Cà Mau lần đầu tiên trưng bày số lượng lớn hiện vật Nam Bộ xưa, nhân kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương về văn hóa Việt Nam" (1943 - 2023) và 26 năm thành lập Bảo tàng tỉnh Cà Mau.
Lần trưng bày này với mong muốn để công chúng và người mộ điệu được chiêm ngưỡng, thưởng lãm những hiện vật đặc sắc mang dấu ấn của vùng đất Nam Bộ thời kỳ trước và hướng tới việc tham gia giữ gìn bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Các hiện vật được trưng bày đều có dấu ấn của thời gian và đặc biệt là luôn được tham gia vào quá trình vận động của vùng đất và con người Nam Bộ từ xưa cho đến ngày nay.
Có khoảng 640 hiện vật, gồm: Tượng, bình gốm, gạch trang trí, trang sức, dụng cụ sinh hoạt bằng kim loại, dụng thủ công bằng đất nung...
Trưng bày chia làm 3 nhóm chính: Nhóm hiện vật có liên quan đến 2 cuộc kháng chiến của nhân dân ta; nhóm hiện vật thời kỳ bao cấp (từ năm 1976-1986); nhóm hiện vật gắn liền với đời sống lao động, sinh hoạt sản xuất của bà con miền Nam.
Bên cạnh đó, còn có một số hiện vật phản ánh nền văn hóa Óc Eo, đó là những hiện vật chất liệu bằng gốm có niên đại thế kỷ I - VII. Theo Ban tổ chức, lượng thông tin chứa trong các hiện vật quý giá này tuy ít ỏi nhưng cũng góp phần tìm lại chân dung vùng đất cổ và các di tích thuộc văn hóa Óc Eo, chứng minh cho sự tồn tại của một nền văn hóa cổ trên vùng đất phía Nam.
Hiện vật có hình dạng như những chiếc rìu này theo thông tin giới thiệu từ Bảo tàng tỉnh Cà Mau là có từ thời kỳ Đông Sơn.
Hầu hết các hiện vật Nam Bộ xưa này được Cà Mau tiếp nhận từ các nhà sưu tầm thuộc Hội Cổ vật tỉnh An Giang, Câu lạc bộ cổ vật Thuận An, Chi hội Cổ Ngoạn Sài Gòn, Chi hội Đồ xưa huyện Châu Thành, Chi hội Caphe Đồ xưa Thoại Sơn hiến tặng. Trong ảnh: Cán bộ bảo tàng đang giới thiệu một hiện vật bằng đá được cho là dụng cụ dùng bào thuốc thời xưa.
Theo Bảo tàng Cà Mau, nội dung trưng bày góp phần khẳng định bề dày về lịch sử, văn hóa của vùng đất Nam Bộ và cũng phần nào gợi nhớ lại đời sống của lớp người thời khai hoang, mở cõi. Lớp bụi thời gian đang dần phủ lên những hiện vật này nhưng càng có tác dụng làm sống lại những giá trị nền tảng gắn chặt với tiến trình phát triển của vùng đất phương Nam, mà thế hệ mai sau vẫn cần được biết và trân trọng.