Hàng loạt tính năng trên ô tô được hồi sinh từ "cõi chết"

28/09/2022 14:58

Cách đây hơn 30 năm, người mua sẽ không thể tưởng tượng được rằng chiếc xe trong tương lai có thể tự vào gara chỉ bằng một chiếc máy tính bỏ túi, lái xe hàng giờ mà không cần chạm vô lăng hay hướng dẫn chỉ đường hiển thị trên kính lái...

Rất nhiều tính năng trên ô tô tưởng mới mẻ nhưng vốn dĩ nó đã tồn tại trước đó.

Những trang bị tính năng tiện ích mà chúng ta cho là mới mẻ và đầy sáng tạo đó, thực tế có nhiều thứ đã xuất hiện từ rất lâu, chỉ là mọi thứ mới dừng lại ở những thử nghiệm thất bại. Đó là vì thời điểm bấy giờ, công nghệ không đủ tiên tiến để làm cho chúng hoạt động bình thường hoặc đáng tin cậy.

Nhưng hiện nay, với sự phát triển nhanh như vũ bão của công nghệ, những ý tưởng đó lại có cơ hội được hồi sinh. Dưới đây là loạt tính năng trên ô tô đã được trở lại từ cõi chết.

Turbo tăng áp

Ngày nay, hầu hết những chiếc xe ô tô có hiệu suất lớn một chút đều sử dụng sức mạnh của dòng khí thải để nạp thêm không khí vào trong động cơ, hay nhiều người gọi một cách dễ hiểu là động cơ tubro tăng áp.

Thực tế, GM có thể được coi là hãng xe tiên phong sử dụng cách thức này để gia tăng hiệu suất cho 2 mẫu xe Oldmsobile F-85 Jetfire và Chevy Corvair Monza vào những năm 1960.

Hệ thống động cơ Turbo tăng áp lần đầu tiên sử dụng trên mẫu GM Oldmsobile F-85 Jetfire.

Tuy nhiên, quá trình kết hợp giữa bộ turbo tăng áp và động cơ chưa hoàn chỉnh đã làm cho những chiếc xe của họ liên tục bị trục trặc. Điều này đã khiến GM phải từ bỏ thử nghiệm trong khoảng thời gian ngắn ngủi.

Hơn 1 thập kỷ sau đó, công nghệ turbo tăng áp mới có cơ hội được nhắc đến khi nó xuất hiện trên những chiếc xe xăng hiệu suất cao như BMW 2002 Turbo 1974 và Porsche 911 Turbo 1975, sau đó là động cơ Diesel, bao gồm cả Mercedes-Benz 300SD 1978.

Nhưng phải đến những năm 1990, những chiếc xe sử dụng động cơ turbo tăng áp mới dần tạo thành xu hướng khi Tập đoàn VW giới thiệu động cơ 1.8L turbo tăng áp và áp dụng nó rộng rãi lên nhiều mẫu xe của hãng.

Còn hiện tại, trước áp lực của những quy chuẩn ngặt nghèo về khí thải, công nghệ turbo là giải pháp bắt buộc trên những chiếc xe được bán ra thị trường. Nên từ năm 2010 trở đi, những chiếc xe sử dụng động cơ hút khí nạp tự nhiên dần dần trở nên bị lạc lõng.

Đèn pha tự động

Trước đây, để tránh lóa mắt những chiếc xe ô tô đi ngược chiều, tài xế sẽ phải rời tay khỏi vô lăng để thực hiện thao tác điều chỉnh đèn chiếu sáng xa hay gần. Trong khi, điều này giờ đã được những chiếc xe hiện đại làm thay cho tài xế.

Hệ thống đèn pha Autronic Eye được Cadillac áp dụng lên những mẫu xe của hãng.

Trong quá khứ, Cadillac đã từng tung ra phiên bản đầu tiên của công nghệ này, có tên là Autronic Eye vào năm 1952 và tồn tại đến đầu những năm 1980 với tên gọi Guide-Matic. Nhưng đáng tiếc, nó hoạt động thật sự tệ hại.

Ngoài ra, tính năng tự động bật sáng khi trời tối và giữ đèn sáng trong một khoảng thời gian nhất định sau khi tắt máy cũng là 2 tính năng của hệ thống Twilight Sentinel mà GM đã từng hứa hẹn sẽ phổ cập vào những năm 1960.

Còn tính năng đèn bổ trợ góc sáng khi vào cua hiện nay chắc chắn cũng được lấy cảm hứng từ những chiếc xe như Citroën DS, SM và Tucker 48.

Ngắt xi lanh theo yêu cầu

Khi chạy trên đường trường với tốc độ ổn định, một chiếc xe ô tô chỉ cần một phần nhỏ công suất của động cơ. Vì vậy, việc ngắt một nửa số xi lanh trong động cơ khi không cần thiết, để tiết kiệm nhiên liệu có vẻ là một ý tưởng tuyệt vời.

Và nếu bạn đã lái một chiếc Audi A1 Sportback, một chiếc Ford Fiesta ST hay một chiếc Dodge hoặc Jeep sử dụng động cơ Hemi 5.7L, bạn sẽ biết nó êm ái một cách đáng ngạc nhiên.

Động cơ V8-6-4 của Cadillac cho phép ngắt một số xi lanh khi không cần thiết.

Cách đây 40 năm, ý tưởng này đã từng được Cadillac thử nghiệm trên động cơ V8-6-4 vào năm 1981. Thế nhưng, ý tưởng thông minh để đối phó với cuộc khủng hoảng nhiên liệu lần thứ 2 đã không diễn ra theo đúng kịch bản.

Điều này là do các thiết bị điện tử thời kỳ đó chưa đủ thông minh để giúp cho hệ thống ngắt mở xi lanh hoạt động một cách bình thường, chính vì vậy nó nhanh chóng bị loại bỏ.

Nhưng hai thập kỷ sau, nhờ những bước tiến về công nghệ, hệ thống ngắt xi lanh theo yêu cầu đã trở lại và cuối cùng đã sống đúng với mục đích được tạo ra ban đầu.

Chuyển hướng bánh sau

Trong những năm 1980, các hãng xe ô tô Nhật Bản bắt đầu nghiên cứu phát triển hệ thống chuyển hướng bánh sau và áp dụng lên những chiếc xe như Honda Prelude và Mazda 626. Tiếp sau đó, Nissan Skyline GT-R cũng áp dụng hệ thống chuyển hướng bánh sau vào năm 1989 và trở thành nhà vô địch trong suốt những năm 1990 tại các giải đua trong nước.

Mẫu Nissan GT-R Skyline R31 1986 tiên phong sử dụng công nghệ dẫn hướng bánh sau.

Trớ trêu thay, công nghệ này lại gần như không được các hãng xe ô tô khác ưa chuộng khiến Nissan đã phải loại bỏ hệ thống đánh lái bánh sau khỏi GT-R bằng việc khai tử R34 Skyline. Khi Nissan GT-R R35 xuất hiện vào năm 2007, nó chỉ còn sử dụng hệ thống đánh lái bánh trước.

May mắn thay,  hiện nay các nhà sản xuất ô tô lại đang bắt đầu khai thác lợi ích mà hệ thống chuyển hướng bánh sau đem lại. Vì vậy, giờ đây cụm từ "đánh lái bánh sau" đang ngày càng được nhắc nhiều hơn trên những mẫu xe cao cấp và đắt tiền như một hình thức quảng bá về một tính năng mới.

Hệ thống động cơ điện

Theo xu hướng phát triển của ngành công nghiệp ô tô hướng tới một thế giới phương tiện không phát thải, động cơ đốt trong đang dần bị gạt sang một bên để nhường cho lựa chọn thay thế là động cơ điện sạch và yên tĩnh hơn.

Cách đây 100 năm, xe điện đã từng có một cuộc cách mạng nhưng không thành công.

Bạn có biết một cuộc chiến như thế này đã từng xảy ra vào cuối những năm 1890 cho tới đầu những năm 1900 và kết quả khi đó là những chiếc xe chạy điện đã phải thua cuộc.

Mặc dù những chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong ồn ào hơn, tạo nhiều mùi, khởi động và lái xe cũng phức tạp hơn nhưng đánh đổi lại là nó lại nhẹ hơn và rẻ hơn. Xe điện thời đó sử dụng bằng ắc quy axit chì không thể lưu trữ nhiều năng lượng, trong khi trọng lượng bình điện lại khá nặng.

Một trong những điểm mấu chốt để xe sử dụng động cơ đốt trong chiến thắng ở thời điểm đó còn là sự ra đời của bộ khởi động điện và lợi ích từ dầu mỏ. Điều đó đã khiến cho cuộc cách mạng về xe điện lúc bấy giờ bị thất thế.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ của xe điện, sự phát triển của công nghệ pin nhiên liệu và mối quan tâm về biến đổi khí hậu cũng như phát triển nguồn năng lượng mới của Chính phủ nhiều nước, đã giúp cho hướng đi của xe điện đang trở lại đúng đắn, chỉ là chậm hơn 100 năm so với kế hoạch.

Bảng điều khiển kỹ thuật số

Toàn bộ hệ thống giải trí và đồng hồ trên Mercedes EQS đều sử dụng hoàn toàn bằng mang hình cảm ứng. 

Màn hình thông tin giải trí kỹ thuật số cỡ lớn đã và đang thay đổi giao diện của khu vực bảng điều khiển trung tâm trên xe ô tô trong 20 năm qua. Giờ đây, hầu hết những chiếc xe hơi mới ra mắt sẽ đều có một màn hình kỹ thuật số phụ bên trong cụm đồng hồ analog truyền thống. Thậm chí, nhiều xe còn được bao phủ bằng toàn bộ màn hình kỹ thuật số. Mercedes-EQS là một ví dụ.

Đó là hiện tại, thế còn quá khứ thì sao? Bảng đồng hồ kỹ thuật số lần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1980, nhưng phần lớn đã bị bỏ rơi vào cuối thập kỷ đó.

Bảng đồng hồ kỹ thuật số trên mẫu Audi Quattro 1990.

Nhưng với sự phát triển của công nghệ, sự xuất hiện của cụm đồng hồ kỹ thuật số đang có xu hướng nở rộ. Nó không còn thể hiện đơn điệu nữa mà sẽ được tùy biến rất nhiều thứ trong đó, từ khả năng hiển thị bản đồ dẫn đường, các tính năng giải trí thay vì chỉ được hiện thị trên màn hình cảm ứng trung tâm.

Những chiếc xe biết nói

Knight Rider KITT có khả năng phát ra những câu nói ở dạng cơ bản.

Giống như bảng điều khiển kỹ thuật số, tính năng phát tiếng nói liên quan đến các thông số trên bảng điều khiển cũng là một chủ đề được bàn tán vào đầu những năm 1980. Trong những chiếc xe biết nói, có lẽ không có chiếc xe nào có thể vượt qua mẫu KITT của Knight Rider. Và công nghệ đó đã được xem như một chiêu thức để quảng cáo bán hàng.

Ngày nay, ý tưởng về một chiếc xe biết nói đã không còn trở nên xa lạ. Đặc biệt, với sự ra đời của trợ lý Google tích hợp trên các phần mềm, xe ô tô của bạn giờ đây không chỉ biết nói chuyện với bạn mà còn có thể lắng nghe những gì bạn muốn.

Cốp phía trước

Ford F-150 Lightning có cả cốp đựng đồ ở phía trước.

Xe điện đã tạo một cuộc cách mạng về cách chúng ta "tiếp nhiên liệu" cho chiếc xe của mình, cũng như cách chứa đồ khi đi mua sắm. Thay vì mở cốp phía sau hoặc cửa phía sau, giờ đây chúng ta có thể chỉ cần lật nắp capo phía trước và bỏ đồ vào bên trong đó.

Tại sao lại làm được điều đó? Vì xe điện đã loại bỏ được động cơ đốt trong, nhờ đó giải phóng được một khoảng không gian đáng kể ở khu vực đầu xe để dành chỗ cho việc chở đồ. Hãy nhìn vào Ford F-150 Lightning là một ví dụ cho điều này.

Còn với những chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong, cốp phía trước thường sẽ chỉ xuất hiện trên một số mẫu xe có động cơ đặt giữa hoặc động cơ sau và nó không phải là một thiết kế phổ biến. Nhưng tới đây, khi chứng kiến sự bùng nổ của xe điện, rất có thể cốp phía trước sẽ trở thành một phần không thể thiếu của dòng xe này.

Động cơ quay

Cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, hai nhà sản xuất ô tô là Citroen và Mercedes-Benz đều rất hào hứng với động cơ quay siêu êm của Felix Wankel. Hào hứng là vậy nhưng Mercedes-Benz chưa bao giờ sản xuất một chiếc xe được trang bị động cơ quay.

Citroen GS Birotor sử dụng động cơ quay là một trong những thất bại của hãng xe hơi Pháp.

Còn Citroen chỉ sản xuất duy nhất mẫu GS Birotor nhưng sau đó, do khó khăn về tài chính và không thể duy trì nguồn cung cấp linh kiện lâu dài, hãng đã phải thu hồi và tiêu hủy những chiếc xe này, khiến kết cục của GS Birotor trở thành một trong những câu chuyện buồn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô.

Hiện nay, chỉ còn duy nhất Mazda là hãng xe vẫn theo đuổi phát triển động cơ quay, bất chấp việc mẫu xe Mazda RX-8 đã bị khai tử từ năm 2010 do không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 5. Mới đây, Mazda đã lên tiếng xác nhận về sự hồi sinh của động cơ quay.

Mazda RX-30 vẫn trang bị động cơ quay nhưng chỉ đóng vai trò hỗ trợ của hệ thống PHEV.

Nhưng động cơ quay sẽ không phải là một động cơ được thiết kế để hoạt động độc lập. Thay vào đó, nó sẽ là một phần của hệ thống Plug-In Hybrid trên mẫu Mazda MX-30 2023 dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm nay.

Ngô Minh (Theo Carscoops)

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/hang-loat-tinh-nang-tren-o-to-duoc-hoi-sinh-tu-coi-chet-2064045.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/hang-loat-tinh-nang-tren-o-to-duoc-hoi-sinh-tu-coi-chet-2064045.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hàng loạt tính năng trên ô tô được hồi sinh từ "cõi chết"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO