Một phần trứng vịt lộn gồm có rau răm, muối nhuyễn, trứng cút.
Sinh ra ở một gia đình nghèo ở Vĩnh Long, từ nhỏ chị Hồng Vân (38 tuổi) đã theo người thân lên Sài Gòn mưu sinh. Ban đầu, do không có nghề nghiệp nên chị Vân đi bán hủ tíu gõ ở lề đường tại Quận 3. Tuy nhiên, do lấn chiếm vỉa hè nên chị bị tịch thu mất xe hủ tiếu. Vốn liếng mất hết, chị đi bán vé số nhưng thu nhập từ bán vé số chẳng đủ để nuôi gia đình. Sau đó, chị đánh liều đi vay tiền mua thêm một chiếc xe để chở hột vịt lộn đi bán dọc các con đường. Tuy vậy, mưu sinh ở thành phố chưa bao giờ là dễ dàng, có ngày chị Vân chỉ bán được vài quả trứng, chẳng đủ tiền vốn. Có những đêm mưa tầm tã, chị chỉ biết ăn trứng trừ cơm.
Vài tháng sau, nhờ nỗ lực, kiên trì, hột vịt lộn của chị Vân từ chỗ ban đầu chỉ bán được vài chục quả mỗi đêm, số lượng sau đó đã lên đến hàng trăm quả. Số tiền bán trứng đủ để nuôi gia đình nên chị Vân nghỉ hẳn việc bán vé số, mở một tiệm trứng ở vỉa hè.
Đến nay, sau hơn 10 năm bén duyên với trứng lộn, mỗi ngày tiệm trứng của chị Vân ở đường Bàn Cờ, quận 3 có thể bán từ 4.000 - 5.000 trứng mỗi ngày.
"Khoảng 4 năm nay, nhiều khách thương mến đến ủng hộ nên quán ngày càng đông. Năm 2021, nhờ bán trứng vịt lộn mà tôi phất lên, mua được nhà ở Long An. Bây giờ một mình tôi vẫn cần mẫn làm việc để nuôi hai con nhỏ và mẹ già ở quê", chủ tiệm vui vẻ nói.
Theo chị Vân, từ 4h30 sáng mỗi ngày cả gia đình chị đã phải dậy để nhập trứng từ Vĩnh Long gửi lên. Tất cả trứng đều được lựa chọn kỹ càng, ưu tiên chọn những quả trứng ấp đúng 16 - 18 ngày bởi trứng lộn đã quá thời gian "vàng" khi ăn sẽ có vị đắng.
Trứng vịt lộn ở tiệm chị Vân được luộc cùng với nước dừa tươi, thêm chút muối hột để khi ăn khách hàng sẽ cảm nhận được vị thơm béo từ trong ra ngoài. Trứng khi luộc đã chín được tiếp tục chuyển qua hấp cùng với gừng tươi để luôn ấm nóng, thơm ngon.
Trứng được hấp ấm với gừng tươi và nước luộc để giữ độ thơm và béo trừng trong ra ngoài.
Nhiều khách hàng chia sẻ, khi đến ăn trứng vịt lộn của chị Vân, ngoài điểm cộng là trứng mềm, thoang thoảng hương thơm của nước dừa thì chén muối nhuyễn ăn kèm cũng là điểm nhấn.
Chia sẻ về bí kíp làm nước chấm, chị Vân nói, quán dùng loại muối hột nguyên chất trộn cùng tiêu lốp Đắk Lắk, muối tôm và một số loại gia vị cơ bản khác. Tất cả được trộn đều rồi đem đi xay nhuyễn, mịn. Công thức này giúp muối không quá mặn mà còn đem lại hương thơm cay nồng của tiêu lốp và đi kèm là một trái tắc tạo vị chua.
Chén muối nhuyến kèm theo một trái tắc và ít ớt xay để tăng thêm vị nồng.
"Khi ăn trứng vịt lộn, chúng ta sẽ cảm nhận được hương vị của nước dừa tươi, tiếp theo là hương gừng và độ béo của trứng vịt hòa cùng vị chua, cay, mặn của hỗn hợp muối tắc xay nhuyễn. Khi ăn kèm một đến hai lá rau răm sẽ cảm nhận vị riêng biệt, không lẫn vào đâu của món ăn dân giã này", chị Vân giới thiệu.
Nước sốt me cũng do chính tay chủ tiệm làm theo công thức riêng biệt nên có dạng sánh đặc. Trứng lộn xào me thường ăn kèm với hành phi trộn tóp mỡ giòn và đậu phộng.
Trứng vịt lộn luôn đồng đều và chất lượng
"Nước sốt me làm kỳ công nhất. Me được tuyển chọn những quả chín, lột vỏ, luộc cùng với đường và nước mắm. Đặc biệt, ở nước sốt này, tôi không sử dụng bột ngọt hay bất cứ loại điều vị nào nên nước sốt có chất sánh đặc riêng biệt từ cốt me", chủ tiệm chia sẻ.
Chị Vân cho biết, được khách hàng ủng hộ khiến chị thấy rất vui. Mỗi ngày chị và người thân luôn dành cả tâm huyết để đem lại đem lại cho khách hàng những món ăn ngon và sạch sẽ nhất.
Cút lộn xào me được chế biến công phu và giữ ấm trên chiếc lò lúc nào cũng hồng lửa.
Chị Chu Thanh Bảo Uyên - 26 tuổi nói: "Mình ăn trứng vịt lộn ở đây từ hồi mới lên Sài Gòn học, ưu điểm của trứng ở đây là vị thơm, béo, nước chấm đặc biệt không ở đâu có. Ngoài ra quán cũng có them những món ăn vặt để mình không bị nhàm chán.”