Huyện miền núi có hơn 600 trâu, bò chết rét
Những ngày qua, nhiệt độ tại các xã thuộc huyện miền núi Nghệ An xuống dưới 10 độ C đã khiến trâu, bò chết hàng loạt. Theo thống kê, tính đến ngày 24/2 đã có hơn 1.100 con trâu, bò bị chết rét.
Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, đến ngày 24/2, trên địa bàn huyện đã có hơn 600 con trâu, bò bị chết rét. Chủ yếu ở các xã Na Ngoi, Nậm Cắn, Nậm Càn, Tây Sơn, Mường Típ, Mường Ải, Keng Đu, Chiêu Lưu…
“Số trâu, bò bị chết rét chủ yếu do bà con thả rông, còn lại là chăn nuôi nhốt ở các chuồng trại. Việc thời tiết giá lạnh đột ngột trong những ngày qua khiến gia súc chết nhiều hơn so với các năm trước, đời sống bà con, nhất là các hộ nghèo lại gặp nhiều khó khăn hơn”, ông Rê cho biết.
Tại huyện Tương Dương, theo thống kê, đến ngày 24/2 địa phương này đã có gần 500 con trâu, bò bị chết, nhiều nhất là các xã Yên Na, Tam Đình, Hữu Khuông, Yên Thắng, Yên Tĩnh, Nhôn Mai…
“Đến thời điểm này trên địa bàn có hơn 170 con trâu bò bị chết rét. Huyện cũng đã cử 3 tổ để đi các địa phương rà soát cụ thể”, ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong thông tin.
Cùng với đó, các huyện miền núi khác như Con Cuông có hơn 100 con trâu, bò; Quỳ Hợp 79 con; Quỳ Châu 56 con… cùng một số ít dê, lợn và gia cầm bị chết.
Trâu, bò chết rét la liệt ở các huyện rẻo cao như Quế Phong, Kỳ Sơn. |
Nguyên nhân chính khiến trâu bò chết nhiều là do đói, khi nhiệt độ xuống quá thấp kết hợp với trời mưa đã khiến cho trâu bò thả rông trong rừng bị chết đói và chết rét. Người dân đi vào rừng tìm kiếm thì phát hiện trâu, bò bị chết rét, do không đưa về được nên một số người đã xẻ thịt đưa ra ngoài để bán vớt vát ít vốn.
Hiện nay, các địa phương ở Nghệ An vẫn đang tiếp tục rà soát, xác minh, kiểm tra lại tiếp tục bổ sung những thiệt hại để sau này hỗ trợ bà con theo quy định.
Nghệ An ra công điện khẩn
Để kịp thời đối phó với hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do đói, rét và dịch bệnh gây ra cho đàn vật nuôi, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Công điện khẩn số 06/CĐ-UBND ngày 23/2/2022 về việc tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Cụ thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn; các phòng, đơn vị liên quan triển khai, thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét và dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn; ký cam kết các hộ chăn nuôi tuyệt đối không thả rông gia súc trong mùa Đông; những hộ chăn nuôi nào cố tình thả rông gia súc, không thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét nếu bị thiệt hại thì không hỗ trợ thiệt hại theo quy định của Nhà nước.
Thành lập các Đoàn kiểm tra cấp huyện, cấp xã xuống tận thôn bản, hộ dân để kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, biện pháp phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, đặc biệt chú trọng các khu vực vùng núi, núi cao.
Các địa phương, đơn vị liên quan hướng dẫn người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn, ngoài thức ăn xanh cần bổ sung thức ăn tinh bột (ngô, cám…) cho trâu, bò đảm bảo cung cấp tại chuồng không để gia súc bị đói, khát; làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt sưởi ấm cho gia súc; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý tốt gia súc chết và chất thải vật nuôi; thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh xảy ra.
Xây dựng kế hoạch tiêm phòng, giao chỉ tiêu tiêm phòng cụ thể cho từng địa phương theo tổng đàn thực tế; yêu cầu chỉ tiêu tiêm phòng đạt 100% gia súc, gia cầm trong diện tiêm.
Bà con làm “áo ấm”, che chắn chuồng trại để phòng chống rét cho trâu, bò. |
Người dân huyện Tương Dương đốt lửa, sưởi ấm cho đàn gia súc. |
Việt Hòa