Ngày hội có sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp, nhà hàng, quán ăn, hộ kinh doanh, hợp tác xã, khu, điểm du lịch, các công ty lữ hành... Sự kiện đã giới thiệu đến người dân và du khách những sản phẩm du lịch, ẩm thực, văn hóa, văn nghệ đặc trưng nhất của huyện cùng nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn.
Ngày hội văn hóa, ẩm thực và du lịch với chủ đề “Hương sắc vùng đất thép” diễn ra liên tục trong 4 ngày (1/9 - 4/9/2022)
Ngay sau cổng chào là biểu tượng "Củ Chi Đất Thép Thành Đồng" được kết từ các loại trái cây, rau củ quả, đặc sản của huyện
Các bạn học sinh trường THPT Củ Chi tham quan, tìm hiểu tại không gian triển lãm
Gian triển lãm hình ảnh và giới thiệu sách về Củ Chi và các xã, thị trấn
Theo Ban tổ chức (BTC) Ngày hội, Củ Chi đang có hàng loạt sản phẩm tiêu biểu, mang thương hiệu Củ Chi được trưng bày và giới thiệu như khoai lang vàng sấy, chuối sấy các loại của Công ty TNHH kinh doanh Thịnh Phát Đạt, bánh tráng của Công ty TNHH XNK thực phẩm Duy Anh, gạo Sài Gòn Kim Hồng, rau má sấy lạnh của Công ty Thiên Nhiên Việt…
Khu vực giới thiệu ẩm thực địa phương của 21 xã, thị trấn
Tại đây còn có 21 gian hàng của 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức gánh hàng rong giới thiệu các ẩm thực của địa phương.
Đồ ăn, thức uống giá cả phải chăng và được niêm yết bảng giá đầy đủ
Món khoai mì quay trộn với mỡ hành giá chỉ 10 ngàn/hộp thu hút đông đảo người mua
"Bánh cuốn nóng ăn tại chỗ lúc trời mưa thì còn gì tuyệt hơn", chị dân quân tự vệ vừa tráng bánh, đon đả mời
Tại các quầy ẩm thực trưng bày các món ngon, vị lành hấp dẫn du khách
Chị Thu Minh ngụ tại Xã Tân Thạnh Đông cùng gia đình đến thưởng thức món ngon tại Ngày hội ẩm thực
Chị Minh cho hay: "Sẵn dịp về bên ngoại chơi mấy ngày nghỉ lễ, hai vợ chồng tôi dắt mấy đứa nhỏ và gia đình ghé đây vui chơi, ăn uống. Tôi thấy đồ ăn, thức uống tại đây rất da dạng, tha hồ chọn món mình thích, giá cả lại vừa túi tiền...".
Tuy nhiên do không gian hội chợ ẩm thực chật chội; bà con ghé đến quá đông, lại gặp ngay cơn mưa xối xả không có chỗ đi, nên nơi này trở nên ngột ngạt và chen chúc. Mong rằng lần tổ chứ kế tiếp, BTC sẽ làm ở nơi rộng hơn, càng thu hút bà con đến dự, chị Minh góp ý.
Không gian hội chợ còn có các gian hàng cây kiểng với rất nhiều cây và hoa lan sắc màu đa dạng, độc đáo
Gian hàng nấm, đông trùng hạ thảo, các sản phẩm sạch, thân thiện môi trường
Ngày hội là hoạt động ý nghĩa, lần đầu tiên được tổ chức tại huyện Củ Chi với mong muốn giới thiệu, quảng bá các nét đặc sắc về văn hóa, du lịch và con người vùng đất thép Củ Chi đến với bạn bè khắp mọi miền đất nước và nước ngoài.
Đồng thời tạo điều kiện cho việc hợp tác trong lĩnh vực văn hóa gắn với thúc đẩy phát triển du lịch, đa dạng hóa hình thức tổ chức để thu hút du khách như du lịch truyền thống, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái kết hợp giới thiệu làng nghề truyền thống, ẩm thực, văn hóa văn nghệ... hứa hẹn du khách sẽ có những trải nghiệm tốt nhất trong những ngày nghỉ lễ.
Hàng ngàn người dân và du khách tham dự Ngày hội văn hóa, ẩm thực và du lịch với chủ đề “Hương sắc vùng đất thép”
Trước đó, ngày 1/9, UBND huyện Củ Chi đã tổ chức lễ khai mạc Ngày hội văn hóa, ẩm thực và với chủ đề “Hương sắc vùng đất thép”.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, ngay trong ngày khai mạc đã có một số đoàn khách tham quan Củ Chi bằng xe buýt hai tầng. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp xanh, du lịch công nghệ cao để thu hút du khách đến với Củ Chi nhiều hơn.
Chương trình sân khấu thiếu nhi thu hút các bạn nhỏ tham dự
Với các tiết mục hài kịch, văn nghệ vui nhộn
Ngày hội diễn ra trong 4 ngày (1/9 - 4/9/2022) tại Công viên văn hóa huyện Củ Chi; chương trình còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao khác như: Hội thi Liên hoan văn nghệ - nghệ thuật truyền thống; Hội thi hoa lan, cây kiểng; Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2022; Hoạt động vui chơi dành cho thiếu nhi ...
Gian hàng giới thiệu làng nghề truyền thống đan lá mây tre lá của Xã Thái Mỹ
Chú Hồ Văn Do, nghệ nhân làng nghề đan lát truyền thống Xã Thái Mỹ
Chú Hồ Văn Do, nghệ nhân làng nghề Xã Thái Mỹ cho hay, làng nghề có tới cả trăm hộ, chủ yếu là người lớn tuổi làm. Chúng tôi sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương như tre, trúc... mình làm thủ công hết, từ công đoạn cưa cây, chẻ tre cho tới đan lát thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Ngoài các sản phẩm tiêu thụ trong nước, hiện nay chúng tôi cũng đã có các đơn hàng xuất khẩu ra nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản... với giá nhân công và nguồn hàng tương đối ổn định, thu nhập bà con cũng đỡ hơn trước.
Các sản phẩm rèm trúc từ làng nghề mành trúc Tân Thông Hội
Các lóng trúc kích cỡ to, nhỏ tạo nên những chiếc rèm kích cỡ khác nhau
Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Lê Trương Hiền Hòa nhận định, đây là cơ hội để thu hút du khách đến tham quan, vui chơi, hiểu biết nhiều hơn về Củ Chi. Với lợi thế sẵn có về thiên nhiên cũng như bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử hào hùng, nơi đây hứa hẹn sẽ là điểm dừng chân không thể thiếu trên các tuyến du lịch trong hành trình kết nối TP.HCM đi các tỉnh thành trong nước (Long An, Tây Ninh,..) và quốc tế.
Dịp này, khách du lịch có thể tham quan tại một số điểm đến nổi tiếng như Bến Dược – Bến Đình; Nhà Tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Rành; vườn bưởi Tam Tân; khu Nông nghiệp Công nghệ cao; vườn trái cây Trung An; khu du lịch nông trang xanh; một số làng nghề sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu Củ Chi như mây tre, mành trúc, đan lát, bánh tráng, gốm sứ các loại…