Trong các thập kỷ qua, Big 4 mua lại hàng trăm công ty lớn nhỏ, giúp họ đạt tham vọng trở thành những “ông kẹ” của thế giới. Lộ trình của họ rất giống nhau: thống trị lĩnh vực kinh doanh ban đầu rồi vươn sang các mảng khác, thâu tóm đối thủ bất kể lớn nhỏ. Nhiều thương vụ nổi tiếng, thu hút sự chú ý nhưng phần lớn xoay quanh các startup nhỏ bé, sở hữu bằng sáng chế giá trị hoặc kỹ sư tài năng.
Khi quyền lực Big 4 ngày một lớn, giới phê bình chỉ trích các hãng dùng sức mạnh độc quyền để làm suy yếu đối thủ. Họ cho rằng những vụ thâu tóm không chỉ nhằm đổi mới mà còn muốn kiểm soát thị trường. Nó nằm trong chiến lược “sao chép, mua lại và tiêu diệt” cạnh tranh.
Thượng Nghị sỹ David N. Cicilline, người phải xem xét hơn 1 triệu tài liệu để phục vụ điều tra chống độc quyền Big Tech, nhận xét: “Những kẻ độc quyền này đã khai thác điểm yếu của luật pháp hiện hành để duy trì và mở rộng vị thế thị trường bằng cách mua lại hoặc chôn vùi những ai họ cho là nguy cơ”.
Xuất phát là một cửa hàng sách trực tuyến, Amazon nhanh chóng lớn mạnh và trở thành cửa tiệm “gì cũng có”. Tuy nhiên, công ty của Jeff Bezos đã vượt khỏi gốc rễ thương mại điện tử, một phần nhờ M&A.
Jeff Bezos thành lập Amazon để bán sách qua mạng. Hầu hết các vụ M&A ban đầu đều tập trung vào lĩnh vực mà hãng nổi tiếng nhất, đó là bán hàng trực tuyến. Amazon trung thành với con đường này cho đến năm 2010 và thống lĩnh thị trường thương mại điện tử.
Đến năm 2012, họ bắt đầu mua một loạt startup điện toán đám mây để mở rộng mảng lưu trữ dữ liệu trên mạng. Ngày nay, hơn một nửa trong 10.000 website hàng đầu thế giới dùng dịch vụ lưu trữ của Amazon, theo BuiltWith. Công ty tiếp tục đầu tư vào điện toán đám mây khi thâu tóm thêm 13 doanh nghiệp từ năm 2012 tới 2020. Hiện tại, mảng đóng góp 59% thu nhập ròng cho Amazon.
Vụ thâu tóm Whole Foods Market diễn ra năm 2017, đánh dấu tham vọng bán lẻ của gã khổng lồ thương mại điện tử. Năm 2018, chỉ trong vài tháng, Amazon mua công ty sản xuất chuông cửa video Ring và công ty an ninh gia đình Blink, củng cố sự hiện diện vật lý trong ngôi nhà của mọi người. Năm tiếp theo, hãng mua lại Eero, nhà sản xuất bộ định tuyến Wi-Fi gia đình.
Có thể nói, chưa có lĩnh vực nào trong ngành công nghệ vắng bóng dấu chân của Amazon. Trong một hồ sơ nộp lên ủy ban chứng khoán, Amazon viết: “Chúng tôi muốn là công ty tập trung vào người dùng nhất trên Trái đất”.
Apple: Từ phần cứng tới phần mềm
Apple là công ty “già” nhất trong Big 4 và có lịch sử thâu tóm chia làm hai giai đoạn: trước và sau iPhone. Công ty dùng M&A để đẩy mạnh mảng dịch vụ, cỗ máy kiếm tiền mới.
Thành lập năm 1976 song đến năm 1988, Apple mới thực hiện vụ thâu tóm đầu tiên, khi mua một lúc 4 công ty phần mềm. Năm 1997, “táo khuyết” mua NeXT Computers, đưa nhà sáng lập Steve Jobs quay lại công ty. Phần mềm của NeXT là nền tảng cho MacOS ngày nay. Năm 2000, hãng đưa dịch vụ âm nhạc SoundJam MP về chung một mái nhà, tiền thân của iTunes sau này.
Năm 2007, Apple giới thiệu iPhone, tạo ra cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp smartphone. Một năm sau, App Store ra đời, khởi động nền kinh tế ứng dụng hàng tỷ USD. Doanh thu công ty bùng nổ trong những năm sau và thâu tóm dồn dập từ cuối năm 2009.
Tháng 4/2010, Apple mua hệ thống nhận diện giọng nói Siri do Bộ Quốc phòng Mỹ phát triển. Năm 2013, công ty thực hiện tới 15 vụ thâu tóm. Từ đó đến năm 2020, nhà sản xuất iPhone “bỏ túi” thêm 14 hãng trí tuệ nhân tạo, nhận diện gương mặt, trợ lý ảo, xử lý ngôn ngữ và máy học. 2014 là năm diễn ra phi vụ đắt giá nhất lịch sử Apple: mua Beats Electronics với giá 3 tỷ USD, dẫn tới sự xuất hiện của Apple Music một năm sau. Cùng năm này, Apple công bố Apple Watch với các tính năng theo dõi sức khỏe. Từ năm 2016 đến 2018, công ty mua thêm 3 doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế.
Trong một cuộc phỏng vấn, CEO Tim Cook không hề giấu giếm tốc độ mua sắm chóng mặt của hãng. Ông cho biết Apple mua 25 công ty chỉ trong 6 tháng. Có lẽ, danh mục “đi chợ” của hãng không dừng lại ở đây, đặc biệt khi đang đi sau đối thủ Amazon, Google về phần mềm tự động.
Alphabet: Từ công cụ tìm kiếm tới bá chủ Internet
So với Apple, Alphabet (công ty mẹ Google) còn rất trẻ. Song, con đường trở thành ông lớn của họ cũng không thiếu các vụ thâu tóm đình đám. Gần như mọi sản phẩm, từ Google Docs tới Google Earth, đều liên quan đến ít nhất một vụ M&A.
Larry Page và Sergey Brin thành lập Google năm 1998. Chỉ trong vài năm, Google đã mua một số công ty như Deja News và Outride. Năm 2005, sau khi IPO thành công, công ty mua lại Android, một startup nhỏ bé chuyên phát triển phần mềm di động với giá 50 triệu USD. Đây là một trong các thương vụ quan trọng nhất của Google, củng cố quyền lực cho họ khi Internet bước từ màn hình máy tính sang smartphone.
Khi nhảy vào thị trường ứng dụng văn phòng để cạnh tranh với Microsoft, Google không xây từ số không mà mua lại những startup đang hoạt động như Writerly (sau này là Google Docs), Tonic Systems (sau này là Google Slides).
Google thâu tóm YouTube với giá 1,6 tỷ USD vào năm 2006. Ngày nay, YouTube là đế chế giải trí hàng đầu trên mạng. Từ giữa những năm 2000, công ty hướng đến công nghệ hình thành xương sống cho quảng cáo trực tuyến. DoubleClick mang đến cho Google mạng lưới đặt quảng cáo trên hàng trăm ngàn website, mở rộng tầm với ngoài các trang tìm kiếm.
Một phần quan trọng trong chiến lược thâu tóm của Google xoay quanh bằng sáng chế. Vụ M&A lớn nhất liên quan đến Motorola Mobility với giá 12,5 tỷ USD, cho phép Google sở hữu kho bằng sáng chế khổng lồ để bảo vệ các đối tác sản xuất Android khỏi những vụ kiện tụng của Apple, Microsoft.
Google bắt đầu mua lại doanh nghiệp AI từ năm 2007 với Neven Vision, startup nhận diện hình ảnh. Họ đã mua ít nhất 30 công ty AI từ thời điểm đó, đưa những chuyên gia AI giỏi nhất về dưới trướng của mình.
Facebook: Kẻ thống trị cuộc chơi mạng xã hội
Facebook không mua nhiều mà chú trọng chất lượng. Thương vụ đầu tiên rất đơn giản. Để chuyển tiên miền thefacebook.com sang facebook.com, công ty mua lại AboutFace, sở hữu tên miền.
Facebook thâu tóm Friendster để có được bằng sáng chế mạng xã hội, đảm bảo không ai kiện được họ về sau. Nhiều thương vụ sau này đều giúp Facebook củng cố chỗ đứng trên thị trường mạng xã hội. Năm 2012, công ty thực hiện vụ M&A bước ngoặt: mua lại Instagram với giá 1 tỷ USD.
Facebook kiếm tiền qua quảng cáo và dùng lợi nhuận để mở rộng hệ sinh thái quảng cáo của mình. Hai vụ mua sắm công nghệ quảng cáo lớn là Atlas năm 2013 và LiveRail năm 2014 giúp Facebook thâm nhập sâu ngành công nghiệp này.
Năm 2014, Facebook gây sốc khi tuyên bố thôn tính WhatsApp với giá 19 tỷ USD. Không hiếm người nghĩ đây là một vụ “hớ”. Cũng trong năm này, Facebook tiếp tục chi 2 tỷ USD để mua Oculus với tham vọng biến thực tế ảo thành công nghệ phổ biến.
Dù đối mặt với các cuộc điều tra chống độc quyền ngày một nhiều, Facebook vẫn không dừng lại ở đây. Công ty mua lại Kustomer, một nhà phát triển phần mềm giúp doanh nghiệp kết nối với khách hàng qua mạng xã hội. Nó cho thấy mong muốn sử dụng sức mạnh nhắn tin và cộng đồng để giao dịch thương mại trong tương lai.
Theo các email mà Hạ viện Mỹ có được, một lãnh đạo Facebook cho biết công ty sẽ dành từ 10% đến 15% giá trị thị trường mỗi vài năm để củng cố vị trí thông qua thâu tóm. Mới đây, Facebook đổi tên thành Meta, lấy cảm hứng từ “metaverse” (vũ trụ ảo). Như vậy, Meta sở hữu 4 trong số 5 mạng xã hội và nền tảng nhắn tin lớn nhất thế giới: Facebook, Instagram, Messenger và WhatsApp.
Du Lam