Hành trang mà sinh viên năm nhất cần chuẩn bị khi bước vào giảng đường đại học

MINH AN| 30/09/2021 12:16

Bước vào đại học, sinh viên năm nhất sẽ là người giữ thế chủ động trong mọi sinh hoạt, học tập của mình. Vì vậy, ngay từ việc tìm nhà trọ đến việc xác định mục tiêu học tập, sinh viên đều cần phải có chiến lược.

Lưu ý khi tìm nhà trọ

Với những sinh viên ngoại tỉnh thì việc lên thành phố học đại học là một bước ngoặt khá quan trọng khi các em phải rời xa sự bảo vệ của bố mẹ và bắt đầu hành trình trưởng thành trên đôi chân của mình.

Đối với những tân sinh viên lần đầu chân ướt chân ráo lên thành phố thì việc tìm được một nơi ở phù hợp là vô cùng quan trọng.

Trên thực tế hiện nay, phân khúc nhà trọ dành cho sinh viên hay những người có thu nhập thấp rất nhiều nhưng đi kèm là những vấn đề rắc rối khác mà những sinh viên chưa có kinh nghiệm rất dễ gặp phải như bị lừa tiền, điều kiện sinh hoạt kém, chủ nhà quá khó tính, các loại phí điện nước cao...

Bạn Nguyễn Minh Anh (quê Hà Nam) rất hối hận khi nói về lần đầu thuê trọ ở Thủ đô. Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, Minh Anh ở ghép cùng người bạn thân, cùng thuê một phòng trọ sạch sẽ rộng khoảng 30m2 có sẵn nội thất. Thế nhưng Minh Anh và bạn mình chỉ ở đây được 2 tháng là phải "bỏ của chạy lấy người".

Lý do là chưa có kinh nghiệm thuê trọ, cứ nhìn thấy phòng đẹp, có nội thất là chọn và phải bỏ ra mấy triệu đền cho chủ nhà.

sinh-vien1.jpeg
Sinh viên tìm thuê nhà trọ

“Mình cũng ký hợp đồng hư hỏng nội thất trong phòng thì phải đền nhưng ở được gần một tháng thì mình phát hiện nội thất đồ gỗ trong nhà đều hư hỏng cả.

Tủ quần áo làm bằng chất liệu mùn cưa ép lại nên để trong môi trường ẩm thấp sẽ bị mủn ra, các vết dán bung ra. Khi gọi chủ nhà đến báo hiện trạng thì bọn mình lại phải đền chiếc tủ 4 triệu dù mới ở hơn một tháng và chưa dùng mấy”, Minh An kể.

Lời khuyên của nữ sinh này cho các bạn tân sinh viên là hãy nhờ người quen xung quanh tìm kiếm và giới thiệu chỗ ở, bởi vì họ ít nhiều gì cũng có những trải nghiệm như khu nào giá rẻ, chủ nhà tốt tính hay an ninh an toàn.

Sinh viên năm nhất nên học gì?

Học tiếng Anh chắc chắn là điều đầu tiên mà các bạn sinh viên quan tâm khi lên đại học. Bởi lẽ, hiện nay Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu và các bạn sinh viên sẽ luôn có ưu thế khi sử dụng thành thạo ngôn ngữ này.

Khi học tốt tiếng Anh, bản thân sinh viên có thể tra cứu các văn bản, tài liệu học thuật của nước ngoài một cách dễ dàng, hay tham gia các khóa học online của các trường đại học lớn trên thế giới thông qua các nền tảng như Coursera, SkillShare...

Ngoài ra, nếu giỏi tiếng Anh, sinh viên cũng có thể kiếm được các công việc part-time liên quan đến ngoại ngữ có thu nhập ổn (gia sư, dịch thuật, content writer...).

sinh-vien2.jpeg
Sinh viên nên tận dụng thời gian học tiếng Anh

Hiện tại, các trường đại học đều quy định mức chuẩn đầu ra tiếng Anh đối với sinh viên như IELTS 5.5 hoặc Toeic 450. Do đó, nếu bạn nào còn đang yếu tiếng Anh thì hãy bắt đầu đi học ngay.

Ở môi trường đại học, những kiến thức được dạy trên trường chỉ là một phần rất nhỏ so với bể kiến thức ngoài xã hội. Hãy tìm hiểu tất cả các công cụ và tài liệu mà nhà trường hỗ trợ sẵn. Có thể là thư viện sách, thư viện trực tuyến hay các công cụ tìm tìm kiếm tài liệu nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, sinh viên năm nhất nên chủ động tìm kiếm các anh chị khóa trên hoặc thầy cô để hỏi thêm thông tin cần thiết.

Chọn công việc làm thêm thế nào?

Đối với sinh viên năm nhất thì thực ra không có quá nhiều công việc nhàn hạ, hoặc công việc liên quan đến ngành học hiện tại. Nhưng bạn hoàn toàn có thể tìm một công việc nhỏ phù hợp với thế mạnh của bản thân.

Nếu bạn biết thiết kế đồ họa hoặc có chút khiếu viết lách, bạn có thể làm cộng tác viên Design bán thời gian hoặc cộng tác viên viết Content cho các tổ chức. Nếu bạn thích các công việc năng động và được rèn nhiều về kỹ năng giao tiếp thì bạn có thể nộp đơn làm nhân viên kinh doanh, bán bảo hiểm...

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hành trang mà sinh viên năm nhất cần chuẩn bị khi bước vào giảng đường đại học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO