Giá xe và mức tiêu thụ nhiên liệu là những yếu tố thường được cân nhắc trước tiên khi mua ô tô, nhưng chi phí bảo dưỡng dài hạn cũng là một khoản quyết định mức độ phù hợp của chiếc xe đối với tài chính của chủ sở hữu. Tổ chức phi lợi nhuận người tiêu dùng của Mỹ có tên Consumer Reports đã thực hiện một khảo sát về số tiền chi trả cho việc bảo dưỡng và sửa chữa xe trong 12 tháng gần nhất.
Các chi phí này bao gồm thay dầu, lốp và sửa chữa các lỗi kỹ thuật, nhưng không tính đến sửa chữa do tai nạn. Kết quả cho thấy, có sự khác biệt rõ rệt giữa các thương hiệu, trong đó chủ xe của hãng có chi phí bảo dưỡng cao nhất phải trả gấp 5 lần so với hãng xe có chi phí thấp nhất sau 10 năm sử dụng.
Điều bất ngờ là Tesla đứng đầu danh sách với chi phí thấp nhất, chỉ khoảng 4.035 USD (102,5 triệu đồng) cho 10 năm sử dụng, mặc dù hãng này chỉ đạt vị trí trung bình trong bảng xếp hạng độ tin cậy. Theo sau Tesla là Toyota, với chi phí trung bình khoảng 4.900 USD (124,5 triệu đồng). Ngược lại, xe sang như BMW có chi phí lên đến 9.500 USD (241,3 triệu đồng) và Land Rover đứng đầu danh sách chi phí cao với tổng cộng 19.250 USD (489 triệu đồng).
Dù vậy, không phải tất cả các thương hiệu xe sang đều đắt đỏ. Chẳng hạn, Lincoln chỉ yêu cầu chi phí khoảng 5.040 USD (128 triệu đồng) trong 10 năm, thấp hơn đáng kể so với Mercedes-Benz.
Ngoài ra, vị trí trong bảng xếp hạng cũng có thể thay đổi theo thời gian. Một số hãng như Volkswagen có chi phí thấp trong 5 năm đầu nhưng lại tăng mạnh sau đó, khiến vị trí của hãng tụt từ hạng 3 xuống hạng 15 sau 10 năm. Sự thay đổi này một phần do các thương hiệu áp dụng chu kỳ bảo dưỡng dài hơn trong giai đoạn đầu sử dụng xe.