Muôn cảnh bức xúc khi chủ nuôi chó, mèo ở chung cư thiếu ý thức
Sáng đầu tuần, anh Tuấn (45 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vừa mở cửa chuẩn bị đi làm, thì bị một con chó giống Poodle nhảy xổ vào, sủa inh ỏi. Tòa chung cư nơi anh sống quy định không được phép thả chó, mèo tại khu vực công cộng, bao gồm dãy hành lang chung, nhưng "không hiểu sao tình trạng này cứ tiếp diễn nhiều năm qua".
Bất kể ngày đêm kể cả cuối tuần, gia đình anh cũng bị "tra tấn" bởi tiếng chó sủa đòi ăn mãi không ngừng, đến nỗi không thể ngủ. Bức xúc, anh phản ánh lên Ban quản lý chung cư và được phản hồi "sẽ xử lý".
Không riêng anh Tuấn, nhiều hộ dân cùng tầng liên tục báo cáo Ban quản lý về việc chó chạy tự do ngoài hành lang, không xích, không rọ mõm. Hồi tháng 9, chủ của chú Poodle này cũng đã bị bảo vệ nhắc nhở và yêu cầu viết cam kết, song lúc sau vẫn "chứng nào tật nấy".
Sau khi tiếp nhận thông tin từ anh Tuấn và các cư dân, Bộ phận an ninh tòa nhà phối hợp cùng Ban quản lý, tổ dân phố đến tận căn hộ để làm việc nhưng chủ hộ không hợp tác, nhất quyết không ký vào biên bản.
Theo anh Tuấn, dãy tầng nhà anh nhiều trẻ con. Trước đây, trẻ nhỏ vô tư vui chơi, đạp xe ở hành lang, đi từ nhà này sang nhà kia. Nhưng từ khi hàng xóm mới chuyển đến nuôi chó, anh cấm con ra hành lang vì sợ chó cắn. Các nhà đều đóng cửa, ít có sự giao lưu.
"Tôi rất thất vọng trước cách ứng xử của hàng xóm. Nếu tình trạng chó thả rông vẫn tiếp diễn, chắc tôi chỉ còn cách bán nhà đi nơi khác", anh nói.
Trong khi đó, tại một chung cư ở quận Nam Từ Liêm, hàng xóm của chị Hạnh (33 tuổi) đã phải bán nhà, chuyển xuống mặt đất sinh sống để được thoải mái nuôi đàn chó 7 con.
"Đàn chó kích thước lớn khiến chúng tôi sợ hãi. Chúng sủa nhiều, mùi hôi cơ thể nồng nặc, đến mùa lông rụng bay tứ tung", chị kể.
Người phụ nữ và các hộ dân khác đã nhiều lần ý kiến và yêu cầu chủ đàn chó giữ vệ sinh chung, nhưng không thu được kết quả. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi người này nhiều lần lớn tiếng quát tháo với hàng xóm để bảo vệ đàn chó và sau đó là phải chuyển đi vì áp lực của cư dân tòa nhà.
Chị Thủy (40 tuổi, quận Hai Bà Trưng) ngán ngẩm khi vừa mở cửa nhà thì thấy ngay bãi phóng uế của chó nhà hàng xóm. Mùi hôi thối bốc lên "bao trùm" dãy hành lang, vào cả thang máy.
"Tôi nhắc nhở hàng xóm nhưng cũng chỉ nhận về câu xin lỗi, chứ tình hình không hề được cải thiện", chị nói và cho biết không ít lần thấy những "bãi mìn" của động vật trong thang máy, vườn hoa, phòng sinh hoạt cộng đồng,…
Theo chị, nuôi thú cưng là quyền tự do mỗi người, nhưng không vì thế ảnh hưởng cuộc sống người khác. Trong tòa chung cư, nhiều gia đình nuôi nhốt chó, mèo ngoài ban công khiến mùi hôi "bay theo gió" lên các tầng khác.
"Ngày hè, tôi mở cửa ban công cho mát mẻ, thì mùi hôi xộc thẳng vào trong nhà", chị bức xúc nhớ lại. "Đã sống ở chung cư, thì nên có ý thức giữ vệ sinh chung, đừng nghĩ đến sạch sẽ, thơm tho mỗi nhà mình".
Chị Thủy từng yêu cầu Ban quản lý tòa nhà xử phạt các hộ dân vi phạm quy định nuôi chó, mèo; nếu tái phạm phạt gấp đôi hoặc ngừng cung cấp dịch vụ.
"Sau nhiều lần chịu đựng, chúng tôi không thể chấp nhận việc những người nuôi chó, mèo vô tư đưa thú cưng sang tầng khác phóng uế, tối dắt xuống sân chung đi vệ sinh ở bãi cỏ mà không dọn dẹp", chị nói.
Riêng anh Nam (28 tuổi, quận Hoàng Mai) mỗi lần đi thang máy, "dị ứng" với kiểu người bế thú cưng ngang vai, để con vật thở hồng hộc vào mặt người khác. Chưa kể, lông thú cưng "bay tứ tung" trong không gian hẹp như thang máy gây khó chịu, nhất là những người bị viêm mũi.
"Dù đã đeo khẩu trang, tôi vẫn ngửi thấy mùi hôi từ miệng con vật", anh cho hay. Bức xúc hơn là nhiều người không kiểm soát thú cưng, mặc nhiên để chúng đi lại, sủa và cắn trẻ nhỏ.
Hai năm trước, tòa nhà anh Nam đã tổ chức một buổi hội nghị, chỉ để bàn về quy định nuôi chó, mèo. Kết quả, hơn 90% số thành viên thông qua chế tài phạt các chủ sở hữu chó, mèo nếu không thực hiện đúng quy định.
Ban quản lý yêu cầu những cư dân nuôi chó, mèo phải cho vật nuôi tiêm phòng bệnh đầy đủ và có giấy chứng nhận tiêm phòng. Khi chó, mèo đi dạo, bắt buộc phải rọ mõm và có dây dắt an toàn. Chỉ được phép cho chó, mèo đi thang hàng, nghiêm cấm sử dụng thang khách.
Không được phép cho chó, mèo phóng uế tại các khu vực công cộng như thang máy, sảnh, hàng lang, vườn cây,…
Các chủ hộ phải ký cam kết với Ban quản lý tòa nhà về việc thực hiện những quy định khi nuôi chó, mèo và chịu trách nhiệm pháp lý khi vật nuôi xâm hại người khác.
Mức chế tài xử phạt được đưa ra là 200.000 đồng/một lần vi phạm. Nếu chủ vật nuôi không nộp phạt, sẽ bị dừng cung cấp các dịch vụ như điện, nước,...
Ngọc Anh, 26 tuổi, nuôi cả chó và mèo, sống tại một chung cư ở quận Hai Bà Trưng, nói rằng chưa bao giờ nhận được lời phàn nàn nào từ hàng xóm. Cô biết cách nuôi thú cưng một cách văn minh và có trách nhiệm khi sống trong môi trường tập thể.
Ngọc Anh tuân thủ nguyên tắc không thả chó xuống khu vực chung của tòa nhà như vườn hoa, sân,… Chó được huấn luyện đi vệ sinh trong nhà, sau đó cô sẽ vệ sinh ngay tránh mùi hôi ảnh hưởng cuộc sống của chính mình và hàng xóm.
Mỗi lần đi dạo, chó đều được rọ mõm, thắt dây an toàn. Ngọc Anh không quên mang theo túi bóng và giấy vệ sinh, tránh việc thú cưng đi bậy bạ.
"Mèo chủ yếu ở trong nhà, tiếng kêu bé nên cũng không gây ồn ào xung quanh", Ngọc Anh cho hay.
Theo cô, thay vì cấm đoán, Ban quản lý chung cư nên có hướng dẫn rộng rãi đến cộng đồng về cách nuôi chó, mèo có ý thức, chẳng hạn một bộ quy chuẩn chung về ứng xử văn minh. Việc bắt buộc người nuôi đóng tiền ký quỹ hàng năm để trừ phạt cũng là một ý tưởng hay.
Ngoài ra, theo Ngọc Anh, chó, mèo nên được đăng ký định danh khi nuôi và quản lý theo địa chỉ cư trú. Hàng xóm nếu khiếu nại kèm bằng chứng, trích xuất camera thì cứ thế mà trừ tiền phạt.
"Nếu người nuôi có văn minh, sự thù ghét với chó, mèo có lẽ sẽ giảm bớt chứ không nặng nề và cay nghiệt như một cuộc chiến không hồi kết như hiện tại", cô nói.
Tại sao nuôi chó, mèo ở chung cư gây khó chịu?
Trao đổi với PV Dân trí, ThS. Võ Thanh Tuyền, Phó Trưởng khoa Đô thị học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM đánh giá, dưới góc độ người yêu thú cưng, họ sẵn lòng chăm sóc, nuôi dưỡng chó, mèo dù biết sống ở chung cư bất tiện và thiếu không gian.
Thậm chí, dù nhiều chung cư cấm nuôi chó, mèo nhưng nhiều người vẫn "lén" nuôi vì tình cảm dành cho thú cưng vô cùng lớn.
"Nhìn nhận ở góc độ của người trong cuộc, việc sống cùng thú cưng mang lại cho họ cảm giác thoải mái, giảm căng thẳng hay bớt cô đơn. Đó là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Tuy nhiên, câu chuyện sẽ đỡ phức tạp hơn nếu người nuôi chó, mèo tuân thủ quy định về vệ sinh và an toàn chung, không làm ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh", bà Tuyền nói.
Ngược lại, đối với nhóm người hoặc không thích chó, mèo, hoặc thích nhưng không muốn nuôi vì phải tốn nhiều thời gian chăm sóc, dọn dẹp hay phải xử lý các phiền hà của hàng xóm,… thì ủng hộ quy định cấm nuôi chó, mèo.
Ngoài ra, theo ThS. Võ Thanh Tuyền, do đặc trưng cấu trúc không gian đô thị và lối sống đô thị phải tương thích với không gian hiện hữu, nên việc nuôi chó, mèo còn gặp nhiều bất cập về vệ sinh, tiếng ồn.
Ở nông thôn, cấu trúc không gian sống rất rộng, nơi mà chó, mèo có thể thoải mái đi vệ sinh; tiếng kêu, tiếng sủa của chúng không gây khó chịu cho hàng xóm xung quanh,… thì ở đô thị với tính chất "nén" của không gian sống, nếu sơ suất để vật nuôi đi vệ sinh ở hành lang hay không gian chung khác ở chung cư thì dễ dàng gây mùi, mất mỹ quan.
Tương tự như vậy, trong không gian chật hẹp, tiếng ồn phát sinh từ thú cưng rất dễ làm người khác khó chịu.
"Với các quan điểm khác nhau của mỗi cá nhân, cùng cấu trúc không gian sống đặc thù của đô thị, có thể là nguyên nhân dẫn đến câu chuyện nuôi hay không nuôi chó, mèo ở chung cư tranh cãi không hồi kết", bà Tuyền nhận định.
Theo vị chuyên gia, các đô thị ở Việt Nam còn thiếu không gian công cộng có chức năng phù hợp cho chó, mèo. Kiểu không gian này chưa được chú trọng trong thiết kế không gian công cộng.
Đề xuất giải pháp, ThS. Võ Thanh Tuyền cho rằng Ban quản lý chung cư có thể tìm một căn cứ khác ngoài luật (ví dụ: khảo sát cư dân và ban hành quy định theo số đông, truyền thông lý do vì sao cấm để người dân hiểu và thông cảm,…).
Đối với trường hợp cho phép nuôi chó, mèo, để bảo vệ mỹ quan chung, tránh ảnh hưởng cộng đồng, Ban quản lý cần có những quy định dành cho cư dân nuôi chó, mèo để hoạt động của vật nuôi tại chung cư không ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân.
Lý tưởng nhất là quy định được xây dựng dựa trên các luật liên quan (như luật phòng chống dịch bệnh, nghị định về an ninh trật tự có liên quan đến việc nuôi chó, mèo,…) và có lấy ý kiến đóng góp của cư dân đang sống tại chung cư đó.
Pháp luật quy định thế nào về việc nuôi chó, mèo ở chung cư?
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, căn cứ quy định tại Điều 35 Nghị định 99/2015/NĐ-CP; Điều 2 Phụ lục số 01 Ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD, các hành vi chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư "là hành vi bị cấm".
Trong văn bản số 176/BXD-QLN ngày 18/01/2021, Bộ Xây dựng trả lời Sở Xây dựng TPHCM khẳng định: Chó, mèo không thuộc danh mục gia súc, gia cầm.
"Do đó, pháp luật hiện hành không có quy định về việc cấm nuôi chó, mèo trong chung cư. Ban quản lý tòa nhà sẽ có những quy định khác nhau về việc nuôi thú cưng", luật sư Tiền nói.
Tuy nhiên, pháp luật quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng theo điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ - CP.
Bên cạnh đó, hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng còn có thể bị xử phạt theo Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 04/2020/NĐ - CP với mức phạt từ 1 - 2 triệu đồng.
Theo luật sư Trần Xuân Tiền, sở dĩ xuất hiện tình trạng tranh cãi nuôi chó, mèo trong chung cư là bởi chưa có quy định chính thức và mức xử phạt hiện chưa đủ sức răn đe.
Ngoài ra, việc xử lý hành vi vi phạm cần bằng chứng thông qua hình ảnh hoặc video, tuy nhiên tâm lý "ngại va chạm" khiến nhiều người sẵn sàng bỏ qua, không báo cáo Ban quản lý.
"Nếu chung cư cho phép nuôi thú cưng thì cần yêu cầu người chủ nuôi nhốt chúng trong nhà, giữ vệ sinh chung,... nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến người không nuôi", ông Tiền nói.
*Tên các nhân vật đã thay đổi.