Hạnh phúc đơn giản bắt đầu từ việc học cách ‘buông bỏ’

Vietbao Sưu tầm| 06/04/2023 12:02
Đọc bài báo này

Cung cấp bởi  

Logo vbee Image
0:00

Trái tim mỗi người chỉ to như nắm tay nên sức chứa của nó rất có hạn, nếu trái tim ấy đong đầy bất mãn muộn phiền, thì còn đâu chỗ cho hạnh phúc vui tươi? Vì vậy, chúng ta cần học cách buông bỏ những buồn phiền, hạnh phúc mới có thể tìm đến.

id13910507-1505251444182483-600x400-600x400.jpg-.jpeg
Hãy học cách buông bỏ, luôn giữ “trái tim" bình thản chan hòa, vì hạnh phúc thực ra luôn hiện diện ngay bên cạnh bạn. (Ảnh: Fotolia)

Trong đường đời, dù người thân bè bạn có thân thiết ra sao, dù tiền tài nhiều đến đâu, dù quá khứ có buồn đau như thế nào, cuối cùng chúng ta vẫn phải “học cách buông bỏ”! Xem nhẹ một chút, nghĩ thoáng một chút, không có trói buộc trong lòng, con người mới có thể sống thư thái, thoải mái.

Có câu chuyện về một con quạ, mỏ nó ngậm một miếng thịt, đằng sau nó là một con đại bàng đang ráo riết truy đuổi. Con quạ ngậm chặt miếng thịt, gắng sức vẫy cánh bay về phía trước. Thoắt trông sắp bị đại bàng đuổi kịp, con quạ gần như sức cùng lực kiệt, không còn sức để tâm đến miếng thịt trong miệng. Đúng lúc nó há miệng để thở thì miếng thịt rơi xuống, con đại bàng đằng sau bất ngờ lao thẳng đến chỗ miếng thịt. Con quạ đang kinh sợ mất mật bỗng nhận ra, nếu nó sớm bỏ miếng thịt đi, thì đã không gặp họa sát thân rồi!

Thật ra, trên đời có rất nhiều người hành xử giống như con quạ, đeo bám đủ loại chấp trước không buông khiến tâm tình hết sức mệt mỏi, để rồi khiến bản thân trở nên kiệt quệ. Kỳ thực, chỉ cần chúng ta học cách buông bỏ, buông bỏ quá khứ, danh lợi, tình cảm, v.v. chúng ta sẽ có cơ hội nhìn thấy một tương lai tràn đầy hạnh phúc.

Buông bỏ quá khứ

Quá khứ ấy có thể là những người thân yêu của chúng ta, hay những sự tình chúng ta gặp phải, bất kể là chua cay ngọt bùi, vui buồn hợp tan, đều đã thuộc về dĩ vãng. Chúng ta dù có tự trách, hối hận nhưng vẫn không thể bù đắp lại được, quá khứ ấy chỉ có thể “nhớ lại”, chứ không thể “trở lại”. Do đó, buông bỏ những gánh nặng của “quá khứ”, chúng ta mới có đủ nghị lực để tiến về phía trước.

dieu-dang-buong-bo-nhat-de-cuoc-song-an-nhan-phu-quy-57335.jpg
Nguồn ảnh: Internet (Vietbao sưu tầm)

Đợi đến một ngày, khi một người nào đó có ý đồ không tốt nhắc lại quá khứ, nếu chúng ta có thể giữ tâm như mặt hồ, bình lặng không gợn sóng, như thể đang lắng nghe câu chuyện của người khác, như thế chúng ta đã thực sự buông bỏ được rồi!

Buông bỏ truy cầu quá mức vào danh lợi

Ai ai đều khát khao công danh lợi lộc, nhưng những điều thái quá thì lại không còn tốt nữa. Trang Tử giảng: “Vinh nhục lập, nhiên hậu đổ sở bệnh. Hóa tài tụ, nhiên hậu đổ sở tranh.” Ý rằng, một khi vinh nhục trên thế gian được thiết lập, những tiêu cực xấu xa trong nhân tính sẽ nổi lên; khi của cải tích tụ nhiều rồi, đấu đá tranh giành cũng theo đó mà xuất hiện. Nếu lòng tham không được chế ngự vững chắc, con người sẽ mãi mãi chìm đắm trong danh lợi mà không thể tự thoát ra được.

images(1).jpg
Nguồn ảnh: Internet (Vietbao sưu tầm)

Con người hà tất phải sống như vậy? Đời người như một giấc mộng, khi sinh ra là hai bàn tay trắng, khi rời bỏ thế gian cũng chỉ còn một nắm tro tàn, thậm chí không mang nổi một đám mây trắng, hà tất phải hao tâm khổ tứ cả đời vì chạy theo công danh lợi lộc? Đến mức cả đời quẩn quanh trong cạm bẫy mình tự giăng ra mà không thoát ra được? Rốt cuộc vì sao lại mù quáng bận lòng như vậy? Có lẽ học cách buông bỏ, mới có thể lấy lại được sự bình yên trong tâm hồn.

Chúng ta chăm chỉ làm việc, vững vàng tiến lên từng bước, không yêu cầu đòi hỏi, thì những gì đáng thuộc về cũng sẽ tự nhiên tìm đến, giống như câu nói “Biết đủ thường vui.”

Buông bỏ tình cảm

Con người có rất nhiều cảm xúc, trong lòng thường chất chứa những cảm xúc tiêu cực không tên, bao gồm những mâu thuẫn, định kiến và quan niệm sai lầm. Thậm chí, về những việc “buông tâm mở lòng”, người lớn lại thường không làm tốt bằng trẻ em. Trong thế giới của trẻ thơ, phút trước còn cãi lộn không ai chịu ai, phút sau đã lại cười đùa vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra.

Nhưng ở thế giới người lớn lại hoàn toàn khác, họ có thể trở thành kẻ thù của nhau chỉ vì một chút chuyện nhỏ nhoi.

Khi mọi người tiếp xúc với nhau thường gặp chuyện bất đồng, bởi mỗi người lớn lên trong môi trường khác nhau, suy nghĩ khác nhau, nên tự nhiên sẽ sinh ra tranh luận mâu thuẫn. Chỉ bằng cách buông bỏ ý kiến chủ quan, suy nghĩ cho người khác nhiều hơn, thì tâm tình mới trở nên thoáng đãng tươi sáng. Hơn nữa, chỉ khi buông bỏ thành kiến đối với người khác, mới có thể nhận ra những ưu điểm và mặt tốt của người khác.

Ngoài ra, còn có một loại tình cảm đặt lên thân người khác, nhưng người chịu dày vò dằn vặt là chính bạn. Người xưa có câu: “Đa tình tự cổ không dư hận. Thử hận miên miên vô tuyệt kỳ.” Ý rằng: Từ ngàn xưa, kẻ đa tình không đứng ngoài chữ hận. Hận này đằng đẵng còn ghi muôn đời. Những người tình nhiều cũng hận nhiều, mộng đẹp dễ tỉnh, đời người vẫn luôn có những điều không như ý muốn, đặc biệt là khi vô cùng yêu thích một người nào đó, nhưng khi chia tay lại dễ khiến bản thân rơi vào trạng thái bi ai chán nản.

Hà tất phải như vậy? Thật ra, chúng ta đều mang theo thân thể trần trụi đến thế gian, cuối cùng lại một mình âm thầm rời xa nhân thế. Tất cả những người chúng ta gặp trong đời chỉ như vị khách qua đường, kể cả những người thân thiết như cha mẹ con cái, điều khác nhau chỉ nằm ở chỗ thời gian tiếp xúc dài ngắn. Thử hỏi ai có thể luôn kề cận bên ta mãi mãi? Vì vậy đừng quá bi lụy, cảm thương, cuộc đời là một chặng đường dài, hãy sống hết mình, yêu thương bản thân, học cách cảm ơn, học cách trân trọng mọi thứ chúng ta đang có, thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên khác biệt.

maxresdefault-4-4-glowingsun-1543.jpg
Nguồn ảnh: Internet (Vietbao sưu tầm)

Có thể ‘buông bỏ’ mới có thể ‘đắc được’

Tham vọng như sát thủ trói buộc tâm hồn trong sáng của con người, khiến chúng ta quay cuồng mất phương hướng. Những thứ khiến trái tim không thể bình yên thường không phải bắt nguồn từ nhân tố bên ngoài, mà xuất phát từ “cái tôi” của mỗi người. Phật gia có câu: “Thiên hạ bản vô sự, dung nhân tự nhiễu chi.” Tức là: Thiên hạ vốn là chẳng có chuyện gì xảy ra mà tự làm rối cả lên. Cái “tôi” này đầy tham vọng, nó thèm muốn danh lợi và quyền lực, nên rất dễ rơi vào vực thẳm mà không thể tự thoát ra được.

Lấy ví dụ, “tôi” muốn đạt giải nhất trong kỳ thi khiến người khác nhìn mình bằng con mắt khác. “Tôi” muốn mua túi hàng hiệu, đi xe triệu đô, ra cửa thể hiện khí chất hơn người. “Tôi” thấy người này không vừa mắt, “Tôi” chỉ muốn ở gần người kia, hoặc “tôi” rất nhớ thương người ông đã qua đời, v.v. Quá nhiều những tư tưởng ấy đang ngự trị và trở thành gông cùm trói chặt nội tâm chúng ta. Cứ như vậy cuộc sống làm sao có thể tự do tự tại được?

Như việc hai tay giữ chặt hai trái cam không chịu buông, không muốn tiến lên, thì làm sao phát hiện trong vườn có những trái cam to hơn ngọt hơn? Chỉ khi lựa chọn buông bỏ, mới có thể tập trung vào hiện tại và quan sát mọi thứ xung quanh, khi ấy chúng ta mới có thể phát hiện những khung cảnh tươi đẹp khác. Cổ nhân có câu: “Mất thì được, được thì mất, có mất thì mới có được.” Câu nói ấy thực thấu tình đạt lý, bởi vì chỉ có học cách buông bỏ, trái tim mới có chỗ chứa đựng hạnh phúc.

Hãy học cách buông bỏ khi đến lúc phải buông bỏ, để tâm hồn trở về bản tính thuần lương, mộc mạc, đơn thuần, dùng chính niệm đối đãi mọi việc, tiếp nạp thật nhiều năng lượng tích cực trong cuộc sống. Hãy để “tâm” ta luôn bình thản chan hòa, hạnh phúc thực ra chỉ đơn giản vậy thôi.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hạnh phúc đơn giản bắt đầu từ việc học cách ‘buông bỏ’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO