Hành trình trở thành giáo sư tại Mỹ của chàng trai xứ Nghệ

27/11/2023 08:26

Từng tiếc nuối vì chưa chạm tay tới tấm huy chương quốc tế, thêm vài lần “vấp váp” khi học tập tại ĐH Bách khoa, nhưng Nguyễn Trung Quân vẫn không ngừng theo đuổi sự say mê với ngành robot và trở thành giáo sư sau 5 năm tới Mỹ.

Nguyễn Trung Quân (sinh năm 1989) hiện là giáo sư giảng dạy về Robotics tại Đại học Nam California, Mỹ. Nam giảng viên quê Nghệ An phải vượt qua sự cạnh tranh khốc liệt giữa rất nhiều ứng viên để được chọn cho vị trí này vào năm 2019. Trước đó, đây từng là ngôi trường từ chối khi anh nộp hồ sơ xin học bổng tiến sĩ.

“Điều này như một cơ duyên nhưng cũng là kết quả của một hành trình dài. Tôi cảm thấy hài lòng về những gì mình đã làm được”, anh nói.

Con đường tới Mỹ của nam sinh Bách khoa

Trung Quân có niềm đam mê với robot từ khi còn rất nhỏ. Vì thế, anh mê mẩn với việc lắp ráp hoặc tự làm những con robot từ các vật liệu trong nhà. Nhận thấy môn Vật lý có nhiều điều gần với những thứ mình thích, anh lao vào học bằng sự say mê.

Thời điểm học tại lớp chuyên Lý của Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), Quân là học sinh lọt tốp đầu đội tuyển và từng là niềm kỳ vọng của thầy chủ nhiệm. Năm lớp 11, anh đi thi và giành giải ba học sinh giỏi quốc gia. Quân nói, đây cũng là động lực để bản thân đặt hy vọng và quyết tâm sẽ bứt phá vào năm sau.

Thế nhưng tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm lớp 12, nam sinh vẫn tiếp tục giành giải ba. Điều này khiến Quân bỏ lỡ cơ hội bước vào vòng chọn đội tuyển đi thi quốc tế.

Sau cú vấp này, được gia đình và thầy cô động viên, một thời gian sau Quân mới thoát khỏi cảm giác buồn bã, tiếc nuối. “Đó là khó khăn đầu tiên và cũng là bài học lớn khiến tôi thêm trưởng thành. Sau đó, tôi dần lấy lại niềm tin, thêm động lực phấn đấu để tiếp tục theo đuổi đam mê của mình”, anh nhớ lại.

Cũng vì yêu thích lĩnh vực Robotics, khi được tuyển thẳng vào đại học, dù gia đình động viên con nên lựa chọn Ngoại thương vì “đó là xu hướng”, nhưng anh vẫn quyết tâm vào ngành Điều khiển Tự động hóa của ĐH Bách khoa Hà Nội, sau đó thi đỗ hệ Kỹ sư tài năng.

adgdgdf-1135.jpg
Anh Quân và gia đình nhỏ

Quãng thời gian học tại ĐH Bách khoa Hà Nội, Quân nói “điểm số không phải thế mạnh của mình”. Thậm chí, anh cũng đôi lần “vấp váp” ở một số môn.

Không đặt nặng vấn đề điểm số, nhưng cảm giác rất hứng thú khi đọc về những điều mình thích và mong muốn phải làm điều gì đó đã thôi thúc anh thử bắt tay vào nghiên cứu. Kể từ năm thứ 4, Quân bắt đầu say sưa tìm đọc các tài liệu trong nước và quốc tế liên quan đến robot. Thời điểm này, anh vẫn chưa có ý định đi du học.

“Tôi đơn giản chỉ muốn xem thế giới đang làm gì và mình có thể phát triển cái gì. Từ nhỏ, tôi đã mong muốn tạo ra những con robot có thể đi lại. Sau này khi học, tôi mới biết để làm ra được chúng cần phải có nền tảng lý thuyết. Vì thế, tôi cứ mày mò từng bước, tìm ra vấn đề và đề xuất với thầy”.

Trong khi nhiều sinh viên chỉ giao gì làm nấy, Quân luôn chủ động tìm hiểu vì cảm thấy thích và muốn đào sâu mà không cần ai thúc ép. Không ngờ sau 1 năm, Quân cho ra được kết quả nghiên cứu tốt. Bài báo này của anh sau đó được xuất bản trong hội nghị quốc tế về Điều khiển, Tự động hóa và Hệ thống.

Có cơ hội gặp các tiến sĩ, giáo sư trong cùng lĩnh vực tại hội nghị, như một cú huých, Quân bắt đầu nhen nhóm mong muốn được đi ra bên ngoài thế giới. Sau khi trở về tại Hàn Quốc, anh nghiên cứu để có cái nhìn tổng quan về các trường trong hệ thống Mỹ, đồng thời tìm hiểu về quá trình nộp hồ sơ tiến sĩ.

Bên cạnh đó, anh cũng liệt kê danh sách những ngôi trường tiên phong trong lĩnh vực Robotics mà mình muốn theo đuổi như Đại học Carnegie Mellon, Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học Nam California…

anhquan1-1171.jpg
Anh Quân và các sinh viên tại lab

Mặc dù bắt đầu muộn nhưng anh nói, quá trình “apply” tiến sĩ của mình diễn ra thuận lợi nhờ vào sự chủ động và có một niềm đam mê xuyên suốt. Bên cạnh đó, tính phù hợp với vị trí cũng rất quan trọng.

“Tôi may mắn gặp được một người thầy tốt và có hướng đi phù hợp với thầy. Trước khi nộp vào Đại học Carnegie Mellon, tôi đã liên hệ và được thầy chấp thuận cho làm thử tại lab”.

Sau 2-3 tuần, chàng trai người Việt khiến vị giáo sư ấn tượng vì sự chăm chỉ, chỉn chu và tư duy phù hợp với hướng nghiên cứu, do đó thầy cam kết sẽ nhận anh vào lab.

Khi nghĩ mọi thứ đã xong xuôi, Quân lại gặp vướng mắc về hồ sơ khi điểm IELTS chưa đạt yêu cầu. Trường cho anh 2 tuần để nộp lại chứng chỉ, nâng điểm từ 6.5 lên 7.0 và không có kỹ năng nào dưới 6.5.

“Điều này gần như không tưởng vì muốn lên “nửa chấm” cũng phải chật vật cả năm trời”, anh nói.

Nhưng khó khăn cũng là áp lực để chiến đấu, anh tập trung ôn luyện, mỗi tuần thi lại 1 lần, may mắn đến lần thứ 2 thì đạt yêu cầu. Nhờ vậy, anh được nhận vào làm nghiên cứu sinh tại Đại học Carnegie Mellon.

Trở thành giảng viên về Robotics

Chương trình tiến sĩ tại Mỹ kéo dài 5 năm nhưng anh Quân nói tại thời điểm ấy, mình có động lực rất lớn là gia đình nhỏ. “Do đó, tôi phải chạy thật nhanh để rút ngắn thời gian học tiến sĩ còn 3,5 năm”.

Thêm một điều may mắn, các hướng nghiên cứu của anh được giáo sư đồng thuận và hỗ trợ nên đều thực hiện thuận lợi. Đề tài tiến sĩ của chàng trai người Việt cũng được lựa chọn là nghiên cứu xuất sắc nhất được vinh danh trong buổi lễ tốt nghiệp.

“Ngay cả khi làm tiến sĩ, tôi vẫn không nghĩ sẽ có nhiều cơ hội đến với mình. Nhưng giống như những lần trước, khi làm và thấy bản thân có cơ hội, tôi lại tiếp tục nỗ lực để nắm bắt”.

Một trong số các bài báo của anh cũng được đánh giá tốt nhất tại hội nghị hàng đầu về Robotics. Với những kết quả ấy, năm 2018, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, anh được nhận vào vị trí Postdoc (sau tiến sĩ) tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Lần này, anh chọn vị giáo sư hướng dẫn là một người làm cùng ngành nhưng tập trung vào mảng thiết kế với mong muốn học hỏi thêm để mở rộng hướng nghiên cứu.

Trong thời gian này, các nghiên cứu của anh đều liên quan đến những con robot có chân, có thể vượt qua chướng ngại vật và các địa hình bất ngờ hoặc trong môi trường nguy hiểm như công trường, thám hiểm vũ trụ… Anh tập trung phát triển thuật toán để những con robot ấy khi đưa vào thực tiễn sẽ hoạt động nhuần nhuyễn, đáp ứng được các địa hình và điều kiện khác nhau.

Kết thúc giai đoạn này, anh sở hữu 14 bài báo công bố quốc tế và để lại “tiếng vang” trong lĩnh vực. Nhờ vậy một tháng sau, vượt qua sự cạnh tranh khốc liệt giữa rất nhiều ứng viên, anh được nhận làm giáo sư giảng dạy về Robotics tại Đại học Nam California.

“Các vị trí giáo sư tại Mỹ thường tuyển khá ít. Thậm chí với một số ngành, vài năm chỉ tuyển 1-2 người. Do đó, hầu hết hồ sơ nộp vào đều rất cạnh tranh”.

Từng lo ngại vì mình là người nước ngoài, anh Quân cho rằng không còn cách nào khác ngoài việc phải tự học, tập trung nâng cao kiến thức và năng lực của bản thân.

Hiện tại, khi đã có 4 năm giảng dạy tại đại học Mỹ, mỗi khi tiếp xúc với sinh viên, anh thường chia sẻ lại câu chuyện của chính mình. Anh cũng khuyên sinh viên cần phải tìm ra đam mê và có định hướng, mục tiêu rõ ràng.

“Những người có cá tính và định hướng từ sớm, họ sẽ theo một lĩnh vực rất mãnh liệt, có khó khăn gì cũng có thể vượt qua”.

Bên cạnh đó, anh cũng cho rằng sự chủ động là điều cần thiết. “Không phải chỉ thầy chọn mình mà mình cũng phải chủ động chọn thầy và đề xuất những gì mình muốn làm. Người thầy hướng dẫn của tôi trước đây cũng là một “big name” trong ngành Robotics. Tôi may mắn vì có thầy hướng dẫn, nhờ đó thuận lợi đi theo đúng con đường mà mình đam mê”.

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Hành trình trở thành giáo sư tại Mỹ của chàng trai xứ Nghệ
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO