Cả nước hiện có khoảng 300.000 người hành nghề môi giới bất động sản. Mỗi năm, lực lượng này kết nối cung cầu thành công hàng trăm nghìn sản phẩm bất động sản với giá trị ước đạt cả nửa triệu tỷ đồng.
Tại các dự án bất động sản, việc chào bán hàng thông qua đơn vị phân phối, sàn giao dịch ngày càng trở nên phổ biến.
Tuy lực lượng hành nghề môi giới bất động sản khá đông nhưng phần lớn trong số họ đạt chất lượng kém, thiếu tính chuyên nghiệp và thiếu ý thức tuân thủ pháp luật; thậm chí hành nghề tay ngang, chớp nhoáng, chộp giật, thổi giá tạo sốt ảo gây lũng loạn thị trường.
Giải pháp để môi giới bất động sản Việt Nam tiến đến chuyên nghiệp là một trong những trăn trở của người làm nghề hiện nay.
Theo khoản 2 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, môi giới bất động sản là việc làm “trung gian” cho các bên trong mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.
Các chuyên gia nhận xét nhân viên môi giới là đội ngũ không thể thiếu trong kinh doanh bất động sản vì nhờ có họ mà các giao dịch nhà đất trở nên thuận lợi hơn.
Họ là những người giúp cho người mua chọn được căn nhà phù hợp với tài chính và nhu cầu cuộc sống; giúp cho người bán bán được với mức giá tốt nhất; ngoài ra họ còn hỗ trợ khách hàng trong các thủ tục giấy tờ giao dịch nhà đất.
Thế nhưng, xét về tổng thể, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, thừa nhận lực lượng môi giới và sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động kinh doanh trong môi trường rất yếu và thiếu hệ sinh thái tốt dành cho họ.
Những nội dung bảo vệ quyền, lợi ích cho môi giới bất động sản trong luật pháp rất yếu, chưa đủ để xử lý công bằng khi họ bị xâm phạm lợi ích.
Thông tin thị trường cũng hạn chế, không rõ ràng nên người hành nghề môi giới thường phải tự khai thác, tìm hiểu, tự trang bị; quy tắc đạo đức, ứng xử hành nghề bị xem nhẹ, ông Đính dẫn chứng.
Bản thân người hành nghề môi giới bất động muốn được học hỏi, đào tạo nâng cao kỹ năng nghiệp vụ thì cũng vẫn hiếm môi trường đào tạo chuẩn mực. Việc tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ cũng rất yếu và thiếu. Ở một số địa phương không quan tâm thực hiện chức năng này, nhiều nơi chỉ tổ chức một cách hình thức. Hiện chỉ khoảng 10% môi giới bất động sản có chứng chỉ hành nghề.
Trong khi lực lượng môi giới đóng vai trò rất quan trọng trên thị trường bất động sản nhưng họ lại đang thiếu sự quan tâm tương xứng từ xã hội và pháp luật. Điều này cũng là nguyên nhân tạo ra "mảng tối" của nghề môi giới bất động sản.
Nếu so sánh với thế giới, môi giới bất động sản Việt Nam thiếu tính chuyên nghiệp, chuẩn mực và trình độ kém. Nhiều môi giới tay ngang còn có hành vi găm đất, thổi giá tạo sốt ảo gây lũng loạn thị trường.
Thậm chí, có trường hợp, môi giới còn tiếp tay cho chủ dự án, lừa đảo khách hàng bằng quảng cáo, đưa thông tin thất thiệt, gây hậu quả cho người tiêu dùng, ảnh hưởng uy tín cho thương hiệu các chủ đầu tư chân chính.
Môi giới bất động sản Đặng Văn Đức chia sẻ nghề môi giới bất động sản ở Việt Nam ban đầu mang tính tự phát và thường bị hiểu nhầm với nghề "cò đất" nên chưa được coi trọng. Trên thực tế, nếu "cò đất" sử dụng mánh khóe để làm ăn thì những người môi giới nhà đất phải sử dụng kiến thức chuyên môn về bất động sản, tầm nhìn và khả năng đánh giá thị trường để có thể tư vấn tốt nhất cho khách hàng của mình. Hai nghề này không phải là một như mọi người vẫn nghĩ.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, trước sự vận động không ngừng của xã hội, kinh tế, công nghệ…, môi giới bất động sản cần tạo ra giá trị cao hơn và đích đến là hoạt động một cách chuyên nghiệp.
Để đạt mục tiêu này, theo ông Đính, cần có sự hỗ trợ cả về pháp lý. Trước hết, cần điều chỉnh Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng quy định mọi giao dịch trong lĩnh vực này đều phải thông qua sàn giao dịch. Sàn giao dịch phải là cơ sở thẩm định, thẩm tra về bất động sản; chịu trách nhiệm trước quyền lợi của khách hàng và pháp luật.
Sàn giao dịch bất động sản phải thực sự trở thành nơi giao dịch bắt buộc và tập trung, là trung tâm thương mại chuyên biệt cho hàng hóa bất động sản.
Tại các sàn giao dịch, khách hàng sẽ được tiếp cận những sản phẩm đã được thẩm định, thẩm tra, đủ điều kiện pháp lý, thông tin đầy đủ rõ ràng, minh bạch, giá cả phù hợp với thị trường.
Mọi thủ tục giao dịch, giao nhận, thanh toán và pháp lý đều được hướng dẫn, tư vấn và hỗ trợ tại sàn. Có như vậy, cả khách hàng và chủ đầu tư bất động sản đều được bảo vệ quyền lợi, lợi ích.
Cùng đó, môi giới bất động sản trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề, buộc phải đào tạo để có đủ kiến thức và hiểu rõ về vai trò của môi giới.
Các môi giới bất động sản sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề sẽ được cấp mã số công nghệ; quản lý môi giới và hoạt động của môi giới sẽ được ứng dụng công nghệ số.
Cùng với việc nâng cao vai trò đối với xã hội, thị trường, môi giới phải là chỗ dựa vững chắc, bảo vệ lợi ích cho khách hàng.
Bản thân các sàn giao dịch bất động sản phải là tổ chức hoạt động có điều kiện, đủ năng lực tham gia thẩm tra, thẩm định hàng hóa khi tham gia trị trường; có tài chính để đảm bảo chịu trách nhiệm trước pháp luật, đối tác và khách hàng khi xảy ra sai xót.
Dưới góc độ chuyên môn, ông Đính đề xuất bổ sung vai trò của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam tham gia cùng Sở Xây dựng các địa phương, tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề cho môi giới bất động sản; đồng thời, bổ sung quy tắc đạo đức, văn hóa ứng xử nghề môi giới bất động sản vào chương trình đào tạo và thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề.
Hiện thị trường bất động sản chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch COVID-19 khiến các giao dịch giảm sút và có thời điểm "đóng băng" thanh khoản. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến những người làm nghề môi giới bất động sản.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, chia sẻ dù các sàn giao dịch và lực lượng môi giới có đóng góp không nhỏ trong việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường nhưng họ lại rất thiệt thòi bởi chưa được ghi nhận hay thụ hưởng trong các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước./.