Hành vi vi phạm các quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia bị xử phạt như thế nào?

25/06/2021 07:41

Bạn đọc Đinh Thị Quỳnh ở thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, hỏi: Theo quy định của pháp luật, hành vi vi phạm các quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia bị xử phạt như thế nào?

Trả lời: Theo Điều 36, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi vi phạm các quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không giáo dục, không giám sát, không nhắc nhở thành viên gia đình chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia.

Kêu gọi người tham gia giao thông “Đã uống rượu bia - không lái xe” (tháng 5-2019). Ảnh: TTXVN.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia không bảo đảm chính xác, không khách quan và không khoa học.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc cải chính, loại bỏ thông tin sai sự thật đối với hành vi quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều này.

* Bạn đọc Trần Văn Kim ở phường 5, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết phương thức hòa giải, đối thoại tại tòa án được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo Điều 22, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, phương thức hòa giải, đối thoại tại tòa án được quy định như sau:

1. Hòa giải, đối thoại có thể được tiến hành trong một hoặc nhiều phiên.

2. Việc hòa giải, đối thoại được tiến hành tại trụ sở tòa án hoặc có thể ngoài trụ sở tòa án theo lựa chọn của các bên.

3. Phiên hòa giải, đối thoại có thể được thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc hình thức phù hợp khác theo đề nghị của các bên.

4. Hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải, đối thoại có mặt các bên hoặc gặp riêng từng bên; yêu cầu mỗi bên trình bày ý kiến của mình về các vấn đề của vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; đề xuất phương án, giải pháp hòa giải, đối thoại.

Trường hợp một trong các bên có người đại diện, người phiên dịch thì hòa giải viên phải mời họ cùng tham gia hòa giải, đối thoại.

QĐND

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hành vi vi phạm các quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia bị xử phạt như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO