Xem thêm: Gửi con đi chữa bệnh, bất ngờ nhận về tro cốt: Đưa vật mẫu đi giám định
Liên quan vụ gia đình ở Thừa Thiên - Huế chi 600 triệu đồng gửi con lên Lâm Đồng chữa bệnh chậm phát triển nhưng sau vài ngày đau đớn nhận lại "hũ tro cốt", phóng viên tìm đến số nhà 54/39 đường Phan Chu Trinh thuộc tổ dân phố 4B (phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) để tìm hiểu thông tin liên quan đến sự việc cũng như ông L.M.Q.
Thường xuyên vắng nhà, không đăng ký tạm trú
Theo tìm hiểu của PV VTC News, ông L.M.Q (SN 1977, nguyên quán ở TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nhưng lên Lâm Đồng sinh sống, làm ăn nhiều năm nay. Ông này từng tốt nghiệp ngành Tâm lý giáo dục ở Đại học Sư phạm - Đại học Huế.
Lãnh đạo phường Lộc Tiến (TP Bảo Lộc) cho hay, căn nhà số 54/39 có chủ sở hữu là bà N.T.B. Bà B. cho ông L.M.Q thuê từ đầu tháng Giêng năm 2022.
Trong thời gian ông Q. thuê, Công an phường Lộc Tiến đã 2 lần đến gặp ông Q. để yêu cầu thực hiện các quy định đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông Q. thường xuyên vắng nhà nên chưa thực hiện.
Tại căn nhà ông Q thuê ở không có các hồ sơ, thủ tục đăng ký khám chữa bệnh và không hề gắn bảng hiệu liên quan. Đến đầu tháng 6 vừa qua, ông Quang đã trả nhà, chuyển đi đâu không rõ. Hiện, căn nhà này được một gia đình khác thuê lại ở.
Người dân tại khu này chỉ biết người đàn ông thuê nhà tên Q và bị tật 2 chân (đi khập khiễng). Thời điểm đầu, người đàn ông này ở cùng với một người phụ nữ khoảng 40 tuổi và 1 bé trai (5 - 6 tuổi) đều không rõ lai lịch.
Cả 3 người thường xuyên rời nhà từ sáng sớm, đến tối mới trở về nên không thân thiết, nói chuyện với bất kỳ ai. Sau khoảng 1 tháng thì người phụ nữ và bé trai nói tên không còn lui tới căn nhà ông Q đang thuê ở nữa.
Sau đó, 1 người phụ nữ đang mang thai đến ở cùng ông Q và nói là vợ ông này. Trong quá trình ông Q ở cùng người phụ nữ mang thai, 3-4 đứa trẻ đến ở cùng trong thời gian khoảng 1 tuần rồi đi.
Cũng theo người địa phương, do việc sống khép kín, không tiếp xúc với những người dân xung quanh, lại thường xuyên đi sớm về khuya nên bà con không quan tâm, tìm hiểu việc ông này làm gì.
Những gì xảy ra bên trong căn nhà người đàn ông này thuê ở, người dân cũng không hề hay biết. Tại căn nhà này, thường xuyên đóng cửa nên người dân địa phương cũng không phát hiện những vấn đề bất thường liên quan đến việc có người tử vong…
Trả lời PV VTC News trưa 12/9, đại diện Sở LĐTB&XH tỉnh Lâm Đồng khẳng định, đơn vị rà soát và không có cơ sở nuôi dạy trẻ chậm phát triển, khuyết tật địa chỉ tại 54/39 đường Phan Châu Trinh (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng).
Qua rà soát, tỉnh Lâm Đồng không có người tên L.M.Q. (SN 1977, trú 11 đường Nguyễn Bính, phường Xuân Phú, TP Huế, tỉnh Thừa thiên - Huế, hiện sinh sống tại Lâm Đồng) liên quan cơ sở nuôi dạy trẻ chậm phát triển, khuyết tật được cấp phép.
Theo đại diện Sở LĐTB&XH tỉnh Lâm Đồng, đơn vị này chỉ cấp phép cho 2 cơ sở tại Bảo Lộc thực hiện nuôi dạy trẻ khuyết tật, chậm phát triển, chất độc màu da cam và không có cơ sở nào có địa chỉ nêu trên.
Khôi phục giải quyết tin báo tội phạm
Chiều12/9, Đại tá Đinh Xuân Huy - Phó giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cũng cung cấp cho báo chí một số thông tin liên quan đến sự việc nêu trên. Theo ông Huy, trước đó đơn vị quyết định tạm đình chỉ giải quyết tin báo tố giác tội phạm liên quan đến vụ ông N.H.N. tố giác ông L.M.Q. có hành vi xâm phạm con ông, dẫn đến tử vong. Quyết định nêu rõ yêu cầu gia đình cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng nhưng gia đình chưa cung cấp.
Sở dĩ có chuyện tạm đình chỉ tố giác tin báo và kiến nghị khởi tố về tội phạm là phải thực hiện theo thủ tục tố tụng (có quy định thời hạn). Tuy nhiên, công an vẫn tiếp tục các hoạt động điều tra liên quan và khi có kết quả giám định sẽ phục hồi điều tra ngay.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Công an tỉnh Lâm Đồng, hiện cơ quan chức năng khôi phục việc giải quyết tin báo tố giác và khẳng định, đang điều tra theo trình tự và rất sốt ruột về vụ việc này.
Đại tá Đinh Xuân Huy cho biết thêm, ngày 9/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng nhận được mẫu tro cốt cùng mẫu tóc của người mẹ từ gia đình để giám định pháp y.
Theo Công an tỉnh Lâm Đồng, từ khi nhận được hồ sơ từ Công an TP Huế, đơn vị làm việc với các bên liên quan. Quá trình làm việc với ông L.M.Q. và bà T. (người phụ nữ đi cùng), hai người này lúc thì khai đốt xác cháu bé ở Đắk Lắk, lúc thì nói ở huyện Đam Rông (Lâm Đồng).
Khi cơ quan điều tra yêu cầu đưa đến các địa điểm trên để xác minh, ông Q. đưa ra giấy tờ bị ốm, sức khỏe yếu chưa đi được. Chưa kể, trong quá trình điều tra, ông N.H.N. có đơn xin rút lại tố cáo, sau đó đến ngày 3/8 gửi đơn tố cáo trở lại. Trong quá trình mời làm việc, ông N. cũng trình bày lý do đau ốm, xin vào chậm.
"Vụ việc này Công an Lâm Đồng vẫn đang làm liên tục, đến khi nào có kết luận cuối cùng mới có căn cứ khởi tố hay không khởi tố thì mới xong", Đại tá Huy cho biết.
Ngày 3/3, gia đình anh N.H.N (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) giao con trai cho ông L.M.Q chữa trị bệnh chậm phát triển với mức giá là 200 triệu đồng/năm và ứng trước 600 triệu đồng.
Vài ngày sau, ông Q. thông báo cho vợ chồng anh N. là cháu bé bị mắc COVID-19, đang phải điều trị. Tiếp đó, ông thông báo cháu bé đã khoẻ lại, gia đình chuẩn bị gửi quần áo mới lên vì con lên cân, cần trang phục cỡ lớn hơn.
Thế nhưng, khoảng 11h ngày 27/3/2022, vợ chồng ông L.M.Q. ra Huế giao cho vợ chồng anh N. hũ tro cốt, nói là của con trai.