến từ Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2023 là năm có những thời cơ thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức; nhưng thách thức nhiều hơn thuận lợi.
Nhưng có thể nói đến thời điểm này, kinh tế Việt Nam tương đối ổn định, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng, nợ công, nợ Chính phủ, nước ngoài, bội chi ngân sách được kiểm soát tốt, nhất là thu thì đủ chi, làm đủ ăn, đặc biệt xuất khẩu gạo có thể đạt 8 triệu tấn trong năm 2023.
Việt Nam thể hiện là thành viên có trách nhiệm với quốc tế, góp phần vào đảm bảo an ninh lương thực trong những lúc khó khăn.
Thủ tướng nhấn mạnh, Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 nhằm quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam thân thiện, cần cù, mến khách, yêu lao động và quảng bá nền văn minh lúa nước hàng nghìn năm của Việt Nam.
Việt Nam cũng là nước đầu tiên xây dựng và phát triển kế hoạch 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Đây cũng là nhiệm vụ mang tính toàn dân, toàn cầu. Thể hiện trách nhiệm của mình với quốc tế trong chống biến đổi khí hậu và xây dựng nền nông nghiệp phát thải thấp.
Trong khuôn khổ sự kiện Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang năm 2023, sáng 12/12, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk cùng dự lễ phát động đề án "Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL".
Đồng thời xem trình diễn công nghệ cơ giới hóa sản xuất phân hữu cơ rơm, gieo sạ và máy xới, mô hình lúa sạ cụm 20 ngày và trình diễn máy bay nông nghiệp.