Theo báo cáo mới đây từ tổ chức nghiên cứu SwissAid của Thụy Sĩ, mỗi năm, một lượng vàng được sản xuất thủ công và từ các mỏ quy mô nhỏ ở châu Phi trị giá tới 35 tỷ USD, được buôn lậu khỏi châu lục này. Phần lớn số vàng đó được đưa sang UAE.
Cụ thể, hơn 435 tấn vàng được xuất lậu khỏi châu Phi trong năm 2022, tương đương hơn 1 tấn vàng được buôn lậu mỗi ngày. Nếu tính theo giá vàng ở thời điểm đầu tháng 5, số vàng này có trị giá gần 31 tỷ USD. Phần lớn số vàng đó được nhập lậu vào UAE trước khi được xuất khẩu sang các quốc gia khác.
Châu Phi là một trong những khu vực sản xuất và xuất khẩu vàng lớn nhất trên thế giới. Trong đó, phần lớn vàng công nghiệp được các nước châu Phi xuất khẩu sang UAE, Thụy Sĩ và Ấn Độ.
Gần 80% toàn bộ sản lượng vàng của "lục địa đen" được bán sang 3 quốc gia này trong năm 2022. Trong đó, riêng UAE chiếm hơn 47%. Vàng buôn lậu khỏi châu Phi phần lớn chỉ được công bố khi nhập khẩu vào một quốc gia khác ngoài châu lục này.
Báo cáo cho biết con số thực tế có thể cao hơn nhiều nếu vàng châu Phi được nhập khẩu qua các nước thứ ba, nhưng một khi vàng đã được tinh chế, hầu như không thể truy xuất nguồn gốc.
Khi vàng được đưa ra thị trường quốc tế và được công bố nhập khẩu vào 1 quốc gia như UAE, vàng đó có thể được xuất khẩu hợp pháp sang các quốc gia khác. SwissAid cho biết luật pháp của những nước nhập khẩu vàng như vậy thường lỏng lẻo khi xét đến nguồn gốc thực sự của vàng.
Theo luật của Thụy Sĩ, địa điểm cuối cùng của quy trình chế biến được coi là nơi xuất xứ của vàng. Điều đó có nghĩa là nếu vàng được tái xuất khẩu từ UAE thì sẽ được coi là vàng có nguồn gốc từ nước này cho dù vàng đó ban đầu đến từ một nơi khác.