Thanh Hóa: Còn 835 tàu thuyền đang hoạt động trên biển
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, tính đến 5h ngày 4/9, toàn tỉnh còn 835 phương tiện tàu thuyền với 6.566 lao động đang hoạt động trên biển.
Tất cả các phương tiện này đều đã nắm được thông tin về vùng áp thấp và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng, gia đình và chính quyền địa phương.
Tỉnh Thanh Hóa đã có công điện về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão Yagi (bão số 3).
Nghệ An: Sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An đã ban hành công điện ứng phó với bão số 3.
Các đơn vị, địa phương quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: phía bắc vĩ tuyến 15,0; phía đông kinh tuyến 119,0 (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).
Tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu cũng như các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Người dân Hà Tĩnh gặt lúa xanh "chạy" bão
Tại Hà Tĩnh, ghi nhận tại xã Sơn Giang (huyện Hương Sơn), trong 2 ngày 3-4/9, người dân vùng này lo ngại bão số 3 đổ bộ gây ảnh hưởng nên đã chủ động gặt lúa sớm dù chưa đến thời điểm thu hoạch với quan điểm "xanh nhà hơn già đồng".
Tại vùng đồng ruộng sình lầy, không thể dùng máy móc, người dân thu hoạch lúa bằng máy gặt tự chế mang trên vai. Không khí thu hoạch diễn ra hối hả.
Còn những cánh đồng gần đường lớn, nhiều máy đập liên hợp được huy động xuống đồng. Phía trên bờ, người dân chờ vận chuyển từng bì lúa về nhà và tranh thủ tận dụng nắng để phơi.
Theo ông Nguyễn Tống Phong, Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh, vụ hè thu 2024, địa phương sản xuất gần 45.000ha lúa, chủ yếu cơ cấu nhóm giống có thời gian sinh trưởng ngắn 100-110 ngày, đảm bảo né thiên tai cuối vụ. Những ngày này, các địa phương đang tập trung thu hoạch lúa để tránh ảnh hưởng mưa lũ.
Quảng Bình: Không để tàu thuyền hư hỏng do va chạm khi neo đậu
Tại Quảng Bình, lực lượng biên phòng và các đơn vị, địa phương tập trung rà soát, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền còn hoạt động trên biển.
Tại các bến cảng, lực lượng chức năng chủ động hướng dẫn bà con neo đậu tàu thuyền, triển khai công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú, không để tàu thuyền hư hỏng do va chạm khi neo đậu.
Chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản vùng ven biển, cửa sông; sẵn sàng phương án gia cố nhà ở, các công trình công cộng khu vực chịu ảnh hưởng của bão.
Thừa Thiên Huế: Chiến sĩ biên phòng giúp dân gặt lúa
Trước diễn biến của cơn bão số 3, Chi đoàn Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức giúp đỡ người dân xã Lâm Đớt, huyện A Lưới thu hoạch lúa vụ hè thu.
Ngoài ra, nhằm chủ động ứng phó với bão số 3 và gió mạnh trên biển, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các huyện, thị xã và thành phố Huế, theo dõi sát diễn biến của bão số 3, gió mạnh, sóng lớn trên biển.
Các đơn vị, địa phương cần thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng tàu, thuyền (bao gồm cả tàu vận tải, bãi ngang ven biển) biết diễn biến của bão, gió mạnh trên biển để chủ động sản xuất và phòng tránh, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Theo ghi nhận của phóng viên, thời tiết tại các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế hiện nắng nóng, không có mưa, nhiệt độ ngày 4/9 dao động từ 30 đến 36 độ C.