Hành trình từ ‘sang chảnh’ đến cảnh phá sản của Parkson Việt Nam, ‘cái chết được dự báo trước’

29/04/2023 10:17
Đọc bài báo này

Cung cấp bởi  

Logo vbee Image
0:00

Sau thời gian dài thua lỗ, Tập đoàn Parkson sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam sau 18 năm hoạt động vì không còn khả thi về mặt thương mại.

Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Parkson có mặt tại Việt Nam từ năm 2005, với vốn điều lệ 165,44 tỷ đồng, chủ sở hữu của công ty này là Parkson Corporation SDN. BHD (Malaysia).

Trong thời gian ngắn, Parkson Việt Nam đã phát triển thành một trong những chuỗi trung tâm bán lẻ có quy mô lớn nhất cả nước, đáp ứng nhu cầu mua sắm, làm đẹp với định vị cao cấp tại TP HCM và Hà Nội.

td-parkson.png
Parkson Việt Nam tuyên bố phá sản sau 18 năm.

Tháng 6/2005, chuỗi này mở trung tâm thương mại (TTTM) đầu tiên tại TP HCM với tên Parkson Saigon Tourist Plaza với kết quả tích cực. Đến năm 2008, Parkson có 4 TTTM tại Việt Nam.

Đến năm 2012, Parkson Việt Nam có 8 trung tâm thương mại (TTTM) bao gồm 5 TTTM sở hữu là Hùng Vương, Flemington, Long Biên, Viet Tower, Landmark và 3 TTTM thuê lại để quản lý là Saigon Tourist, Paragon và C.T. Ngoài ra, Parkson còn có một TTTM tại Hải Phòng với giá 24,15 triệu USD.

Năm 2013, Parkson Việt Nam công bố sẽ tiếp nhận 2 trung tâm thương mại nữa tại TP HCM dưới dạng hợp đồng quản lý là Parkson Cantavil (Quận 2) và Parkson Leman (nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3).

Thời điểm này, CEO Parkson Việt Nam, Tham Tuck Choy khi trả lời phỏng vấn truyền thông vẫn nhận định tự tin rằng Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng trong tương lai và vẫn tiếp tục đổ tiền đầu tư.

Tuy nhiên sang đến năm 2014, Parkson Việt Nam ghi nhận tăng trưởng âm 5% với doanh thu trên cửa hàng, mọi thứ đã thay đổi khi là năm đầu tiên kể từ khi gia nhập thị trường Việt Nam, Parkson không mở rộng thêm trung tâm thương mại. Cũng năm này, tập đoàn quyết định đóng cửa Parkson Landmark 72 tại Hà Nội vốn đã thu lỗ từ khi khai trương, ghi nhận mức lỗ 171 triệu RM (khoảng 900 tỷ đồng) do chấm dứt sớm hợp đồng thuê.

parkson.png
Số liệu kinh doanh của Parkson tại thị trường Việt Nam (Nguồn: Báo cáo thường niên Tập đoàn Parkson).

Năm 2015, Parkson Việt Nam quyết định dừng hoạt động trung tâm thương mại tại Keangnam (đường Phạm Hùng, Mễ Trì, Hà Nội) do thua lỗ.

Tháng 5 năm 2016, đến lượt trung tâm thương mại Parkson Paragon (TP HCM) chính thức đóng cửa để di dời sau 5 năm hoạt động. Tháng 12 cùng năm này, thêm một TTTM dừng hoạt động là Parkson Viet Tower (Hà Nội) dừng hoạt động.

Ngày 29/01/2018, TTTM Parkson Flemington tại 184 Lê Đại Hành, phường 15, Quận 11, TP.HCM chính thức ngưng hoạt động kinh doanh sau 8 năm hoạt động.

Với 4 TTTM đóng cửa từ 2015 đến 2018, Parkson Việt Nam đã cho thấy dấu hiệu đuối sức trong cuộc chạy đua giành thị phần bán lẻ khi mà ngày càng có nhiều đối thủ "ngoại" và những đối thủ "nội" trong nước mạnh lên.

Theo nhiều nhà quan sát nhận định, thời điểm Parkson Việt Nam mới ra đời, họ chỉ cạnh tranh với Diamond mà khi đó Diamond còn rất nhỏ và Parkson được xem là duy nhất. Nhưng 10 năm sau, nhiều TTTM lớn, hiện đại, quy mô ra đời khiến Parkson dần trở nên lạc hậu.

Việc chậm đổi mới đã khiến khách hàng dần quay lưng với Parkson Việt Nam, doanh thu tụt giảm nghiêm trọng và tình trạng thua lỗ kéo dài trong những năm qua.

Vốn đã kinh doanh khó khăn, thêm tác động của dịch bệnh Covid trong 2 năm 2020-2021 giống như cú đấm hạ gục Parkson Việt Nam. Doanh thu của chuỗi này liên tục sụt giảm chỉ còn 34 triệu RM (khoảng 179 tỷ đồng) năm 2020.

Điểm sáng của năm 2020 là sự xuất hiện của Uniqlo, Muji sau khi Parkson Saigon Tourist Plaza được trùng tu lại, trở thành điểm đến ưa thích mới của giới trẻ TP HCM. Năm nay lần đầu tiên thị trường Việt Nam ghi nhận lãi sau thời gian dài thua lỗ.

Cũng năm 2020, công ty mẹ của Parkson Việt Nam đã đồng ý bán trung tâm thương mại Parkson TD Plaza tại Hải Phòng cho Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Thùy Dương với giá 10 triệu USD. Công ty TNHH Parkson Hải Phòng cũng giải thể. Đến trước giờ Parkson Việt Nam tiến hành nộp đơn phá sản tự nguyện, chuỗi bán lẻ đình đám một thời chỉ còn duy nhất TTTM tại Việt Nam là Parkson Saigon Tourist Plaza.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hành trình từ ‘sang chảnh’ đến cảnh phá sản của Parkson Việt Nam, ‘cái chết được dự báo trước’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO