Hành trình thắp sáng cuộc đời của cô gái khiếm thị

An Thanh| 21/09/2023 11:31

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Huế, Hồ Thị Kim Trang (sinh năm 2003) bị mù cả hai mắt sau cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u ác tính vì căn bệnh ung thư mắt. Dẫu vậy, bóng tối chưa bao giờ có cơ hội vùi lấp đam mê học hỏi của cô gái nhỏ.

Không đầu hàng số phận, Kim Trang đã vượt qua bóng tối bằng nghị lực và khao khát được học hỏi của mình. Mặc dù, phải học hoàn toàn bằng chữ nổi, nhưng 4 năm học cấp hai, Kim Trang liên tiếp đoạt giải tại cuộc thi “Viết thư quốc tế UPU” dành cho trẻ em. Không chỉ nhận được nhiều bằng khen và học bổng mà Kim Trang còn truyền cảm hứng, nghị lực sống cho nhiều người qua bài viết của mình trong group “Flex đến hơi thở cuối cùng”.

Xuất hiện tại quán cà phê với chiếc váy yếm đen, áo sơ mi trắng trang nhã, đi giày búp bê đen và chiếc kính râm che đi đôi mắt, Kim Trang thu hút ánh nhìn bởi sự tự tin và dễ thương của mình. Dù không thể nhìn thấy mọi thứ nhưng Kim Trang chưa bao giờ từ bỏ việc đi tìm ánh sáng bằng con chữ. Đặc biệt, cô gái khiếm thị còn nuôi ước mơ trở thành một nhà công tác xã hội để được đi nhiều nơi, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

360081519_1347158089550606_6202422115767365225_n(1).jpg
Kim Trng luôn cố gắng suy nghĩ mọi thứ theo chiều hướng tích cực, mọi biến cố, mọi khó khăn càng làm cô  có thêm động lực và quyết tâm để vươn lên mỗi ngày. (Ảnh: NVCC).

Nói về đôi mắt của mình, Kim Trang cho biết, gia đình phát hiện cô mắc căn bệnh ung thư mắt khi chỉ mới 2 tuổi. Dẫu cuộc phẫu thuật thành công cắt bỏ khối u ác tính nhưng Trang cũng mất đi thị lực cả hai con mắt. Trải qua những ngày tháng đen tối, cô gái nhỏ chưa bao giờ từ bỏ tinh thần lạc quan, luôn cố gắng hết mình để có cuộc sống tốt hơn. “Ban đầu có hơi khó khăn một chút nhưng giờ thì mình quen rồi. Mình suy nghĩ mọi thứ theo chiều hướng tích cực, mọi biến cố, mọi khó khăn càng làm mình có thêm động lực và quyết tâm để vươn lên mỗi ngày”, Kim Trang bộc bạch.

Hành trình theo con chữ, tìm tri thức

Vào lớp 1 năm 8 tuổi với đôi mắt không nhìn thấy gì, Kim Trang vẫn bộc lộ tố chất thông minh, ham học hỏi. Cô gái nhỏ được thầy cô yêu mến, luôn giành được danh hiệu học sinh khá, giỏi trong những năm học tiểu học. Thế nhưng chỉ vì lý do “Một người mù học để làm gì. Sau này cũng không giúp được cho ai” mà Kim Trang bị gia đình cho thôi học  năm 12 tuổi.

Suốt một năm nghỉ học, theo chân mẹ rong ruổi khắp các con đường ở thành phố Huế để bán vé số trang trải cuộc sống, Kim Trang luôn nuôi dưỡng ước mơ được đi học trở lại, được nghe giảng. Năm 13 tuổi, may mắn mỉm cười với Trang khi được dì thuyết phục bố mẹ cho đi học lại. Thế rồi, cô gái nhỏ cũng được trở lại trường học, vào lớp 5 với quyết tâm tiếp tục theo đuổi con chữ để có tương lai tốt đẹp hơn.

“Mình thích học, mình thích được đến trường. Bởi vì đã từng trải qua những ngày không được đi học, không được đến trường nên  mình hiểu được cảm giác cô đơn và trống vắng khi phải mưu sinh hay ở nhà một mình. Đến trường, mình được tiếp xúc với nhiều bạn bè, được học hỏi và được vui chơi, mình luôn muốn được hòa nhập với mọi người”, Kim Trang chia sẻ.

Vào cấp 2 năm 14 tuổi, Kim Trang là học sinh khiếm thị duy nhất của lớp. Trang phải tập làm quen với mọi thứ, từ con đường đến trường đến cách học, cách viết, cô gái nhỏ gặp phải không ít khó khăn.

“Khi bắt đầu vào một môi trường mới, mình phải làm quen lại từ đầu với tất cả mọi thứ. Bởi vì không có ai hỗ trợ trong việc đi lại hay chỉ dẫn, lưu ý các vị trí trong khuôn viên trường nên mình phải tự mày mò rồi ghi nhớ lại. Lúc đầu, đi đường chưa quen, mình hay vấp hoặc đụng vào gốc gây, vật dụng bên đường. Phải mất một thời gian, mình mới nhớ được đường đi, nhớ vị trí của cây cối và đồ vật một bên đường, mình thuộc rồi thì mới đỡ bị đụng hơn.

Mình không thể viết nhanh nên lúc viết bài phải nhờ đến anh chị tình nguyện viên đọc chậm cho mình chép. Hơi rắc rối vì mình không thể chủ động trong việc ghi chép bài vở”, Kim Trang kể về những khó khăn mà mình từng gặp phải trong những năm cấp hai.

Khó khăn là thế, nhưng vượt lên trên tất cả, Trang luôn duy trì học lực ở mức khá. Thật ấn tượng khi cô gái khiếm thị đã giành giải Quốc gia trong "Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 47 năm 2018 và được Hội Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh trao bằng khen. Năm 2020 và 2021, Trang tiếp tục có giải ở cuộc thi này. Tổng cộng, Trang có 3 giải Quốc gia, 2 giải nhất cấp tỉnh và 1 giải khuyến khích cấp tỉnh ở cuộc thi có quy mô toàn quốc này.

Niềm khát khao được học, được tìm tòi, được sống đúng với lứa tuổi của mình đã thành hiện thực khi Trang được tuyển thẳng vào Trường THPT Hai Bà Trưng ở TP.Huế, cũng là học sinh khiếm thị duy nhất của cả khối 10 vào trường khi đó. Tại đây, Trang tiếp tục phát huy năng lực của mình và gặt hái nhiều thành công. 

z4706921124963_265934c0406713cfdd09b0dc11058e44(1).jpg
Kim Trang đã phải vượt qua nhiều rào cản về kinh tế, văn hóa, xã hội và chính bản thân mình để theo đuổi ước mơ của mình. Phải tự rèn luyện bản thân để không bị tự ti, mất tự tin và bỏ cuộc. (Ảnh: NVCC).

“Khiếm thị chỉ là sự bất tiện, chứ không phải bất hạnh”

Trước những thành công của Trang, nhiều người không khỏi ngưỡng mộ và khen ngợi. Nhưng ít ai biết rằng, sau những vinh quang ấy là những nỗ lực không ngừng nghỉ và những đấu tranh không hề dễ dàng của cô gái nhỏ. Kim Trang đã phải vượt qua nhiều rào cản về kinh tế, văn hóa, xã hội và chính bản thân mình để theo đuổi ước mơ của mình. Phải tự rèn luyện bản thân để không bị tự ti, mất tự tin và bỏ cuộc.

Dành hầu hết thời gian trên chiếc bàn học để làm quen với chữ nổi, học cách sử dụng các công cụ hỗ trợ cho người khiếm thị như máy tính, điện thoại, sách nói… để học tập và giao tiếp. Và cô đã phải luôn kiên trì, lạc quan và yêu cuộc sống để vượt qua mọi khó khăn

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, trải qua những ngày tháng mưu sinh vất vả, cả gia đình phụ thuộc vào chiếc xe bán cháo của mẹ, Kim Trang luôn thôi thúc bản thân phải cố gắng hơn mỗi ngày để thay đổi tương lai. Trang hiểu rõ, với người khiếm thị, chỉ có học mới có thể giúp tương lai tươi sáng hơn. “Với mình, tri thức giống như ánh sáng và sự học là cánh cửa mở rộng giới hạn của bản thân, giúp mình khám phá ra con đường được trải dài dưới ánh sáng. Không chỉ mở rộng tầm nhìn, nâng cao khả năng và kỹ năng, mà còn giúp mình tự tin, tự lập, hòa nhập với xã hội”, Kim Trang bày tỏ.

Là người lạc quan, nhưng những lúc yếu lòng, Kim Trang không khỏi cảm thấy lạc lõng, chông chênh, muốn buông bỏ mọi thứ vì chi phí trang trải cho việc học đã khó,  bên cạnh đó, ngôi trường cấp III Trang vào học cách nơi Trang đang tá túc khi xa nhà đi học tại Trung tâm giáo dục hướng nghiệp trẻ em mù (thuộc Hội người mù Tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng khá xa, chi phí đi lại cũng trở thành một chướng ngại vật lớn trên con đường của Trang.

“Mỗi ngày mất khoảng 40.000 đến 50.000 tiền đi Grab, đi xe ôm. Hôm nào mà gặp người quen thì mất 30.000. Có lần mình bất lực khi nghĩ đến tiền đâu để đi lại hằng ngày”, Kim Trang bùi ngùi.

Song, buồn nhưng không phó mặc cuộc sống, Trang nỗ lực nhận học bổng để có thêm tiền di chuyển. Đồng thời, cô gái nhỏ cũng dành dụm để gửi về cho mẹ trang trải cuộc sống.

Với Kim Trang, không nhìn thấy ánh sáng sẽ gặp nhiều khó khăn và bất tiện. Nhưng chưa bao giờ cô gái nhỏ xem đây là bất hạnh. Được sống, được học tập, theo đuổi ước mơ là niềm hạnh phúc của Trang. “Mình rất thích một câu nói, đó là “Khiếm thị chỉ là sự bất tiện, chứ không phải bất hạnh”. Ai cũng sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống, mình không thể nhìn thấy nên sẽ khó khăn hơn một chút nhưng cuộc sống luôn cho mình cơ hội để vươn lên. Đó là lý do mình luôn cố gắng để không bỏ qua bất kì cơ hội nào để trở thành một phiên bản mình tốt hơn ngày hôm qua”, cô gái luôn mạnh mẽ và đầy nghị lực khi nói về cuộc sống của chính mình.

Sắp tới, Kim Trang sẽ cố gắng để vào được trường Đại học mình mong muốn để tiếp tục theo đuổi đam mê của mình. Bóng tối có thể bao phủ lấy tầm nhìn của cô gái nhỏ nhưng chưa bao giờ che lấp ước mơ và niềm tin vào cuộc sống của Kim Trang.

.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hành trình thắp sáng cuộc đời của cô gái khiếm thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO