Chia sẻ với Dân trí, ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cho hay, Bộ đã nắm được thông tin các sắc phong được rao bán ở Trung Quốc và đang xác minh thêm từ các địa phương.
"Bộ VH,TT&DL đang xác minh xem sắc phong được bán với số lượng bao nhiêu. Bộ cũng chỉ đạo Cục Di sản Văn hóa gửi công văn cho 8 địa phương xem cụ thể thế nào, tính xác thực ra sao. Cái chúng ta thấy mới đang qua ảnh. Ngoài ra cũng cần tìm hiểu xem nguồn gốc sắc phong bị mất hay chỉ là thất lạc?", ông Cương cho hay.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết thêm, có những sự việc rất rõ như sắc phong đền Quốc tế tại xã Dị Nậu, huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) là bị mất năm 2021, có biên bản ghi nhận. Những địa phương khác cũng cần có những báo cáo tổng thể để Bộ xem xét.
Ông Cương cho hay, Bộ VH,TT&DL sẽ có văn bản gửi Bộ Ngoại giao đề nghị Lãnh sự của mình ở Thượng Hải (Trung Quốc) xác minh thêm thông tin, sau đó mới có các giải pháp tiếp theo.
Trước đó, trang web Duong Minh ở Trung Quốc đăng một số sắc phong của Việt Nam với giá khởi điểm từ 2.800 đến 3.500 nhân dân tệ (9,5 triệu đến khoảng 12 triệu đồng). Những thánh chỉ này in trên giấy vàng, họa tiết rồng, còn nguyên vẹn. Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 22/4.
Trong số đó có sắc phong được cho là của vua Lê Hiển Tông, ban bố năm Cảnh Hưng thứ nhất (1740). Bức thứ hai được cho là sắc phong thần ban hành năm Thiệu Trị thứ tư (1844), nói về công đức của thiền sư thời Lý Từ Đạo Hạnh. Thánh chỉ khác được rao bán là của vua Thành Thái, ban bố năm 1889, sắc phong vị thần làng ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Hưng Hóa (cũ).
Sắc phong thần là tài sản chung của làng, xã nên thường được lưu giữ, bảo tồn chung. Sắc phong thường được viết lên giấy hoặc vải màu vàng, in hình rồng, có đóng ấn của vua.
Công ty đấu giá Dương Minh Thượng Hải được Cục Công thương thành phố Thượng Hải và Ủy ban Thương mại thành phố Thượng Hải phê chuẩn thành lập năm 2014. Sau đó, công ty này được Cục quản lý di sản văn hóa Trung Quốc cấp phép đấu giá các sản phẩm liên quan di sản. Các mặt hàng chủ yếu được đấu giá ở hãng này gồm tiền cổ, trái phiếu cổ, các tư liệu lịch sử.