Hành trình hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo''

Hồng Anh| 27/01/2023 14:30

Bộ VH,TT&DL đã đàm phán thành công với hãng đấu giá Millon để chuyển giao ấn vàng "Hoàng đế chi bảo". Đây là sự kiện văn hóa nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của dư luận năm 2022.

Chiếc ấn quan trọng nhất của triều Nguyễn

Trong thông báo đầu tiên, hãng Million của Pháp cho biết ấn vàng triều Nguyễn sẽ lên sàn đấu giá vào ngày 31/10/2022 với giá khởi điểm từ 2-3 triệu Euro (48,1 tỷ đồng đến 72,2 tỷ đồng). Đây là kim ấn triều Nguyễn được làm bằng vàng quý hiếm, đúc năm 1823 triều Minh Mạng. Cổ vật cao 10,4cm, mặt ấn hình vuông (13,8cm x 13,7cm), nặng 10,78kg.

Quai ấn đúc hình con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng. Trán rồng có khắc chữ, vây lưng và đuôi rồng dựng đứng. Bốn chân rồng đúc hiển thị rõ năm móng. Phần mặt dưới khắc nổi 4 chữ triện "Hoàng đế chi bảo" (tạm dịch: Báu vật của Hoàng đế).

Hành trình hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo - 1

Ấn "Hoàng đế chi bảo" được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn như lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, sắc thư ban cho nước ngoài. (Ảnh: Million).

Bộ VH,TT&DL sau đó đã phối hợp với nhiều bộ ban ngành và các cơ quan lên kế hoạch hồi hương ấn cổ thông qua con đường ngoại giao văn hóa. Phái đoàn Việt Nam đã thông qua mọi kênh, trong đó có trao đổi thư, công hàm chính thức, tiếp xúc, gặp gỡ với cố vấn đối ngoại của tổng thống Pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Pháp, lãnh đạo UNESCO và các bộ phận chuyên ngành liên quan, đề nghị can thiệp, ngừng việc đấu giá.

Trước sự quan tâm của Việt Nam, hãng Millon đã hai lần phải dời lịch đấu giá ấn vàng. Hãng này sau khi làm việc với đoàn công tác liên ngành của nước ta đã đi đến thống nhất chuyển giao ấn "trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu giữa hai bên và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp".

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, chiếc ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" có hai hệ thống giá trị. Thứ nhất, ấn làm bằng vàng ròng, vật liệu hiện kim đã quý nhưng quan trọng hơn chiếc ấn đó là biểu trưng cho một Nhà nước, một thể chế, một triều đại trong quá khứ của Việt Nam.

Nhà Nguyễn có nhiều ấn khác nhau, nhưng ấn vàng thời vua Minh Mạng là thời đã bắt đầu ổn định đất nước, hoàn thiện thể chế và lãnh thổ quốc gia, nên chiếc ấn này rất có giá trị về mặt lịch sử.

Hành trình hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo - 2

Đây được xem là ấn vàng lớn, đẹp, quý và quan trọng nhất của vương triều Nguyễn.

Thứ hai, chiếc ấn này là bằng chứng cho một thời điểm lịch sử. Ngày 30/8/1945, khi các đại biểu của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào Huế để làm lễ cho Vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị, thì vua Bảo Đại đã lấy một chiếc ấn và một thanh kiếm trao lại cho nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việc trao ấn kiếm thể hiện quyền lực được giao cho một chính thể mới. Cho nên, việc thu hồi là cần thiết cả về mặt Nhà nước cũng như nguyện vọng của người dân.

Hồi hương cổ vật bằng cách nào?

Từ sự kiện hồi hương ấn cổ "Hoàng đế chi bảo", nhiều chuyên gia cho rằng, cần xây dựng chính sách hồi hương cổ vật. Tiến sĩ (TS) Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia - một trong những thành viên tham gia đoàn công tác đến Pháp đàm phán cho biết, đây không phải lần đầu tiên cổ vật của Việt Nam được đưa ra đấu giá tại nước ngoài. Trước đó mũ quan triều Nguyễn, áo Nhật Bình, xe kéo tay và long sàng của vua Thành Thái… cũng đã được đưa ra đấu giá ở Pháp, Tây Ban Nha.

Theo vị tiến sĩ này, tình trạng "chảy máu" cổ vật xảy ra từ hàng chục năm trước đây vì nhiều nguyên nhân như chiến tranh, nghèo khó, loạn lạc. Song hiện nay, để mang được một cổ vật về nước thì cần rất nhiều công sức và tiền của.

Để có thể đưa được ngày càng nhiều cổ vật hồi hương, theo ông Quân, cần có chiến lược về giáo dục, về nhận thức, về con người và tài chính. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện xã hội hóa đối công tác sưu tầm cổ vật và đem lại hiệu quả rất tốt. Các nước ở gần Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều có những chiến lược hồi hương các di sản văn hóa.

Hành trình hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo - 3

TS Phạm Quốc Quân (trái) và TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và tính xác thực của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" lưu giữ tại Văn phòng hãng đấu giá Million (Ảnh: Bộ VHTTDL).

"Họ có những quỹ được gây dựng từ các nguồn lực trong cộng đồng, kiều bào, các tập đoàn kinh tế. Đằng sau các bảo tàng đều có sự giúp đỡ của các tập đoàn, có sự chuẩn bị tiềm lực. Tôi cho rằng, chúng ta cần tạo ra cơ chế chính sách ưu tiên phù hợp để cổ vũ các doanh nhân, doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào hoạt động này", TS Quân nói.

PGS. TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam thì cho rằng, trong bối cảnh điều kiện của Nhà nước còn chưa dồi dào thì việc xã hội hóa các nguồn lực nhằm đưa cổ vật về nước là một biện pháp rất hay.

Tuy nhiên, xã hội hóa như thế nào, quản lý ra sao để bảo vệ an toàn và phát huy được giá trị của các di sản theo mong ước của nhân dân thì cần xem xét kỹ lưỡng. "Nếu một đơn vị nào đó bỏ ra nhiều tiền để đưa cổ vật về, sau đó lại sở hữu riêng thì cũng khó có điều kiện để phát huy giá trị của cổ vật", ông Tín nói.

Nhiều chuyên gia văn hóa cũng cho rằng, hiện chưa có điều luật, văn bản quy định và hướng dẫn về việc đưa cổ vật Việt về nước. Để có thể đưa được càng nhiều cổ vật về nước thì cần có quy định pháp luật, thể chế hóa việc hồi hương cổ vật như sửa đổi, bổ sung Luật Di sản Văn hóa, quy định chính sách để bảo tàng mua lại hiện vật đưa về nước hoặc văn bản hướng dẫn tổ chức, cá nhân đấu giá cổ vật ở nước ngoài và đưa về Việt Nam.

Việt Nam là một quốc gia được thế giới ngợi ca có bề dày lịch sử, có chiều sâu văn hóa. Việc đưa cổ vật hồi hương có vai trò vô cùng quan trọng giúp bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...

Một số cổ vật đã được hồi hương về nước

Ngày 18/11/2022, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nhận 10 cổ vật thời Đông Sơn do Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) trao trả. Tháng 8/2018, Việt Nam cũng tiếp nhận 18 cổ vật nhận từ Đức. Các cổ vật này do chính phủ các nước tự nguyện trả sau khi thu được từ các cuộc điều tra buôn bán trái phép.

Chuông chùa Ngũ Hộ được đưa từ Tokyo, Nhật Bản về Bắc Ninh. Cổ vật này được cá nhân, tổ chức vận động quyên góp mua và hiến tặng về nước năm 1978.

Xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh được đưa về năm 2015, mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình được đưa về Huế tháng 4/2022. Các cổ vật này được một số cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá ở nước ngoài và hiến tặng về nước.

Bài liên quan
  • Ấn vàng Hoàng đế chi bảo: Sẽ sớm về Việt Nam
    Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hoàng Đạo Cương - Trưởng Đoàn công tác liên ngành đàm phán với phía Pháp về việc hồi hương bảo vật kim ấn Hoàng đế chi bảo - cho biết, phía Pháp và gia đình ông Bảo Đại rất thiện chí trong quá trình đàm phán để hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hành trình hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo''
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO