Hành khách vạ vật ở sân bay
Những ngày qua, tình trạng các chuyến bay bị chậm, hoãn xảy ra liên tục và vẫn đang tiếp diễn, chủ yếu xuất hiện tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TPHCM). Việc chậm chuyến khiến sân bay luôn trong tình trạng chật cứng, khách bay ngồi vạ vật chờ ở sảnh.
Tối 27/6, anh H. có lịch bay từ Hà Nội đi TPHCM. Chuyến bay dự kiến khởi hành lúc 19h nên anh tính vào đến nơi sẽ kịp đi chơi cùng nhóm bạn. Tuy nhiên, đến hơn 22h30, chuyến bay mang số hiệu VJ149 mới cất cánh, vậy là kế hoạch của anh H. phải hủy bỏ.
"Thú thực tôi không tiếc buổi đi chơi vì hôm sau chúng tôi vẫn có hẹn với nhau. Có điều trải nghiệm chờ ở sân bay hơn 5 tiếng đồng hồ, không biết làm gì trong khi xung quanh đông nghịt người mới thật chán nản, mệt mỏi", anh H. nói và gọi trải nghiệm vừa qua là "cú sốc".
Thực tế, nhiều chuyến bay từ Hà Nội đi TPHCM và chiều bay ngược của nhiều hãng bị chậm: chuyến bay mang số hiệu VN221 của Vietnam Airlines lịch trình khởi hành vào lúc 21h ngày 26/6 nhưng phải đến 23h05 cùng ngày mới cất cánh (chậm hơn 2 tiếng); chuyến bay VJ151 của Vietjet Air bay hôm 24/6 chậm khoảng 4 tiếng rưỡi; chuyến bay QH292 của Bamboo Airways bay hôm 24/6 chậm khoảng 1 tiếng…
Những đường bay khác có điểm xuất phát hoặc điểm đích là Nội Bài hoặc Tân Sơn Nhất cũng bị ảnh hưởng. Trường hợp của anh Q.Hùng có lịch bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng lúc 10h30, anh đi từ 8h ra sân bay, check-in (thực hiện đăng ký, xác nhận - PV) xong lên tàu bay lúc 10h, nhưng phải đến 12h30 mới được bay. Anh Q.Hùng ăn trưa khi hơn 14h trong tình trạng "đói lả".
Theo quy định của Luật Hàng không dân dụng, trường hợp hãng bay chậm chuyến từ 2 giờ thì phải cung cấp nước uống cho hành khách; từ 4 giờ phải cung cấp dịch vụ ăn uống miễn phí; trên 6 giờ phải cung cấp khách sạn miễn phí cho khách. Tuy nhiên, đa phần hành khách được hỏi cho biết không được nhận các dịch vụ kể trên.
Hãng đổ lỗi do thời tiết
Trao đổi với Dân trí, ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines, cho biết chủ yếu hiện nay, do vào mùa mưa bão tại một số sân bay lớn trong nước, tình hình thời tiết xấu, mưa dông lớn gây tắc nghẽn không lưu mặt đất, trên trời và chậm dây chuyền.
Các nguyên nhân thường thấy tiếp theo có thể kể đến giới hạn về cơ sở hạ tầng phục vụ của sân bay, slot cất hạ cánh nên các máy bay phải lùi giờ cất, hạ cánh chờ đến lượt; hành khách phát sinh vấn đề cần phải rời tàu bay như ốm, mệt, cấp cứu nên chuyến bay phải đồng bộ hóa lại hành khách, hành lý, dẫn tới delay…
"Thực tế, các chuyến bay quốc tế của Vietnam Airlines từ các sân bay nước ngoài tại châu Âu và Australia cũng bị chậm do thiếu nhân lực phục vụ tại sân bay ảnh hưởng đến chỉ số OTP (chỉ số bay đúng giờ - PV) toàn mạng của Vietnam Airlines", ông Tuấn nói.
Hãng bay này khẳng định các hành khách bị ảnh hưởng sẽ được hỗ trợ theo quy định, tùy theo mức độ và nguyên nhân khiến chuyến bay bị delay.
Tương tự, Vietjet Air và Bamboo Airways cũng lý giải trong quá trình phục vụ hành khách, đặc biệt mùa cao điểm, có thể phát sinh những tình huống bất khả kháng khiến một số chuyến bay phải lùi giờ khởi hành.
Liên quan đến bồi thường, quy định của Bộ Giao thông Vận tải chỉ rõ nếu cơ quan chức năng xác định việc chậm chuyến xuất phát từ lỗi chủ quan của hãng, mức bồi thường ứng trước không hoàn lại cho mỗi hành khách đối với chuyến bay nội địa dao động 200.000 - 400.000 đồng tùy độ dài đường bay.
Trước đó, vào đầu tháng 6, hệ thống check-in của Vietjet gặp sự cố, phải chuyển sang làm thủ công khiến nhiều chuyến bay bị chậm. Lượng hành khách rất đông nên dẫn đến cảnh ùn ứ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Doanh nghiệp này sau đó đã phải giải trình, làm rõ.
Theo dantri.com.vn